Nỗ lực tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trong khu cách ly: Quan trọng là ý thức

Diệu Bình Thứ hai, ngày 17/08/2020 11:02 AM (GMT+7)
Trước diễn biến của dịch Covid-19, Đà Nẵng vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch: Phát hiện sớm, khoanh vùng cách ly kịp thời, truy vết nhanh, xét nghiệm trên diện rộng, điều trị tích cực.
Bình luận 0

Hàng loạt các địa điểm phát hiện có ca mắc Covid-19 được khẩn trương khoanh vùng và kích hoạt biện pháp cách ly y tế. Tuy nhiên tốc độ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung.

Ý thức cao nhưng vẫn… nơm nớp lo sợ

Nỗ lực tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trong khu cách ly: Quan trọng là ý thức - Ảnh 1.

Nỗ lực tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trong khu cách ly: Quan trọng là ý thức - Ảnh 2.

Khu cách ly phía Tây TP.Đà Nẵng.

Để tiếp nhận, cách ly tập trung các trường hợp F1 trên địa bàn thành phố, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng đã sử dụng KTX phía Tây thành phố (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) làm nơi tiếp nhận, cách ly.

Ghi nhận của PV, nơi đây được rào chắn cách biệt, lực lượng công an và quân đội đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực, lực lượng y tế phụ trách chuyên môn y tế. Công tác hậu cần và nấu ăn cho người bị cách ly do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố phụ trách. Hàng ngàn trường hợp cách ly theo dạng F1 đang được cách ly tại đây.

Anh Phạm Văn Long (trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) - F1 đang được cách ly tại KTX phía Tây cho biết, gần 10 ngày ở tại khu cách ly, anh luôn hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh để đảm bảo an toàn cho bản thân trong môi trường có nguy cơ cao bị lây nhiễm.

"Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, tôi không thể lơ là, chủ quan. Hằng ngày ngoài những việc thật cần thiết, tôi hầu như không tiếp xúc với ai, hạn chế ra khỏi phòng và luôn mang khẩu trang mọi lúc, mọi nơi", anh Long cho hay.

Anh Nguyễn L.V, là một F1 đang cách ly trong khu tập trung cho hay, ăn uống, thực phẩm rất chất lượng, vệ sinh và đầy đủ. Tuy nhiên, ý thức của một số F1 cùng cách ly lại làm người khác lo ngại lây nhiễm chéo. "Nói chung tâm lý vẫn có nơm nớp lo ngại. Chỉ mong xong 14 ngày, xét nghiệm âm tính để về nhà" - anh V bày tỏ.

Phụ trách công tác tiếp đón và chăm sóc cho bệnh nhân F0 vào khu cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến - Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, anh Trần Quang Trình khẳng định, đối với nhân viên y tế, điều kiện bắt buộc khi tiếp xúc, khám, chữa bệnh cho bệnh nhân mắc Covid-19 là phải thực hiện biện pháp phòng hộ cá nhân nghiêm ngặt. 

Theo anh Trình, anh phụ trách công tác chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân từ việc ăn uống, bơm cháo, thay tã, đo thân nhiệt cho bệnh nhân đến theo dõi dấu hiệu sinh tồn hằng ngày thế nên nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao.

"Khi tiếp xúc với người bệnh, các nhân viên y tế đều được trùm kín mít từ đầu đến chân và thực hiện sát khuẩn liên tục. Công việc tương đối vất vả nhưng đây là điều cần thiết nhất để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh nên ai nấy đều nghiêm túc thực hiện", anh Trình chia sẻ.

Trao đổi thêm với PV, anh Trình cho biết, sau khi hết giờ làm việc, anh và đồng nghiệp sẽ được bố trí ở tại khách sạn dành riêng cho nhân viên y tế trong thời gian công tác tại Bệnh viện dã chiến.

Nỗ lực tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trong khu cách ly: Quan trọng là ý thức - Ảnh 3.

Đà Nẵng liên tục đưa những F1 vào khu cách ly (trong ảnh: Đưa F1 vào khu cách ly phía Tây TP.Đà Nẵng).

"2 nhân viên y tế sẽ được bố trí ở chung một phòng, tuy chung phòng nhưng mỗi người mỗi kiểu, tự ăn uống, sinh hoạt và không tiếp xúc với nhau. Chúng tôi xác định đây là một cuộc chiến, một cuộc chiến không thể để xảy ra bất cứ sai lầm hay sơ suất gì thế nên việc cần làm là chiến đấu hết mình và bảo vệ cho bản thân thật tốt", anh Trình chia sẻ thêm.

Vấn đề quan tâm hàng đầu

Ngày 13/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng đã ra quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa đối với nhà A3 - chung cư Vũng Thùng và nhà B1 - chung cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Thời gian áp dụng từ 10h ngày 13/8 đến 10h ngày 27/8 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tại 2 chung cư trên, ngành y tế đã xác định có 6 ca nhiễm Covid-19. Việc cách ly này nhằm khoanh vùng, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ngay khi có lệnh phong tỏa, lực lượng chức năng đã tiến hành dựng lều dã chiến, thành lập chốt cách ly, tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân tại nhà A3 - chung cư Vũng Thùng và nhà B1 - chung cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Nỗ lực tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trong khu cách ly: Quan trọng là ý thức - Ảnh 4.

Các F1 vui chơi thể thao trong một khu cách ly.

"2 khu vực cách ly này có 86 hộ dân với 211 nhân khẩu được yêu cầu nghiêm việc cách ly, không ra khỏi nơi ở. Mọi sinh hoạt đều hạn chế và có sự giám sát của lực lượng chức năng, theo phương châm "nhà nào ở nhà nấy", tránh lây nhiễm chéo giữa các hộ dân sinh sống trong khu vực phong tỏa. Trong thời gian này, các hộ cũng sẽ được hỗ trợ lương thực, thực phẩm để đảm bảo khẩu phần ăn hằng ngày", ông Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho hay.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, thời gian qua Sở Y tế yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh, các khu cách ly tập trung về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và quản lý các trường hợp cách ly. Đối với các ca bệnh chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng, các đơn vị tiếp nhận điều trị phải cách ly điều trị các bệnh nhân này tại các khu vực riêng, không bố trí chung với các bệnh nhân hiện có của đơn vị; đảm bảo thực hiện nghiêm túc kiểm soát nhằm phòng, chống lây nhiễm chéo đối với bệnh nhân và nhân viên y tế.

"Đối với các trường hợp vận chuyển đến cơ sở y tế hoặc cơ sở cách ly tập trung, đơn vị chuyển phải thông báo làm việc thống nhất trước và cung cấp cho đơn vị tiếp nhận danh sách người bệnh đầy đủ các thông tin hành chính, kể cả số điện thoại, thời gian tiếp xúc với nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2, thông tin về xét nghiệm để nơi tiếp nhận bố trí phù hợp với quy định", Giám đốc Sở Y tế thông tin.

Trả lời câu hỏi vì sao nhiều trường hợp mắc Covid-19 dù trước đó đã 2 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho rằng, thời điểm các bệnh nhân lấy mẫu dịch hầu họng lần đầu vẫn nằm trong khoảng thời gian Bệnh viện Đà Nẵng đang cách ly. Trong khi đó, ca dương tính gần đây nhất ở Bệnh viện Đà Nẵng cũng mới phát hiện cách đây ít ngày. Thêm vào đó, nhiều trường hợp thời điểm lấy mẫu xét nghiệm, các bệnh nhân vẫn còn trong giai đoạn ủ bệnh.

"Lần đầu có thể âm tính nhưng lần sau có thể dương tính. Vì vậy chúng ta mới phải tổ chức cách ly 14 ngày và lấy xét nghiệm từ 2 đến 3 lần. Chúng tôi nghĩ việc này là bình thường và việc hoàn toàn có thể xảy ra", ông Khoa nói.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, để tránh việc lây nhiễm chéo trong cộng đồng, người dân cần có ý thức hợp tác chặt chẽ với chính quyền trong khai báo y tế.

"Nếu người dân không hợp tác chặt chẽ, không khai báo, không cách ly thì nguy cơ lây nhiễm và lây cho người khác là hoàn toàn xảy ra", ông Khoa thông tin thêm.

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19. Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android/Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem