Những tin đồn thất thiệt khiến nông sản ế ẩm, nông dân khốn đốn

Phúc Nguyên (tổng hợp) Thứ năm, ngày 30/07/2015 17:20 PM (GMT+7)
Cả năm cặm cụi vun trồng, chăm bón và trông chờ vào đồng lãi cuối vụ nhưng đến lúc thu hoạch, chưa kịp mừng thì người nông dân lại rớt nước mắt lặng nhìn ngô, dưa, chuối, mít… của mình thối theo những tin đồn thất thiệt, ác ý.
Bình luận 0

img

Giá mít còn 500 đồng/kg vì tin đồn "chích thuốc"

Khoảng 2 tháng trở lại đây, mít bỗng dưng xuống giá tới mức thảm hại. Nông dân trồng mít tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán (Đồng Nai) khốn đốn đủ đường khi giá mít thương lái mua chỉ có… 500 đồng/kg. Nguyên nhân được các thương lái cho biết do có tin đồn mít chích thuốc cho chín, nên thị trường tẩy chay không ăn nữa, các vựa mít thừa mứa hàng trăm tấn hàng không bán được.

img

Cần sớm kiểm tra, công bố về tin đồn mít chích thuốc để bảo vệ nông dân. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Mít đã cắt rồi không thể bỏ đi, không thể lưu kho, người trồng đành ngậm ngùi nhìn hàng tấn mít thơm lừng, chín mọng của mình chất lên xe đầy nuối tiếc. Hai tấn mít chỉ thu về một triệu, trong khi vào năm ngoái, cũng bằng ấy mít, họ thu về đến 20 triệu đồng.

Về phía chính quyền, Bà Nguyễn Thị Dòn, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Định Quán khẳng định: “Hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin này từ nông dân, cũng không được nghe phản hồi lại vụ việc này. Chắc chắn chúng tôi sẽ kiểm tra vấn đề này sớm để bảo vệ người trồng mít và danh tiếng cho huyện”.

Tin đồn "Cửa khẩu biên giới phía bắc bị đóng" làm rớt giá khoai lang

Đầu tháng 6.2014, giá khoai lang ở các địa phương vùng ĐBSCL liên tục giảm mạnh từ 800.000 - 840.000 đồng/tạ (1 tạ = 60 kg) xuống còn 350.000 - 370.000 đồng/tạ khiến nông dân như... ngồi trên lửa. Nguyên nhân một phần do có tin đồn thất thiệt: Cửa khẩu biên giới phía bắc “bị đóng”...

img

Mặc dù, UBND tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định, cửa khẩu Hữu Nghị vẫn hoạt động bình thường, nhưng những lời đồn vô căn cứ nói trên vẫn khiến giá khoai lang tại thời điểm đó không thể "ngóc đầu" dậy.

Trước tình trạng nói trên, Phó Chủ nhiệm HTX Khoai lang Tân Thành cảnh báo: “Nông dân phải hết sức tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt, bởi nếu nhẹ dạ sẽ rơi vào bẫy của những kẻ hám lợi. Thời điểm vụ nghịch (tháng 2 - 3), sản lượng ít nên “sốt giá”. Còn vào chính vụ thu hoạch, sản lượng nhiều, giá giảm hơn so với thời điểm vụ nghịch là chuyện hiển nhiên. Tin đồn đóng cửa khẩu là không có cơ sở”.

Khốn đốn vì tin đồn “ăn bắp bị ung thư”

Vào đầu tháng 2.2013, bỗng rộ lên tin đồn ăn bắp bị ung thư do bắp nguyên liệu ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang chứa kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật nhóm clor hữu cơ. Sau tin đồn này, người tiêu dùng quay lưng với bắp, giá bắp nguyên liệu giảm thê thảm. Thương lái đến thu mua tại rẫy dưới 1.000 đồng/trái, nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là những hộ thuê đất trồng bắp lại càng lỗ nặng.

img

Theo tính toán của người trồng bắp, trước đây mỗi công bà con cũng thu được từ 7- 8 triệu đồng, nông dân lời chắc từ 3-4 triệu đồng. Nhưng do tin đồn ác ý, một công bắp chỉ bán được khoảng 3 triệu đồng. Giá rẻ cũng chưa chắc đã bán được vì thương lái quay lưng với mặt hàng này.

Mặc dù tại thời điểm đó, Bộ Y tế đã “giải oan” cho trái bắp nhưng bà con trồng bắp vẫn khốn đốn trước hiện tượng giá bắp đi xuống.

Trong tất cả các loại nông sản, bắp có lẽ là nông sản bị "dính" nhiều tin đồn nhất. Ngoài tin đồn ăn bắp bị ung thư, trái bắp còn bị đồn dùng pin kẽm, muối diêm, gần đây nhất là tin đồn dùng bột thông cống để luộc bắp nhằm tạo màu và giữ cho bắp lâu hỏng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Dưa hấu ế dài vì tin đồn dùng thuốc Trung Quốc

Cuối tháng 1.2013, người dân Đồng bằng sông cửu Long cũng từng lao đao trước tin đồn “trồng dưa hấu sử dụng hóa chất từ Trung Quốc”. Cụ thể, một thông tin trên mạng cho rằng, để trái dưa lớn hơn, ngọt hơn bình thường, những nông dân đã tiêm một loại hóa chất độc hại, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.

img

Dưa hấu bị ế dài. Ảnh: Người Lao Động

Khi đó, làn sóng tẩy chay trên mạng xuất hiện khiến nhiều người không dám mua dưa nữa. Giá dưa khi đó đang từ 5.000 -6.000 đồng/kg bỗng nhiên hạ xuống 1.000 -2.000 đồng/kg. Thậm chí, có nhiều gia đình, dưa chất đống trong nhà chỉ để cho trâu bò ăn vì ế.

Sau này, khi các cơ quan chức năng kết luận tin đồn dưa hấu sử dụng hóa chất Trung Quốc là nhảm nhí thì cũng là lúc hàng trăm ngàn tấn dưa đã bị bán rẻ như cho hoặc để hỏng. Nhiều người đặt nghi vấn, việc tung tin đồn và tẩy chay dưa chính là chiêu ép giá của các tiểu thương, và sau đó, sự việc chìm xuồng. Kết cục, người nông dân là đối tuợng duy nhất chịu thiệt.

Đây không phải lần đầu tiên dưa hấu “dính” tin đồn. Trước đó vào năm 2010, tại địa bàn tỉnh Nghệ An người trồng dưa từng méo mặt vì giá dưa đua nhau hạ do những lời đồn thổi thiếu căn cứ. Tin đồn bắt đầu khi thông tin bốn người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An ăn dưa hấu bị tử vong xuất hiện đầu tiên tại huyện Nghĩa Đàn (vùng trọng điểm trồng dưa hấu của tỉnh), sau đó lan truyền đến nhiều địa phương, gây tâm lý hoang mang cho người dân và lo lắng cho người trồng dưa. Dù tin đồn đã được khẳng định là thất thiệt nhưng người nông dân cũng bị phen lao đao vì giá dưa giảm với tốc độ khủng khiếp.

Tin đồn ác ý: Ăn chuối, bưởi bị ung thư

Cuối tháng 12.2012, tại vựa chuối thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh - nơi có số lượng nông dân trồng chuối lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, chuối chín vàng ruộm, rụng đầy nhưng không ai thu hoạch. Nhiều người còn chặt bỏ những buồng chuối đang chín không thương tiếc.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên, theo nhiều nông dân địa phương, do tại chợ Bình Châu (huyện Bình Sơn) bỗng xuất hiện những tấm bảng ghi bằng bút lông với nội dung “Đừng ăn chuối lùn. Ăn chuối có thuốc, sẽ bị ung thư”. Ngay sau khi có “khuyến cáo” trên, không ai dám mua chuối.

img

Dòng chữ "không ăn chuối lùn, ăn chuối có thuốc có hại sức khỏe" trên bìa giấy cứng xuất hiện ở chợ Làng Cá, xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh. Ảnh: VnExpress.

img

Người dân xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) chặt chuối trĩu quả cho bò ăn. Ảnh: VnExpress.

Tin đồn ác ý này khiến người trồng chuối không thể tiêu thụ sản phẩm. Chuối được chặt cho bò ăn hoặc để thối ngoài vườn.

Cùng với chuối, bưởi cũng từng bị tung tin đồn thất thiệt khi ăn vào sẽ bị ung thư. Thông tin ăn bưởi có nguy cơ ung thư này bắt đầu từ ngày 16.7. 2007 khi BBC New và Báo Daily Mail (Anh) công bố bản tin “Phụ nữ ăn nhiều bưởi sẽ có nguy cơ ung thư vú”. Luồng tin này dựa trên kết quả khảo sát trên 50 ngàn phụ nữ của hai trường đại học Nam California và Hawaii (Mỹ) cho rằng: những phụ nữ ăn từ một phần tư trái bưởi trở lên mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú lên đến 30%. Một số tờ báo trong nước đã nhanh nhảu trích dẫn nguồn tin trên gây nhầm lẫn hết sức tai hại.

img

Mặc dù bưởi mà hai trường đại học trên nghiên cứu là bưởi chùm đang được trồng ở một số nước châu Mỹ hoàn toàn không liên quan gì với bưởi Việt Nam nhưng người tiêu dùng vẫn hoang mang và phũ phàng quay lưng lại với quả bưởi.

Chỉ hơn một tháng sau khi thông tin kia được tung ra, nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại hơn 100 tỉ đồng. Sau đó, tin đồn tai hại đã được cải chính nhưng “được vạ thì má đã sưng”, thị trường bưởi phục hồi rất chậm, người nông dân rớt nước mắt vì những mùa bưởi thất thu một cách oan uổng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem