Kiến nghị nới room tín dụng thêm 1-2% dù lãi suất đang ở mức cao: Chuyên gia bộc bạch "nỗi khổ" của các ngân hàng

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 19/11/2022 09:08 AM (GMT+7)
Liên quan đến đề xuất nới room tín dụng thêm 1 - 2%, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, "ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp". Bởi lẽ, tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%.
Bình luận 0

Kiến nghị nới room tín dụng thêm 1-2% dù lãi suất đang ở mức cao

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã có kiến nghị gửi cơ quan quản lý. Theo đó, cơ quan này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1-2% dù lãi suất đang ở mức cao.

"Nếu Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1-2% nữa thì sẽ có thêm khoảng trên dưới 200.000 tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế để giải "cơn khát vốn", trong đó có thị trường bất động sản. Các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng dù phải chịu lãi suất vay cao hơn trước" – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết.

Trên thực tế, không chỉ các doanh nghiệp bất động sản ngay cả các doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh hiện nay cũng rơi vào tình trạng "cạn thanh khoản", và chờ đợi vào đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo của các ngân hàng.

Chẳng hạn như với doanh nghiệp ngành thép. Theo phản ánh, nhóm doanh nghiệp này đối diện với "khủng hoảng lớn" khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong khi vẫn đang "chờ đợi" đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

Kiến nghị nới room tín dụng thêm 1-2% dù lãi suất đang ở mức cao: Chuyên gia bộc bạch "nỗi khổ" của các ngân hàng - Ảnh 1.

Kiến nghị nới room tín dụng thêm 1-2% dù lãi suất đang ở mức cao.

Từ thực tiễn nêu trên, theo một số chuyên gia việc nới room tín dụng cũng có thể được xem xét. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, việc nới tín dụng thêm 1-2% sẽ giúp nền kinh tế ấm nóng trở lại, thay vì bế tắc như hiện nay.

TS. Nghĩa kiến nghị: "Lượng vốn bơm thêm ra có thể không quá lớn, song nếu quay vòng nhiều lần, sẽ làm thị trường ấm nóng trở lại. Tất nhiên, việc bơm vốn sẽ phải đồng thời với giám sát dòng vốn bơm đúng địa chỉ".

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu như dòng vốn không được "bơm" phù hợp, kịp thời, sẽ đẩy cuộc đua lãi suất huy động và cho vay "nóng" hơn nữa. Điều này sẽ là khó khăn rất lớn đối với doanh nghiệp.

"Nỗi khổ" của ngân hàng

Đứng trên góc độ ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng (Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, các tổ chức tín dụng hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Đối với cho vay doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo ông Hùng, tính tới cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng vào khoảng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%. "Vậy lấy đâu ra nguồn để cho vay tiếp? Bây giờ có tăng trưởng tín dụng nữa thì cũng không có nguồn để cho vay tiếp", ông Hùng nêu vấn đề.

Ông Hùng nhấn mạnh, ngân hàng là đơn vị cung cấp tiền đáp ứng nguồn vốn thiếu ngắn hạn cho kinh doanh, là thị trường tiền tệ chứ không phải thị trường vốn. Hiện nay, thị trường vốn và thị trường tiền tệ đang mất cân đối và càng mất cân đối hơn khi trái phiếu chưa đến hạn phải trả trước.

Bên cạnh đó, hiện dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn. Do đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thời gian tới, buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Điều này, có thể sẽ ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

"Các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động nhưng ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nên không thể hy sinh mãi được", TS. Nguyễn Quốc Hùng thẳng thắn.

Kiến nghị nới room tín dụng thêm 1-2% dù lãi suất đang ở mức cao: Chuyên gia bộc bạch "nỗi khổ" của các ngân hàng - Ảnh 3.

Thị trường vốn và thị trường tiền tệ đang mất cân đối và càng mất cân đối hơn khi trái phiếu chưa đến hạn phải trả trước.

Bên cạnh khó khăn thanh khoản, ông Hùng cũng cho hay, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu có xu hướng tăng cao. Nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN trước đây nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu.

Công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn do quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Cũng liên quan đến room tín dụng, tại buổi tiếp xúc cử tri tại huyện ủy Phong Điền, thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra các các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn như đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh hợp tác công tư, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (hiện đang nắm giữ gần 4 triệu tỷ đồng).

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, hiệu quả, kết hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác một cách chặt chẽ, hợp lý, an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, ông đang chỉ đạo ngành ngân hàng, tài chính có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, sửa các quy định không phù hợp, cắt giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi. Miễn, giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp.

Đồng thời, nghiên cứu việc nới room tín dụng hợp lý để vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem