Những mã cổ phiếu khiến nhà đầu tư “thất vọng” năm 2016

Quốc Hải Thứ hai, ngày 26/12/2016 08:00 AM (GMT+7)
Bất ngờ phát hiện “sai lệch nghiêm trọng” trong hàng tồn kho; Công ty đã ngừng hoạt động nhưng vẫn giao dịch sôi động trên thị trường; Ôm khoản nợ lên tới con số nghìn tỷ và phương án tái cơ cấu các khoản nợ vẫn dậm chân tại chỗ... là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư chứng khoán “ôm trái đắng” trong năm 2016.
Bình luận 0

img

Náo loạn tại Đại hội Cổ đông Eximbank

Cú ngã đau của Gỗ Trường Thành (TTF)

Tốn nhiều giấy mực nhất là câu chuyện “ngã ngựa” của Gỗ Trường Thành (Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành - mã TTF) và cũng là câu chuyện khó tin nhất khi Tập đoàn này được sự trợ giúp của Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Tập đoàn Vingroup (VIC) để tái cơ cấu nợ. Thậm chí, trước phiên giao dịch ngày 18.7, TTF còn được Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (Công ty con 100% vốn thuộc VIC)  bỏ ra một số vốn không nhỏ để sở hữu 49,9% vốn và dự kiến tăng sở hữu lên 69% từ việc mua 69,7 triệu cổ phần cấn trừ khoản nợ hơn 1.200 tỷ đồng. Chưa kể, phía VIC cũng cử người đến tiếp nhận những vị trí “chop bu” tại TTF như Tổng giám đốc, Giám đốc Tài chính và Kế toán trưởng... khiến nhà đầu tư càng hy vọng về một TTF sẽ... hổi sinh.

Tuy nhiên, mọi việc bỗng đổ bể khi Tân Liên Phát công bố hoãn chuyển đổi nợ thành cổ phiếu. Sau đó, một loạt các sai lệch nghiêm trọng trong hàng tồn kho và khoản phải thu được nhóm cổ đông mới phát hiện, TTF phải gánh chịu khoản lỗ ròng hợp nhất lên đến 1.124 tỷ đồng trong quý 2.2016 và phải ghi nhận lỗ lũy kế 1.082 tỷ đồng.

Cũng từ công bố này, giá cổ phiếu TTF từ mốc 43.600 đồng/CP giảm không phanh, đến thời điểm chốt phiên 23.12, giá TTF chỉ còn 6.260 đồng/CP.

Hiện tình hình kinh doanh quý 4 chưa được TTF công bố song trong quý 3, TTF tiếp tục lỗ 394 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế trên lên 1.605 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp. Nếu trong quý 4 này, tình hình kinh doanh tại TTF không cải thiện thì nhiều khả năng sẽ bị hủy niêm yết.

“Dính quả lừa” tại MTM

Trong khi đó, với giới đầu tư chứng khoán tại Hà Nội và một số tỉnh thành thì câu chuyện của Công ty Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung (MTM) là... “đau đớn nhất”. Theo ghi nhận, MTM chính thức được giao dịch tại thị trường UPCoM vào 15.04.2016 với giá tham chiếu 10.500 đồng/CP, sau đó MTM có phiên tăng lên tới 14.700 đồng/CP rồi bất ngờ giảm mạnh xuống 2.600 đồng/CP. Sau 2 tháng giao dịch, cổ phiếu MTM bất ngờ bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho tạm ngừng giao dịch.

Lý do khiến MTM tạm ngừng giao dịch là từ dữ liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, MTM hiện đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế; trụ sở là một quán ăn, địa chỉ chi nhánh tại Hà Nội là một phòng khám răng hàm mặt… Điều khiến nhà đầu tư “dính quả lừa” là đơn vị này cũng có “nhận diện thương hiệu” giống một doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực là CTCP Khoáng sản miền Trung với tên viết tắt MTM.

Cũng cần phải nói rõ vì sao MTM “qua mặt” được nhà đầu tư? Thực tế, để đăng ký giao dịch trên UPCoM thì điều kiện rất đơn giản, chỉ cần doanh nghiệp đang là công ty đại chúng, tức có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên và có từ 100 nhà đầu tư trở lên. Thế nên, khi MTM đăng ký giao dịch và nhà đầu tư bị “nhầm” thông tin qua CTCP Khoáng sản miền Trung (cũng là MTM) nên “dính đòn”.

Tiền đã đổ vào mã này nên cơ hội lấy lại vốn của nhà đầu tư gần như không có.

“Ngậm đắng” cùng bầu Đức

Năm 2016 cũng là một năm không mấy suôn sẻ của bầu Đức khi cổ phiếu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) đồng loạt về đáy. Nguyên nhân là vì HAG có khoản nợ thuộc vào hàng “khủng” và phương án tái cơ cấu các khoản nợ này ra sao vẫn là một dấu chấm hỏi đối với nhà đầu tư.

Tại cuộc họp Đại hội Cổ đông vào tháng 9 tại TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai), bầu Đức đã trấn an nhà đầu tư hãy “vững tin” vào Tập đoàn. Tuy nhiên, báo cáo tài chính đến cuối quý 3 cho thấy HAG có tổng nợ phải trả là 32.995 tỷ đồng (chiếm 65% tổng nguồn vốn), riêng vay ngắn hạn 12.343 tỷ  đồng (đến hạn thanh toán trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày 30.06.2016) và vay dài hạn 14.340 tỷ đồng. Khoản lỗ 9 tháng đầu năm của HAG cũng lên tới 896 tỷ đồng.

img

Bầu Đức cũng khiến nhà đầu tư thất vọng nhiều trong năm 2016 (Đại hội cổ đông của HAGL)

Đồng cảnh ngộ, HNG cũng có khoản nợ 4.749 tỷ đồng đến hạn trong vòng 12 tháng kể từ 30.6.2016 và 9 tháng đầu năm lỗ đậm lên tới 643 tỷ đồng.

Thế nên, dù tình hình mủ cao su thiên nhiên cuối năm 2016 này có phục hồi đáng kể thì cũng “khó” cứu được giá cổ phiếu HAG và HNG.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, giá HAG đã mất đi 50% từ mức trên mệnh giá thời điểm đầu năm, từ 10.100 đồng/CP xuống chỉ còn 5.510 đồng/CP; HNG còn giảm mạnh hơn, từ 29.000 đồng/CP về chỉ còn 6.400 đồng/CP.

“Vỡ mộng” với “cổ phiếu vua”

Năm 2016 cũng chứng kiến sự sụt giảm giá trị của hàng loạt “cổ phiếu vua”. Những cái tên lớn như Vietcombank (VCB); BIDV (BID); Vietinbank (CTG)... cũng đồng loạt giảm giá.

Chẳng hạn, với VCB, giá khởi điểm đầu năm 2016 khoảng 43.000 đồng/CP và có thời điểm lên tới 57.000 đồng/CP (cuối tháng 8). Thế nhưng, thời điểm hiện tại VCB chỉ còn giao dịch quanh mức 34.000  - 35.600 đồng/CP.

Cũng gây thất vọng không kém là cổ phiếu BID, theo đó giá khởi đầu năm 2016 là 19.100 đồng/CP thì thị giá hiện tại của BID chỉ còn 14.600 đồng/CP, nếu so với năm 2015 thì nhà đầu tư càng thất vọng hơn khi thị giá năm 2015 của cổ phiếu này có thời điểm lên tới 26.000 đồng/CP.

Song, gây thất vọng nhất với những nhà đầu tư tin tưởng vào “cổ phiếu vua” vẫn là 2 cổ phiếu Sacombank (STB) và Eximbank (EIB).

Với STB, giá khởi đầu năm 2016 của ngân hàng này là 13.100 đồng/CP, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ còn 8.340 đồng/CP. Không những thế, đến nay STB cũng chưa tổ chức được đại hội cổ đông 2016 và những thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của nhà băng này sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam là rất ít.

Trong khi đó, có lẽ cũng vì “mâu thuẫn nội bộ” mà tình hình kinh doanh của EIB cũng không mấy khả quan trong năm 2016, tổng tài sản sụt giảm, lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng... Trong đó, giá mở cửa năm 2016 của EIB ở mức 10.900 đồng/CP, có thời điểm tăng lên 12.900 đồng/CP nhưng từ đầu tháng 11 đến nay thì EIB đang đổ dốc về dưới mệnh giá, hiện đang giao dịch quanh mốc 9.600 đồng/CP.

Song với nhà đầu tư, thất vọng lớn nhất đối với EIB có lẽ không phải bởi thị giá giảm xuống mức mệnh giá mà do đến nay qua hơn 2 năm thì tình trạng lộn xộn vẫn chưa thể giải quyết xong; cổ đông lớn thì đấu đá trong khi đó cổ đông nhỏ thì “dài cổ” chờ đợi kỳ đại hội cổ đông bất thường 2016 mà đến thời điểm hiện tại chắn chắn không thể diễn ra vì đã hết năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem