Nỗ lực bảo tồn di sản hát Then - đàn tính của người Tày ở huyện Na Rì (Bắc Kạn)

Chiến Hoàng Thứ năm, ngày 12/05/2022 11:22 AM (GMT+7)
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hát Then - đàn tính của người Tày, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) đã nỗ lực trong việc thành lập các câu lạc bộ cũng như mở các lớp truyền dạy nghệ thuật hát Then - đàn tính trong cộng đồng.
Bình luận 0

Ông Lương Thanh Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát Then - đàn tính trên địa bàn huyện, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện Na Rì ban hành kế hoạch cụ thể.

Huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) nỗ lực bảo tồn di sản hát Then - Đàn tính của người Tày - Ảnh 1.

Khai mạc lớp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát Then - đàn tính tại xã Văn Vũ, huyện Ra Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì cung cấp.

Theo đó, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì đã xây dựng, củng cố các câu lạc bộ hát Then - đàn tính nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc huyện Na Rì gắn với phát triển du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì còn mở các lớp truyền dạy nghệ thuật hát Then - đàn tính trong cộng đồng.

Huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) nỗ lực bảo tồn di sản hát Then - Đàn tính của người Tày - Ảnh 2.

Một tiết mục hát Then - đàn tính trong buổi khai mạc lớp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát Then - đàn tính tại xã Văn Vũ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì cung cấp.

Cụ thể, chiều 10/5, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì đã phối hợp với UBND xã Văn Vũ mở một lớp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát Then - đàn tính cho 30 học viên là người dân yêu thích làn điệu hát Then - đàn tính.

Để thực hiện tốt công tác truyền dạy, huyện Na Rì đã mời các nghệ nhân hát Then - đàn tính trực tiếp lên lớp giảng dạy cho các học viên, đồng thời đầu tư hỗ trợ kinh phí tổ chức lớp học để đảm bảo hiệu quả công tác bảo tồn.

Chiều 11/5, lớp học thứ hai truyền dạy nghệ thuật hát Then - đàn tính cũng đã được khai mạc tại nhà văn hóa thôn Quan Làng, xã Quang Phong, huyện Na Rì với 30 học viên.

Huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) nỗ lực bảo tồn di sản hát Then - Đàn tính của người Tày - Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Yêu, học viên lớp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát Then - đàn tính tại xã Quang Phong, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ niềm đam mê với nghệ thuật hát Then - đàn tính của người Tày. Ảnh: Chiến Hoàng

Bà Hoàng Thị Yêu (57 tuổi) học viên lớp hát Then - đàn tính tại xã Quang Phong chia sẻ, bà rất đam mê nghệ thuật hát Then - đàn tính. Trước khi tham gia lớp truyền dạy này, bà cũng đã tự học và tổ chức nhóm đi giao lưu các nơi.

"Việc mở lớp bảo tồn di sản văn hóa hát Then - đàn tính đã cho tôi cơ hội được học hỏi từ các nghệ nhân có tiếng, bản thân tôi cũng sẽ tự tin hơn khi được hướng dẫn chi tiết với những kỹ năng nâng cao.

Tôi tin sau lớp học này, các học viên sẽ nỗ lực hơn trong việc góp phần phát huy và quảng bá nghệ thuật hát Then - đàn tính, để nghệ thuật hát Then - đàn tính được phổ biến rộng rãi cũng như đưa hát Then - đàn tính gắn với phát triển du lịch tại địa phương", bà Yêu bày tỏ.

Huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) nỗ lực bảo tồn di sản hát Then - Đàn tính của người Tày - Ảnh 3.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đăng Lưu trao đổi về việc truyền đạt nghệ thuật hát Then - đàn tính tại các lớp học huyện Na Rì đã mở. Ảnh: Chiến Hoàng

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đăng Lưu (77 tuổi, trú tại Phố Mới, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) là người trực tiếp giảng dạy cho các lớp bảo tồn di sản văn hóa hát Then - đàn tính.

Nghệ nhân xúc động nói: "Tôi rất vinh dự khi được Đảng, chính quyền và các tổ chức tại địa phương tín nhiệm mời truyền dạy nghệ thuật hát Then - đàn tính.

Tôi đã tham gia hát Then - đàn tính được 58 năm, tại địa phương tôi đã được mời dạy cho 8 lớp về nghệ thuật hát Then - đàn tính. Với sự tín nhiệm của các tổ chức, cá nhân, bản thân tôi luôn nỗ lực hết mình để truyền đạt tốt nhất những gì mình biết cho các học viên.

Kết thúc khóa học, các học viên đều rất tư tin trong việc thực hành nghệ thuật hát Then - đàn tính, cống hiến hết mình và thậm chí đi biểu diễn ở các tỉnh như: Cao Bằng, Lạng Sơn... Việc tổ chức các lớp bảo tồn di sản văn hóa hát Then - đàn tính không chỉ "tiếp lửa" đam mê, khơi gợi niềm tự hào dân tộc mà còn góp phần gìn giữ giá trị truyền thống mà cha ông đã để lại."

"Tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Na Rì nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa, đặc biệt đưa vào giảng dạy trong trường học để nghệ thuật hát Then - đàn tính của người Tày Bắc Kạn mãi được bảo tồn, phát huy và phổ biến rộng rãi trong không chỉ cộng đồng dân tộc Tày", Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đăng Lưu cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem