dd/mm/yyyy

Những ý nguyện của nông dân Việt Nam

Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc, nhiều nông dân bày tỏ mong muốn Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng họ trong quá trình thoát nghèo, làm giàu.

Ông Nguyễn Đăng Hệ - Chủ tịch Hội nông dân huyện Lương Tài, Bắc Ninh:

Hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản

Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc kích thích, thuốc bảo quản trong sản xuất nông nghiệp còn tùy tiện; tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn đáng báo động. Trước thực trạng đó, tôi mong muốn:

Thứ nhất: Nhà nước cần có các chính sách trong công tác quản lý đất nông nghiệp phù hợp để khuyến khích người nông dân tích tụ ruộng đất, yên tâm mở rộng sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ 2, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm về sản xuất và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao KHKT, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm.

Thứ 3, tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản và hỗ trợ thiết lập, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý.

Thứ 4, xây dựng mạng lưới thông tin nông sản, thị trường nông sản từ cấp cơ sở để khu vực, quốc gia một cách chặt chẽ, tạo điều kiện nông dân dễ dàng kết nối thông tin, tham gia.

Anh Lê Văn Khương (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An):

Quan tâm hơn đến những người “vác tù và hàng tổng”

Người nông dân hiện nay có 2 khó khăn lớn. Thứ nhất là tiếp cận với nguồn vốn rất khó khăn, thứ hai là vấn đề thực phẩm không an toàn, thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng mất lòng tin, ảnh hưởng đến những nông dân làm ăn chân chính.

Về công tác tổ chức Hội, các chi hội trưởng là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” ở địa phương nhưng chế độ đãi ngộ chưa có gì. Tôi mong Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tạo điều kiện hỗ trợ cho các chi hội trưởng bảo hiểm y tế hàng năm để là nguồn động viên, chăm sóc sức khỏe xây dựng cơ sở Hội tốt hơn.

Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long (Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội):

Tháo gỡ vướng mắc về tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ nông dân làm giàu

Hiện, tôi đang xây dựng chuỗi chăn nuôi lợn sinh học A – Z sử dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến 50% máy móc nhập từ châu Âu. Nhiều năm nay, Nhà nước có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nhất là các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị.

Tuy vậy, nông dân vẫn khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp do 2 rào cản. Thứ nhất là tài sản thế chấp, cụ thể là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại. Thứ hai là giá trị tài sản trên đất định giá quá thấp so với thực tế. Cụ thể, giá trị thực tế của trang trại của HTX Hoàng Long do tôi làm giám đốc lên đến 70 tỷ đồng (gồm hệ thống chuồng trại, dây chuyền chế biến thức ăn, giết mổ, kho bảo quản…) lại không được dùng để thế chấp do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tôi đề nghị trong Đại hội đại biểu Hội nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023, lãnh đạo Hội tiếp tục đề xuất với Đảng, Nhà nước sớm có những cơ chế, chính sách tháo gỡ những vướng mắc về hỗ trợ tín dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Đức Thịnh (ghi)