Ninh Bình: Đem thứ rau rừng đặc sản về trồng, ăn ngọt như mì chính, bán rõ đắt mà thương lái tranh nhau mua

Thứ bảy, ngày 13/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
Rau sắng, một thứ rau rừng đặc sản, tưởng như chỉ có ở vùng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức – Hà Nội) – nơi nổi tiếng với lễ hội chùa Hương. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, loại rau ăn ngọt như mì chính này lại được một nông dân thuần hóa, trồng thành công trên đất vườn đồi ở xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Bình luận 0

Chỉ với 5 sào rau sắng nhưng mỗi năm gia đình ông Bùi Văn Trường, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thu về cả trăm triệu đồng.

Chạy xe gần 20 km từ  thành phố Ninh Bình về xã Gia Lâm (huyện Nho Quan), đến với mảnh đất hiền hòa bên dòng sông Na thơ mộng, chúng tôi tìm gặp ông Bùi Văn Trường – chủ nhân của mô hình trồng rau sắng chùa Hương.

Ninh Bình: Đem thứ rau rừng đặc sản về trồng, ăn ngọt như mì chính, bán rõ đắt mà thương lái tranh nhau mua - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Trường, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) bên ruộng rau sắng của gia đình. Nhờ trồng rau sắng-loài rau rừng đặc sản này mà mỗi năm gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Minh Đường

Không phải hỏi thăm nhiều, chợt nhìn thấy một vạt cây dây leo xanh mướt, trải dài, thẳng tắp ngay rìa đường tôi đoán ngay được nhà ông.

Trong ngôi nhà nhỏ nhìn ra hồ nước, nhấp ngụm chè khô, ông Trường kể cho chúng tôi nghe về quá trình ông “di lý” cây rau sắng đặc sản về với đất Ninh Bình: “Năm 2015, có dịp cùng gia đình đi tham quan chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), thấy ở đây họ bán thứ rau gì đó rất đắt nhưng người mua vẫn nườm nượp.

Lân la hỏi thăm ông Trường mới biết đây là rau sắng hái lượm từ trên rừng xuống bán. Rau sắng rất bổ dưỡng nhưng lại hiếm và khó trồng nên mới có giá cao như thế. 

Trong đầu ông Thắng đã suy nghĩ cây gì mà chẳng trồng được miễn là đáp ứng được các điều kiện gần giống với tự nhiên, kể cả cây rau sắng đắt đỏ mà ông trông thấy bán đắt ở chùa Hương.

"Về đến nhà nhưng vẫn nung nấu ý định thuần phục giống rau rừng quý, tôi quyết định tìm đến vùng đất Ba Sao (tỉnh Hà Nam) gần khu vực chùa Hương để nhờ những người chăn trâu, chăn bò ở đây đưa lên núi tìm loại cây rau lạ này về làm giống...", ông Trường nhớ lại.

Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, thổ nhưỡng lại không hợp nên tỷ lệ cây rau sắng sống rất thấp, chỉ khoảng 30%. 

Nhưng ông Trường thấy bước đầu như vậy cũng tốt rồi. Mùa rau sắng năm sau ông lại tiếp tục tìm rau sắng từ rừng về nhân giống. Lần này tỷ lệ cây rau sắng sống đạt lên đến 70%. Đến nay, mảnh vườn của gia đình ông Trường đã được phủ kín bởi cây rau sắng chùa Hương.

“Không phụ công mày mò, tâm huyết, năm 2017, ông Trường bắt đầu thu hoạch những lứa rau sắng thương phẩm đầu tiên. Để rau sắng cho sản lượng cao, ông trồng cây theo hàng, mỗi cây, mỗi hàng cách nhau khoảng 1 mét, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới phun tự động.

Ngoài ra, ông Trường còn thí điểm cắt gốc cây rau sắng thấp ngang người, vừa tiện chăm sóc, vừa dễ hái. Giống rau sắng chùa Hương này không ưa đất quá ẩm.

Đặc biệt, loại rau sắng chùa Hương này gặp phân hóa học là chết nên trong quá trình chăm sóc ông sử dụng toàn bộ bằng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, một năm bón 3 đợt.

"Điều đặc biệt hơn ở rau sắng là chẳng bao giờ bị sâu bệnh nên hoàn toàn có thể khẳng định đây là một thứ rau cực kỳ an toàn” – ông Trường chia sẻ. 

Với 5 sào trồng rau sắng chùa Hương, mỗi  tháng ông Trường thu hoạch được từ 230-270 kg rau thương phẩm, giá bán tại ruộng là 40.000-50.000 đồng/kg tùy thời điểm. 

Sản phẩm rau sắng chủ yếu tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. 

Không chỉ trồng rau sắng bán rau thương phẩm, ông Trường còn ươm cây rau sắng giống bán cho các gia đình có nhu cầu. Trung bình một năm từ cây rau sắng chùa Hương, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.

Rau sắng có tên khoa học là Melientha Suavis Pierre, thuộc họ Opiliaceae. Tên thường gọi rau ngót rừng, rau mì chính. 

Sản phẩm từ cây rau sắng chính là lá, ngọn non, lá bánh tẻ, hoa và quả non được dùng làm rau. 

Rau sắng chùa Hương là loại rau sạch, vừa ngon ngọt lại vừa bổ dưỡng có giá trị dinh dưỡng cao tốt cho sức khỏe, đặc biệt là giàu đạm, vitamin C… 

Rau sắng còn được coi như là một loại cây dược liệu bởi nó chứa một lượng lớn các axit amin không thể thay thế, có vai trò rất lớn trong quá trình sinh tổng hợp protein của cơ thể, có tác dụng bồi bổ sức khỏe.

Do vậy, cây rau sắng chùa Hương này ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng. Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình có thế mạnh về du lịch, ẩm thực du lịch nên thị trường cho sản phẩm rau sắng là rất rộng mở.

Thiết nghĩ, việc nhân rộng những mô hình trồng rau sắng như của ông Trường, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) trong thời gian tới cần được tính đến, góp phần đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho người nông dân.

Hà Phương (Báo Ninh Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem