Những vấn đề “nóng” nông dân gửi tới Thủ tướng

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 26/09/2020 06:15 AM (GMT+7)
Làm thế nào để tiêu thụ nông sản hiệu quả, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn hoành hành, vấn đề tranh chấp đất lâm nghiệp, phá rừng ở Tây Nguyên, phát triển nghề nuôi biển ở miền Trung là những vấn đề nông dân muốn kiến nghị tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3.
Bình luận 0

Là người theo đuổi mô hình sản xuất tiêu sạch từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Tấn Công ở HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) mong muốn tại hội nghị, những vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ sẽ được cụ thể hóa hơn.

"Nông sản của miền Trung - Tây Nguyên đã đến được nhiều thị trường, nhưng vẫn còn thiếu những mô hình sản xuất sạch. Vì vậy, tôi mong, ngành chức năng có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân" - ông Công nói.

Những vấn đề “nóng” nông dân gửi tới Thủ tướng  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tấn Công (trái) giới thiệu kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại vườn ở xã Nam Yang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai). Ảnh: N.D

Trong khi đó, ông Đỗ Quý Toán (ở thôn Tân Lập, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk), chuyên sản xuất cà phê chồn theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Lộc Trời, lại quan tâm đến những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do như EVFTA mang lại.

"Vừa qua, lô cà phê và chanh leo đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu, với thuế suất 0%. Đây là cơ hội tốt mở ra cho ngành sản xuất, chế biến cà phê, nhất là khi trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ có cà phê Buôn Ma Thuột. Tôi rất muốn biết EVFTA tác động như thế nào đối với nông sản Việt Nam, nhất là cà phê là cây công nghiệp chủ lực ở Đăk Lăk, nông dân chúng tôi cần làm gì để đáp ứng được yêu cầu của thị trường" - ông Toán nêu vấn đề.

HTX mật ong Phương Di (xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai) đang liên kết với doanh nghiệp trồng 600ha điều hữu cơ, nuôi ong lấy mật, chứng nhận hữu cơ. Chị Trần Thị Hoàng Anh - Giám đốc HTX bày tỏ quan tâm đến vấn đề phát triển ngành chế biến và tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả vẫn phức tạp ở Tây Nguyên. "Vừa qua, như tại xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, Gia Lai) nhiều người trồng sầu riêng đã phải nhổ hàng nghìn gốc vì mua phải phân bón lá dởm" - chị Hoàng Anh nêu một ví dụ.

Là một ngư dân từng nhiều năm ra biển khai thác hải sản, ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) lại quan tâm đến giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển và mong Chính phủ sớm công bố thông tin để xác định được các vùng biển có thể khai thác, đánh bắt hải sản một cách hợp pháp.

Anh Lê Minh Quyền (ở tổ 1 Tây Sơn, phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), người đang có 76 lồng nuôi tôm hùm thì quan tâm đến những chính sách, giải pháp để phát triển và mở rộng tiềm năng nghề nuôi biển.

Vấn đề vốn tín dụng phục vụ sản xuất cũng được nông dân quan tâm. Ông Nguyễn Sỹ Thanh (tổ dân phố Tân Tiến, phường Quang Thành, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông), muốn biết Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chương trình tín dụng đặc biệt ưu đãi, cũng như khoanh nợ, giãn nợ đối với nông dân do đang gặp khó khăn về giá cả, dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt.

Nông dân xuất sắc Hùng Ky (ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) lại quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch sinh thái. "Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn về du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Tôi muốn biết tới đây Chính phủ sẽ có những chương trình, hành động gì để thúc đẩy và phát triển bền vững ngành du lịch ở 2 khu vực này" - ông Ky nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem