Nikkei: "Giờ không phải lúc chạy theo con số", Trung Quốc nên từ bỏ mục tiêu GDP
Hôm 10/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu ghé thăm Vũ Hán kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Chuyến thăm không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc phản ánh những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh thành công của Bắc Kinh, mà còn nhằm mục đích đánh giá tác động kinh tế từ vụ dịch cũng như ảnh hưởng của nó đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của chính quyền Trung Quốc.
Năm 2020 được xem là một cột mốc quan trọng với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đánh dấu kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản, đồng thời đánh dấu sự kết thúc giai đoạn phát triển kinh tế xã hội một thập kỷ (2010-2020) của chính phủ Trung Quốc. Hồi đầu thập kỷ, Bắc Kinh đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng gấp đôi quy mô GDP trong giai đoạn 2010-2020, và năm nay là thời điểm quan trọng để nhìn lại mục tiêu này. Ước tính, kinh tế Trung Quốc phải đạt mức tăng trưởng ít nhất 5,6% trong năm nay để đạt được mục tiêu thập kỷ đó.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hàng năm đang giảm dần, từ mức 11% hồi năm 2011 xuống 6,1% trong năm 2019, mục tiêu tăng trưởng 5,6% cho năm 2020 dường như đã nằm trong tầm tay Trung Quốc cho đến khi dịch virus corona bất ngờ bùng phát khiến nền kinh tế tê liệt nhiều tuần liền. Các biện pháp phong tỏa kiểm dịch nghiêm ngặt giúp chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình thành công kiểm soát dịch bệnh trong gần 2 tháng, nhưng cũng đồng thời để lại những vết nứt khó phục hồi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành du lịch, hàng không, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh khi người dân bị hạn chế di chuyển kèm theo tâm lý lo sợ dịch bệnh.
Ngay cả khi các doanh nghiệp được phép mở cửa trở lại tại nhiều địa phương Trung Quốc, những yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt như cách ly bắt buộc 14 ngày hay khó khăn trong việc vận chuyển nguyên liệu sản xuất, thiếu hụt nhân công… đã tiếp tục trì hoãn sự phục hồi năng lực sản xuất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Các nhà phân tích Nikkei từng nhận định 75% hoạt động kinh tế của Trung Quốc phục hồi trong nửa đầu tháng 3, nhưng cho đến nay, thực tế đã cho thấy tỷ lệ nhà máy hoạt động trở lại còn tệ hơn cả ước tính. Nhiều nhà kinh tế thậm chí cho rằng tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc chỉ đạt 0% khi dịch bệnh bùng phát tấn công và làm tê liệt đa số ngành kinh tế.
Những nhận định này là chưa từng có kể từ năm 1978, khi nền kinh tế Trung Quốc bắt tay vào mở cửa. 3 câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu giới lãnh đạo Trung Quốc có tiếp tục bám sát các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra bất chấp tình hình bệnh dịch hay không? Liệu Trung Quốc cần làm gì để bắt kịp những mục tiêu đó? Và những thách thức đổi lại là gì?
Thông qua những luận điệu trong các bài phát biểu của giới chức Bắc Kinh, các quan chức vẫn thường xuyên nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội bất chấp dịch virus corona. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các mục tiêu sẽ được “định nghĩa lại”, khi các phương tiện truyền thông nhà nước đang ngày càng ít đề cập đến một mục tiêu con số về tốc độ tăng trưởng cụ thể, thay vào đó là đề cập nhiều hơn đến khái niệm xây dựng xã hội giàu đẹp hơn.
Trong trường hợp chính phủ kiên quyết đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 5,6% trong năm 2020 để bắt kịp mục tiêu lớn thập kỷ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải phục hồi mạnh mẽ trong phần còn lại của năm để bù đắp cho quý I tăng trưởng yếu. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu và các chính phủ Mỹ, Châu Âu cũng đang tiến hành những biện pháp phong tỏa cần thiết để phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế Trung Quốc khó tránh hệ lụy chung. Sức ép từ cả hai phía cung và cầu khi chuỗi cung ứng trì trệ và nhu cầu toàn cầu giảm mạnh vì dịch bệnh chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đối diện với nhiều thách thức mới. Cùng với đó là những áp lực xuất hiện trước cả khi dịch bệnh bùng phát, như chiến tranh thương mại Mỹ Trung và thuế quan trừng phạt vốn đã khiến các doanh nghiệp lao đao.
Chính phủ Trung Quốc từ đầu tháng 2 đã nỗ lực tung ra các gói kích thích tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm cả cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản… Những biện pháp này tuy vậy chỉ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngắn hạn, thậm chí còn làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ khổng lồ của Trung Quốc. Và khi làn sóng dịch virus corona thứ hai bùng phát trên toàn cầu gây ra những hệ lụy, vai trò trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu chắc chắn sẽ bị suy yếu nghiêm trọng, để lại hậu quả lâu dài cho lĩnh vực sản xuất và thị trường việc làm.
Theo Nikkei, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng phục hồi trong quý II và các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường trong nửa cuối năm, tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 có thể chỉ đạt 4,3%, thấp hơn đáng kể so với mức mục tiêu.
Trong bối cảnh như vậy, chính phủ Bắc Kinh có lẽ nên từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP. Thay vào đó, Bắc Kinh cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tín dụng để vực dậy nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái.