Nông dân Bắc Giang thay đổi tư duy sản xuất, nâng tầm sản phẩm, tăng thu nhập từ chương trình OCOP

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 07/12/2022 11:44 AM (GMT+7)
Năm 2022, Hội Nông dân (ND) tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản ở địa phương. Đặc biệt là những hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân, các tổ hợp tác, HTX xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, góp phần tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bình luận 0

Hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thành OCOP

Những ngày này, nông dân xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang vào mùa thu hoạch táo. Những vườn táo sai trĩu quả cùng tiếng nói, cười giòn giã của bà con nông dân khiến bức tranh thôn quê miền núi càng thêm sinh động.

Anh Phan Văn Nết – Giám đốc HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền, xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn phấn khởi cho biết: Năm nay, niềm vui của người trồng táo Phì Điền nhân lên gấp bội khi táo được mùa được giá. Đặc biệt, được Hội ND tỉnh Bắc Giang tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, mới đây "Táo Phì Điền" được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Nhờ đó càng khẳng định thêm chất lượng, thương hiệu sản phẩm Táo Phì Điền của địa phương.

Nông dân Bắc Giang thay đổi tư duy sản xuất, nâng tầm sản phẩm, tăng thu nhập từ chương trình OCOP - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đức Thịnh.

"Nhờ chú trọng sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP nên táo Phì Điền của HTX được thương lái và người tiêu dùng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội rất ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán. Sản phẩm táo Phì Điền của HTX được tiêu thụ chủ yếu siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện tại, táo Phì Điền có giá bán dao động từ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Bình quân 1ha táo Phì Điền cho thu nhập 500 – 600 triệu đồng/ha. Từ trồng táo, nhiều nông dân xã Phì Điền có của ăn, của để" – anh Phan Văn Nết cho biết.

Nông dân Bắc Giang thay đổi tư duy sản xuất, nâng tầm sản phẩm, tăng thu nhập từ chương trình OCOP - Ảnh 2.

Sản phẩm "Táo Phì Điền của HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền, xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đức Thịnh.

Theo anh Phan Văn Nết, xã Phì Điền có địa hình bán sơn địa, đất đai màu mỡ, rất thích hợp các loại cây trái ăn quả. Xã có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng điển hình như: Táo Phì Điền, vải thiều, cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh… Trong đó, mô hình trồng táo ở Phì Điền có diện tích trồng hơn 200ha.

Nông dân xã Phì Điền trồng chủ yếu 2 giống táo là táo xuân (100ha) và táo Đài Loan (100ha). Hai giống xuân và táo Đài Loan cho quả to, mã sáng, ăn ngọt, giòn và dễ trồng, dễ chăm sóc.

HTX nông nghiệp Phì Điền có tổng diện tích canh tác táo hơn 45ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Để hỗ trợ hội viên nông dân Phì Điền trồng táo, HTX đã phối hợp với Hội ND và các cơ quan chuyên môn mở được 4 lớp tập huấn trồng và chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, với 350 lượt người tham gia. Cùng với đó, Hội ND còn tạo điều kiện cho các hộ trồng táo Phì Điền vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Anh Phan Văn Nết phấn khởi nói: "Chương trình OCOP rất hay và có ý nghĩa, giúp người nông dân hiểu cần phải thay đổi từ tư duy sản xuất đến chất lượng, mẫu mã bao bì cũng như tem mác truy xuất nguồn gốc. Khi các sản phẩm được làm ra từ những quy trình bài bản đó thì ắt hẳn sẽ được người tiêu dùng tin tưởng và thương hiệu sẽ nâng được tầm".

Phát huy vai trò của các HTX trong phát triển sản phẩm OCOP

Sản phẩm Táo Phì Điền là 1 trong 15 sản phẩm OCOP được Hội ND tỉnh Bắc Giang tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham dự đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trong năm 2022.

Cụ thể: Trong đợt bình chọn lần 1 năm 2022 vừa qua đã có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, đó là: Nụ hoa sâm nam núi Dành của HTX sản xuất và tiêu thụ sâm nam núi Dành Liên Chung, huyện Tân Yên; Bột gấc sấy lạnh nguyên chất, Dầu gấc tinh khiết của HTX nông nghiệp Gấc Việt, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên.

Nông dân Bắc Giang thay đổi tư duy sản xuất, nâng tầm sản phẩm, tăng thu nhập từ chương trình OCOP - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng đánh giá cao vai trò nòng cốt của các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP. Ảnh: Đức Thịnh.

Trong đợt bình chọn lần 2 vào đầu tháng 12/2022 mới đây, 12 sản phẩm OCOP mới được công nhận, đó là: Bánh chưng Hoàng An của HTX nông nghiệp công nghệ cao An Bình, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hoà; Thịt gác bếp Cao Lan của HTX nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế; Tinh bột nghệ Thuỳ Dương của HTX Nông nghiệp sạch Thùy Dương, TT Nham Biền, huyện Yên Dũng; Dầu lạc Cường Nhung của HTX Cường Nhung, xã An Thượng, huyện Yên Thế; Mì gạo chũ đặc biệt của HTX Sản suất và tổng hợp mỳ Chũ Nam Thể, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn; Bánh gio Hoàng Vân của HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà; Dứa Hương Sơn của HTX dứa sạch Hương Sơn, huyện Lạng Giang; Rượu nếp mầm làng Chồi của HTX rượu nếp mầm làng Chồi, huyện Lục Nam; Dưa hấu Sao Thần Nông của Hợp tác xã Sao Thần Nông, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng; Dầu gấc Đại An của HTX nông nghiệp Quang Huy, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế; Táo Phì Điền của HTX sản xuất thương mại và dịch vụ Phì Điền, xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn; Rượu Vương Tửu của hộ SXKD Nguyễn Văn Hà - thôn Sơn Quả 1, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà.

Nông dân Bắc Giang thay đổi tư duy sản xuất, nâng tầm sản phẩm, tăng thu nhập từ chương trình OCOP - Ảnh 4.

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ các HTX thiết kế, in ấn bao bì, nhãn hàng hoá; xây dựng câu chuyện sản phẩm và tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ sản phẩm triển tham dự đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Đức Thịnh

Ông Nguyễn Văn Thi – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang cho biết: Một điểm nhấn nổi bật trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân Bắc Giang năm 2022 đó là các cấp Hội đã thực hiện có hiệu quả 4 Đề án được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt. 

Đặc biệt, để có cơ chế cho các tổ hợp tác, HTX phát triển bền vững tích cực tham gia vào sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, Hội ND tỉnh đã xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt 2 đề án gồm: "Xây dựng tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025" và "Hội ND các cấp làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 – 2025".

Trong năm 2022, các cấp Hội ND Bắc Giang đã hướng dẫn thành lập 51 tổ hợp tác và 33 HTX; nâng tổng số tổng hợp tác, HTX do Hội thành lập là 310 tổ hợp tác, 100 HTX, đạt 200% kế hoạch.

Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Thi, các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng, nhân tố chính trong sản xuất và xây dựng các sản phẩm OCOP. Hội ND tỉnh Bắc Giang đã tư vấn, hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX xây kế hoạch sản xuất kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đặc biệt, Hội ND tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ các HTX thiết kế, in ấn bao bì, nhãn hàng hoá; xây dựng câu chuyện sản phẩm và tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ sản phẩm triển tham dự đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Năm 2022, các cấp Hội ND Bắc Giang đã tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký 15 sản phẩm OCOP; tạo điều kiện cho 9 tổ hợp tác, HTX là chủ thể tham gia chương trình OCOP được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ HTND với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng.

Nhiều HTX mới thành lập nhưng đã tích cực tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP như: HTX nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan, HTX Cường Nhung (Yên Thế); HTX sản xuất, kinh doanh rượu nếp mầm làng Chồi (Lục Nam); HTX nông nghiệp sạch Thùy Dương (Yên Dũng); HTX Dứa sạch Hương Sơn (Lạng Giang)…

Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, các cấp Hội ND Bắc Giang tiếp tục chú trọng phát triển các mô hình tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng, các sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm OCOP. Khuyến khích các tổ hợp tác, HTX tăng cường liên kết để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường...

Cùng với đó, bản thân các HTX cũng cần chủ động phát huy nội lực, liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng cao giá trị gia tăng.

Năm 2023, Hội ND tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành hội, mỗi đơn vị đăng ký xây dựng mới 2 sản phẩm, duy trì củng cố nâng cao chất lượng 2 sản phẩm, các cấp hội xây dựng mới và nâng cao chất lượng 40 sản phẩm/năm. Hội ND tỉnh lựa chọn 4 mô hình sản xuất sản phẩm OCOP theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị chỉ đạo thực hiện năm 2023-2025.

HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẮC GIANG – VAI TRÒ NÒNG CỐT XÂY DỰNG SẢN PHẨM OCOP


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem