Một nông dân ở Bắc Kạn ròng rã 7 năm trồng cây lim, cây mỡ ở 26ha rừng, kể lại ai cũng phục sát đất

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 17/05/2022 19:00 PM (GMT+7)
Bỏ ngoài tai những lời bàn tán, anh Lục Văn Bạn (thôn Bản Khúa, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) vẫn cùng vợ con miệt mài gánh cây lim giống, cây mỡ giống lên rừng, trồng phủ xanh hơn 26ha đồi trọc. Chỉ sau 7 năm, gia đình anh đã được thu "trái ngọt".
Bình luận 0

CLIP: Hiệu quả từ mô hình trồng rừng của gia đình anh Lục Văn Bạn, thôn Bản Khúa, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Dẫn chúng tôi lên cánh rừng bạt ngàn cây mỡ, cây lim, anh Lục Văn Bạn (thôn Bản Khúa, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, hơn 10 năm trước, trong khi người dân địa phương chủ yếu sống dựa vào lâm sản phụ của rừng, anh cùng vợ con đã miệt mài gánh cây giống lên phủ xanh đồi trọc.

Bắc Kạn: Trở thành nông dân sản xuất giỏi nhờ trồng đủ thứ cây trên rừng - Ảnh 2.

Anh Lục Văn Bạn (áo đen bên phải) cùng ông Dương Văn Dẻ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn thăm rừng mỡ cạnh nhà. Ảnh: Chiến Hoàng

Từ đồi mỡ nhà anh Lục Văn Bạn phóng tầm mắt, chạm đâu cũng một màu xanh ngắt của những rừng keo. Trước đó, chúng tôi đã nghe kể nhiều về việc trồng rừng của người dân ở xã Bằng Thành. Theo đó, Bằng Thành là xã có tỷ lệ trồng rừng cao nhất huyện Pác Nặm, thậm chí cao nhất tỉnh Bắc Kạn.

Anh Lục Văn Bạn cười bảo: "Không có nghề gì thì trồng rừng thôi, với lại trồng rừng mới có thu nhập cao được, trồng rừng mới ra tấm ra món, khó khăn ban đầu thì đã có Đảng, Nhà nước hỗ trợ. Mình là nông dân, không làm thì ai làm."

Rồi anh kể, năm 2010, được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về cây giống cũng như hỗ trợ tiền mặt để phát dọn thực bì, gia đình anh đã mua đất và trồng được 15ha cây keo. 

Đến năm 2011, gia đình anh trồng thêm 7ha, năm 2012 tiếp tục trồng thêm 4ha. Ngoài ra, năm 2013 gia đình anh cũng đã trồng thêm được hơn 3ha cây mỡ, cây lát và cây lim xanh.

Anh Bạn kể, lúc đấy, không ít người bảo: "Trồng nhiều thế rồi bán cho ai? Bán củi cũng chẳng ai lấy ấy chứ!" Vậy mà chỉ 7 năm sau, vào năm 2017, gia đình anh Bạn đã thu hoạch 26ha lứa keo đầu tiên và tiếp tục phủ xanh bằng cây keo trên diện tích hơn 23ha.

"Trừ mọi chi phí, lần đầu thu hoạch gia đình chúng tôi thu được khoảng hơn 800 triệu đồng. Tổng diện tích keo hiện còn 23ha, khoảng 4 năm nữa sẽ cho thu hoạch tiếp.

Bắc Kạn: Trở thành nông dân sản xuất giỏi nhờ trồng đủ thứ cây trên rừng - Ảnh 3.

Cây hồi lấy tinh dầu được anh Lục Văn Bạn trồng trên diện tích 8000m2. Ảnh: Chiến Hoàng

Keo đợt này tốt hơn đợt đầu, đường sá cũng đã thuận tiện hơn nên chắc chắn trừ mọi chi phí sẽ được cao hơn đợt thu hoạch trước đó. Ước tính chắc cũng được khoảng 1,5 tỷ đồng", anh Lục Văn Bạn chia sẻ.

"Tôi hiện cũng đang trồng thêm gần 1ha cây hồi để lấy tinh dầu hồi. Tuy mới đang thử nghiệm nhưng thấy cây phát triển rất tốt. Trồng loại cây hồi lấy tinh dầu, ở Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) chỉ khoảng 4 năm đã cho thu cành, lá. Chi phí cây giống cũng không quá cao.

Nồi chưng cất tinh dầu hồi giá thành cũng chỉ khoảng 40 triệu đồng, trong khi một lít tinh dầu hồi có giá bán lên đến 1,2 triệu đồng. Tôi thấy trồng cây hồi lấy tinh dầu cũng là một hướng đi khả quan, vì điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây không khác mấy so với ở Bảo Lạc, Cao Bằng", anh Bạn cho hay.

Nói về bệnh tật trên cây, anh Lục Văn Bạn chia sẻ: "Ở nơi khác không biết thế nào chứ ở đây, cây keo với cây mỡ hầu như không có bệnh gì. Tuy nhiên khoảng 2 năm lại đây, cây keo thường bị con sóc cắn. Sóc cắn róc dài lên tận ngọn.

Sóc ở đâu kéo về thành đàn rất đông, cắn phá đến mức có nhiều diện tích phải chặt bỏ trồng lại. Trồng rừng, đầu tư cây giống cũng không hết bao nhiêu, tính ra chỉ khoảng 100 triệu đồng cho hơn 20ha nhưng con sóc phá cây đến mức này thì rất đáng lo ngại."

Bắc Kạn: Trở thành nông dân sản xuất giỏi nhờ trồng đủ thứ cây trên rừng - Ảnh 4.

Anh Lục Văn Bạn bất lực khi bầy sóc kéo đến phá cây. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo anh Lục Văn Bạn, cây lát là cây có hiệu quả kinh tế cao tại rừng nhà anh. Với cây lát, khoảng 20 năm thì cho thu hoạch, trung bình mỗi cây có giá khoảng 25 triệu đồng.

"Cây lát trồng thành bãi mọc rất chậm, nhưng nếu trồng thành hàng hoặc trồng mỗi nơi một ít, cây phát triển lại rất nhanh. Hiện gia đình tôi có hơn 1ha cây lát, vanh cây cũng đạt 50-60cm, đã xẻ được vai giường rồi", anh Bạn cho biết thêm.

Nói về anh Lục Văn Bạn, ông Dương Văn Dẻ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, mô hình trồng cây keo, cây mỡ, cây hồi và các loại cây có giá trị kinh tế khác của hội viên Lục Văn Bạn rất hiệu quả.

"Dù trước đó được Đảng, Nhà nước hỗ trợ cây giống, tuy nhiên nhiều hộ ở huyện Pác Nặm chưa dám trồng. Hội viên Lục Văn Bạn là người tiên phong thực hiện trồng rừng để người dân nhìn vào, học hỏi. Sau 7 năm, gia đình anh đã cho thu hoạch hơn 1 tỷ đồng. Nhờ nỗ lực ấy, anh Lục Văn Bạn đã trở thành hội viên Nông dân giỏi cấp tỉnh nhiều năm," ông Dương Văn Dẻ cho biết.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Pác Nặm thông tin thêm, Hội Nông dân huyện Pác Năm đã, đang và sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên trong huyện thực hiện theo mô hình của hộ gia đình anh Lục Văn Bạn, với hy vọng các hội viên Nông dân khác cũng sẽ có thêm nguồn thu nhập từ trồng rừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem