Những thách thức đang chờ tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng

Thế Anh Thứ sáu, ngày 21/10/2022 19:00 PM (GMT+7)
Với khối lượng dự án lớn đang triển khai, "gánh nặng" giải ngân đầu tư công đang đặt lên vai ngành GTVT và đây là một trong những thách thức đang chờ đợi tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Bình luận 0

Những dự án còn dang dở của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Tại kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu miễn nhiễm Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể theo nguyện vọng cá nhân và phân công của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, Quốc hội đã bỏ phiếu bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Điện Biên làm Bộ trưởng Bộ GTVT.

Những thách thức đang chờ tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng - Ảnh 1.

Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Việt Anh)

Ông Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1973) vốn là người làm trong lĩnh vực ngân hàng. Ông gắn bó với VietinBank từ năm 1996 và kinh qua nhiều chức vụ rồi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc (2011) và Chủ tịch HĐQT (2014).  Đến tháng 7/2018, ông Nguyễn Văn Thắng được Bộ Chính trị quyết định luân chuyển và chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2015-2020. Sau đó ông được bầu giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Một năm sau ông trở thành phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và giữ cương vị đó cho đến khi được Bộ Chính trị điều động về Điện Biên và được bầu giữ chức bí thư Tỉnh ủy Điện Biên từ tháng 10-2020.

Có lẽ không ít người thắc mắc vì sao ông Nguyễn Văn Thể lại rời khỏi vị trí này trong thời điểm này và vì sao ông Thắng lại được lựa chọn?

Với quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19, đẩy mạnh đầu tư công được coi là một mắt xích quan trọng để "bơm vốn" vào nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh khởi công, triển khai thực hiện nhiều dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành, đường vành đai 3, được vành đai 4...

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 334,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% kế hoạch năm, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức đạt 58,7% kế hoạch năm cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021 (đây là 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19), tuy nhiên vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng là trên 65% kế hoạch.

Nguyên nhân được chỉ ra rất nhiều: như năm 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các Bộ ngành và địa phương triển khai nhiều dự án khởi công mới cần nhiều thời gian để chuẩn bị dự án nên tiến độ thực hiện các dự án này chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vốn đầu tư…

Còn có các nguyên nhân chủ quan như: Vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đơn giá đền bù, năng lực hạn chế của ban quản lý dự án, cán bộ làm công tác đầu tư tại các cấp; không tuân thủ đúng quy định về thời gian thẩm định, phê duyệt dự án…

Ví như dự án cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai vào có nguy cơ không đảm bảo tiến độ giải ngân cũng như tiến độ. Hay như dự án sân bay Long Thành đang còn ngổn ngang với việc giải phóng mặt bằng, đền bù... liệu có thể về đích đúng thời gian...

Loạt thách chờ tân Bộ trưởng GTVT "hoá giải bài toán khó" - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đang là thách thức lớn chờ tân Bộ trưởng Bộ GTVT "hoá giải". Ảnh: V.D

Với khối lượng công việc như vậy, rõ ràng, gánh nặng giải ngân đầu tư công đang đặt lên vai ngành GTVT, mà cụ thể là người ngồi "ghế nóng". Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, vị trí này đòi hỏi một người quyết liệt, mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm... Và những công việc còn dang dở này, người kế nhiệm là ông Nguyễn Văn Thắng sẽ phải giải nốt bài toán mà ông Thể chưa hoàn thành. 

Thách thức của tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng

Ngồi vào "ghế nóng", ông Nguyễn Văn Thắng sẽ có nhiều thách thức đang chờ đợi. Thách thức đầu tiên phải kể đến là nhiệm vụ hoàn thành 5 Quy hoạch ngành quốc gia đối với các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải gồm có đường bộ; đường sắt; cảng biển; cảng hàng không - sân bay và đường thủy nội địa.

Tất cả 5 quy hoạch này là nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ giao cho Bộ GTVT thực hiện triển khai đồng loạt cả 5 quy hoạch để so sánh, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp trên từng lĩnh vực, tuyến, xác định thế mạnh đưa ra quy hoạch tốt nhất.

Trên thực tế, đây cũng là lần đầu tiên quy hoạch 5 chuyên ngành GTVT được thực hiện đồng thời. Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành cả 5 đề án quy hoạch và được Thủ tướng phê quyệt 4 quy hoạch về đường bộ; đường sắt; cảng biển; đường thủy nội địa; quy hoạch về cảng hàng không - sân bay đang được Hội đồng thẩm định xem xét.

Thách thức tiếp theo là đại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017 – 2020) và giai đoạn 2 (2021 - 2025).

Loạt thách chờ tân Bộ trưởng GTVT "hoá giải bài toán khó" - Ảnh 2.

Dự án sân bay Long Thành là một trong những dự án trọng điểm quốc gia. Ảnh: Thế Anh

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có 11 dự án thành phần. Đến nay, đã có 1 dự án thành phần hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn. Dự kiến, cuối năm 2022 sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch 4 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Các dự án còn lại vẫn được gấp rút triển khai thi công, tuy nhiên, do những khó khăn về đại dịch Covid-19, mưa bão, lũ lụt, thiên tai, "bão giá" vật liệu đã khiến cho cả 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đều chậm tiến độ.

Các dự án thành phần đầu tư công còn lại thì đoạn Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 chậm tiến độ.

Dự án giai đoạn 2 (gồm 12 dự án thành phần), hiện Chính phủ yêu cầu rút ngắn thời gian cho các khâu chuẩn bị dự án (từ thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng), bảo đảm đến tháng 12 tới đây khởi công và hoàn thành dự án vào năm 2025.

Với những dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam trọng điểm nêu trên đều có khối lượng công việc rất lớn để đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án đang là thách thức "bài toán" khó chờ tân Bộ trưởng Bộ GTVT đi tìm lời giải đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, thách thức tiếp theo đang chờ tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng "hoá giải" đó là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu khai thác chuyến bay đầu tiên trong năm 2025.

Loạt thách chờ tân Bộ trưởng GTVT "hoá giải bài toán khó" - Ảnh 3.

Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang được triển khai. Ảnh: Thế Anh

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 4,6 tỷ USD, thời gian thực hiện từ 2020 đến 2025. Để có thể hoàn thành đồng bộ, đưa dự án về đích đúng hẹn theo chỉ đạo của Chính phủ thì việc đảm bảo tiến độ các dự án thành phần là điều kiện tiên quyết.

Giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm xây dựng đường cất, hạ cánh; nhà ga và hạng mục phụ trợ. Tính đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai mới bàn giao 2.459 ha mặt bằng, trên tổng số 2.532 ha, đạt 97,12%. Trong đó, mặt bằng đất cần cho xây dựng chưa bàn giao là hơn 44 ha. Dự kiến trong tháng 10, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ bàn giao nốt phần mặt bằng còn lại.

Tại dự án thành phần 4, hiện nay 9/11 lô đất thuộc dự án chưa được UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam.

Việc chưa có mặt bằng sạch khiến dự án thành phần xây dựng ga hàng hóa, kho giao nhận, khu vệ sinh tàu bay, bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất... bị chậm lại. Tính chung trong khu vực 5.000 ha xây dựng sân bay Long Thành, mới có hơn 4.700 ha được thu hồi, đạt 95%; 4.863 trên tổng số hơn 5.000 hộ đã được xét duyệt tái định cư, hơn 200 hộ còn lại vẫn đang chờ xét duyệt.

Cùng với đó là thách thức về việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Trong tháng 6/2022, Quốc hội xác định đây là dự án có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển đất nước.

Tuy nhiên, tính đến tháng 6 đã quá thời hạn 2 năm nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa hoàn thành; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn thiếu tập trung, quyết liệt và chưa kịp thời đề xuất các giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm thực hiện đúng mục tiêu đề ra.

Loạt thách chờ tân Bộ trưởng GTVT "hoá giải bài toán khó" - Ảnh 5.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: TA

Hiện, Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn thành các dự án thành phần của tuyến đường Hồ Chí Minh đang triển khai; đồng thời đến năm 2025 kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe, hoàn thành kiểm toán, quyết toán và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 66 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, báo cáo Quốc hội vào năm 2026...

Cuối cùng là loạt dự án đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội và TP.HCM đang triển khai thực hiện đầu tư. Cụ thể, có 6 tuyến đường sắt đô thị, trong đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ quản đầu tư 2 dự án, UBND TP.Hà Nội chủ quản đầu tư 2 dự án và UBND TP.HCM chủ quản đầu tư 2 dự án.

Đến nay, tổng ngân sách đã đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị là 66.011 tỷ đồng, trong đó tại Hà Nội là 36.602 tỷ đồng, TP.HCM 29.408 tỷ đồng. Hiện chỉ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại, các dự án còn lại đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian nhiều lần và tăng tổng mức đầu tư.

Tất cả các dự án đường sắt độ thị còn lại vẫn đang bị chậm tiến độ, một số dự án còn bị đội vốn như đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Ngành Giao thông đang đứng trước khối lượng công việc lớn khác, như: Chuẩn bị triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển... Tất cả những dự án nêu trên chờ đón tân Bộ trưởng Bộ GTVT trong thời gian sắp tới tạo nên sự đột phá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem