“Nóng bỏng” cuộc đua đầu tư vào thị trường mỳ ăn liền

Hoàng Thắng Thứ năm, ngày 07/07/2016 07:11 AM (GMT+7)
Với lượng tiêu thụ bình quân trên 50 gói/người mỗi năm, Việt Nam hiện đang đứng thứ tư thế giới về lượng tiêu thụ mì ăn liền. Điều đó khiến cho thị trường này luôn nóng bỏng các cuộc chiến giành thị phần giữa các “đại gia”.
Bình luận 0

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội để tìm lời giải đáp cho “sức hút” của lĩnh vực kinh doanh này.

Thưa ông, hiện có tới hơn 50 doanh nghiệp đang tham gia đầu tư vào thị trường sản xuất mỳ gói, mỳ ăn liền tại Việt Nam. Tại sao lại có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất này tới vậy?

Theo tôi, có ba nguyên nhân dẫn tới thực tế này. Thứ nhất, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang tạo ra những tác động mạnh mẽ lên đời sống sinh hoạt của người Việt Nam. Nhịp sống của con người ngày càng nhanh hơn, dẫn tới sự phát triển của nhu cầu ăn nhanh. Với dân số lên tới hơn 93 triệu người, trong đó, thành phần thanh niên dưới 35 tuổi chiếm tới 50%. Cộng thêm hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phát triển mạnh mẽ đã góp phần khiến cho các mặt hàng thức ăn nhanh, bao gồm cả mì ăn liền trở nên phổ biến. Mỗi năm, chúng ta tiêu thụ hàng tỉ gói mỳ ăn liền. Điều này đã thu hút các công ty thực phẩm ở trong và ngoài nước đầu tư vào thị trường mỳ ăn liền.

Thứ hai, đó là những khoản lợi nhuận rất lớn thu được từ sản phẩm này.  Bên trong một gói mỳ thường chỉ có chút sợi mỳ khô, bột canh, gia vị. Nhưng khi được bán ra thị trường, một gói mỳ thường có giá từ 4.000 tới 5.000 đồng/gói, đắt hơn có thể là 7.000 đồng/gói hay 10.000 đồng/gói. Nếu bán với mức giá như vậy nhà sản xuất sẽ thu về một khoản lãi đáng kể, theo tôi có thể lãi tới 30%. Chưa kể, một số nhà sản xuất còn làm mì tôm giả từ bột ngô, bột sắn để thu được số lãi lớn hơn. Rõ ràng, khi đứng trước một số lợi nhuận “khủng” như vậy, các công ty thực phẩm càng muốn nhảy vào đầu tư, giống như những con thiêu thân lao về phía có ánh sáng vậy.

Thứ ba, chính là sự tiện lợi của loại hình thực phẩm này. Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu tiểu thương, cùng mạng lưới cửa hàng bán lẻ, quán ăn xuất hiện khắp các con phố, ngõ ngách, đâu đâu cũng có sự xuất hiện của mỳ ăn liền. Trong tương lai, khi thời gian, áp lực công việc của người Việt Nam nhiều hơn, những sản phẩm đồ ăn nhanh như mỳ ăn liền sẽ ngày càng được ưa chuộng.

img

Theo ông, trong một thị trường mì ăn liền có tính cạnh tranh cao như vậy, vì sao người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa được hưởng quá nhiều lợi ích từ nó?

- Theo tôi, hiện có rất ít đơn vị sản xuất ra những sản phẩm có tâm, có đức với người tiêu dùng. Phần lớn nhà sản xuất ưu tiên cho mục tiêu lợi nhuận hơn cả. Theo dõi trên truyền hình, chứng kiến hình ảnh nhiều cầu thủ bóng đá Việt Nam ra nước ngoài thi đấu phải mang theo bên mình thùng mì tôm, bên trong không có chất dinh dưỡng tôi rất thương.

Tôi từng có dịp sang thăm một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông… Phải nói thật là những gói mỳ do họ làm ra, ăn rất ngon. Trong khi ở Việt Nam, bất đắc dĩ lắm tôi mới ăn mì.

Ngoài ra, tôi còn phát hiện thêm một điều ở các quốc gia này. Đó là những sản phẩm tốt nhất họ luôn giành cho thị trường nội địa trước, còn Việt Nam thì làm ngược lại.

Thị trường Việt Nam hiện có rất nhiều loại mì khác nhau, nhưng tới 90% trong số đó là mì gói. Thị trường mì ăn liền của chúng ta phát triển thật đấy, nhưng chất lượng sản phẩm chưa tương xứng với giá cả và nhu cầu người tiêu dùng. Mức giá của hàng hóa Việt Nam đang cao một cách vô lý, một gói mì phải qua mấy khâu trung gian rồi mới tới tay người tiêu dùng. Khi sản phẩm xuất xưởng, có thể giá rất rẻ, song lúc tới với người tiêu dùng, giá đã bị đội lên gấp vài lần. 

Thị trường mì của chúng ta cần tiếp tục mở cửa, để các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.  

Với lượng tiêu thụ lớn thứ 4 thế giới, liệu thị trường mì ăn liền Việt Nam đang có nguy cơ bão hòa?

Thị trường mì ăn liền sẽ bão hòa về số lượng sản phẩm, song điều tôi mong muốn là thị trường bão hòa về chất lượng sản phẩm để bảo đảm tính cạnh tranh. Sản xuất ra những gói mì ăn liền không có giá trị dinh dưỡng thì cũng vô ích. Người tiêu cùng cần sự bão hòa “lành mạnh”, bao gồm việc đảm bảo quyền và sức khỏe người tiêu dùng.

Cùng với hai ngành lọc hóa dầu và dệt nhuộm, ngành sản xuất lương thực thực phẩm cũng gây ô nhiễm môi trường rất lớn, nên trong sự cạnh tranh của thị trường sản xuất mì ăn liền, việc gìn giữ môi trường sống cho các thế hệ sau là vô cùng quan trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem