Nợ lương, tiền lót tay VĐV, Đội bóng chuyền nam TP.HCM đối diện với khó khăn chồng chất trước mùa giải mới

Ngọc Linh Thứ bảy, ngày 11/02/2023 08:31 AM (GMT+7)
Hai vận động viên Nguyễn Văn Sang và Nguyễn Văn Học đã gởi đơn khiếu nại Đội bóng chuyền nam TP.HCM lên Sở Văn hoá và Thể thao khi họ bị nợ tiền lót tay và lương tháng 12/2022.
Bình luận 0

Đội bóng chuyền nam TP.HCM đang rơi vào khủng hoảng về tài chính khi chưa thể thanh toán các khoản lương và lót tay cho các vận động viên. Mới đây, VĐV Nguyễn Văn Học và Nguyễn Văn Sang đã gửi khiếu nại lên Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM về việc các VĐV bị CLB nợ tiền lót tay. Ngoài Văn Học và Văn Sang, hàng loạt các cầu thủ khác như Văn Tú hay Văn Hạnh cũng chưa nhận được tiền lót tay mùa giải, số tiền khoảng 200 triệu đồng mỗi người. Được biết, lương tháng 12/2022 của các vận động viên cũng chưa được chi trả.

Chờ đợi quá lâu không được chi trả tiền lót tay và cũng hết hạn hợp đồng, Nguyễn Văn Sang cùng 7 đồng đội khác đã quyết định ra đi thay vì ở lại tiếp tục đồng hành cùng đội bóng.

"Năm 2022 tôi không nhận được tiền lót tay đúng hạn như trong hợp đồng ký kết với Nhà thi đấu Phú Thọ cho nên tôi quyết định không tiếp tục ký lại hợp đồng. Tiền lương thì tôi chỉ nhận được của Sở Văn hóa và Thể thao, số tiền đó không đủ để tôi trang trải cuộc sống gia đình", VĐV Nguyễn Văn Sang cho biết.

Nợ tiền lót tay, bóng chuyền TP.HCM bị vận động viên kiện - Ảnh 1.

Một pha tấn công của Đội bóng chuyền nam TP.HCM (trái) tại Giải bóng chuyền các đội mạnh phía Nam.

Libero này cũng đã gởi đơn khiếu nại để mong được giải quyết tiền lót tay như thoả thuận trong hợp đồng. Sang cho biết: "Hiện tại, tôi gửi đơn lên Sở Văn hóa và Thể thao thành phố và tòa án. Hiện thanh tra thể thao thành phố mới liên hệ tôi và hẹn ngày gặp cụ thể với đại diện Nhà thi đấu Phú Thọ. Nếu chuyện này không được giải quyết thoả đáng, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện".

Theo tìm hiểu, việc nợ tiền VĐV do nhà tài trợ Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo phát triển thương hiệu, tài trợ cho bóng chuyền nam TP.HCM trong vòng 5 năm với số tiền 30 tỷ đồng.

Tháng 10/2022 vừa qua, bà Trương Mỹ Lan - chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị bắt, Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất lớn, do đó việc giải ngân tài trợ cho đội bóng chuyền nam TP.HCM đã bị chậm lại dẫn đến việc nợ lương và phí lót tay cho các cầu thủ.

Năm 2023 này, đội bóng chuyền nam TP.HCM đã hết hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam. Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM, Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM và Nhà thi đấu Phú Thọ đang tìm kiếm nhà tài trợ mới để có thể giúp đội bóng tháo gỡ khó khăn về vấn đề tài chính, cùng với đó giúp giải toả tâm lý của các VĐV, vượt qua khủng hoảng.

Những năm trở lại đây, bóng chuyền nam TP.HCM luôn được coi là một trong những ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch quốc gia. Trong 8 mùa giải gần nhất, đội bóng thành phố mang tên Bác cũng là CLB thành công nhất với 3 chức vô địch, một lần Á quân, trong đó có 2 chức vô địch liên tiếp năm 2018 và 2019.

Với việc khủng hoảng kinh phí, ngay sát thềm diễn ra vòng I giải VĐQG 2023, một loạt trụ cột như Nguyễn Văn Hạnh, Đinh Văn Tú, Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Dữ, Nguyễn Thanh Hải hay mới đây là Trương Quang Anh Tuấn và Sơn huỳnh Trí đã nói lời chia tay với đội bóng thành phố mang tên Bác.

Trong đội hình của TP.HCM còn 2 trụ cột đó là đội trưởng Lê Quang Khánh và Trần Hoài Phương vẫn tiếp tục đồng hành. Trước mắt của TP.HCM sẽ đối diện với vô vàn thử thách khi thiếu hụt lực lượng, cùng với đó là vấn đề kinh phí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem