dd/mm/yyyy

Nông dân Cao Phong có của ăn, của để từ trồng cây có múi

Nhờ trồng cây ăn quả có múi, bà con nông dân huyện Cao Phong (tỉnh Hoà Bình) đã có của ăn, của để, xây được nhà cao cửa rộng, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Nông dân có của ăn, của để từ cây ăn quả

Để phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất cây ăn quả có múi, UBND tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt đề án tái canh cây ăn quả có múi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Là một trong những vùng sản xuất cây ăn quả có múi chủ lực của tỉnh với tổng diện tích chiếm 30%, huyện Cao Phong đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức lại sản xuất, khép kín, đồng bộ, bền vững từ phát triển vùng nguyên liệu tới sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Từ khi chuyển đổi đất đai bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nhiều nông dân đã có của ăn, của để và vươn lên làm giàu tại địa phương.

Bà Bùi Thị Hảo, xã Dũng Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) cho biết: "Tôi trồng cam Canh đến nay cũng được gần 7 năm. Từ khi chuyển sang trồng cam, cuộc sống và thu nhập của gia đình đã được nâng lên, tôi đã trả được hết nợ nần và cất được 1 ngôi nhà khang trang, con cái đều học hành thành đạt. Bình quân 1 năm tôi thu lãi gần 300 triệu đồng từ bán cam".

Nông dân Cao Phong có của ăn, của để từ cây ăn quả - Ảnh 1.

Huyện Cao Phong nổi tiếng là thủ phủ của cây ăn quả, nhiều nông hộ đã có của ăn, của để từ trồng cam và các loại cây ăn quả có múi khác. Ảnh: Hà Hoàng

Theo thống kê, huyện Cao Phong hiện có gần 2.000 ha cây ăn quả có múi, sản lượng niên vụ 2021 - 2022 ước đạt trên 22.000 tấn. Cao Phong là một trong những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, với bộ giống đa dạng, năng suất, chất lượng tốt như cam CS1, cam Marrs (cam BH), cam Canh, cam V2… Giá trị thu nhập trong sản xuất cây ăn quả có múi bình quân đạt 300 - 350 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp nông dân yên tâm sản xuất và gắn bó với nông nghiệp.

Xã Bắc Phong là một trong những địa bàn có diện tích được quy hoạch vùng lõi sản xuất cây ăn quả có múi của huyện Cao Phong với trên 350 ha. Ông Khương Xuân Lịch, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm trước đây chưa trồng cam thì cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa  bàn xã còn ở mức cao. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực  tuyên truyền của huyện và xã, người dân đã chuyển đổi sang trồng cam và bưởi. Nhờ vậy, mà đa số bà con đều có nguồn thu nhập ổn định và cao.

Nhằm khôi phục, duy trì thương hiệu sản phẩm cam, UBND huyện Cao Phong đã xây dựng kế hoạch số 65/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, huyện tập trung tái canh cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha, trồng mới 670/1.500 ha, với giống cây đầu dòng và quy trình chăm sóc cam đúng kỹ thuật từ khâu xử lý đất.

Nông dân Cao Phong có của ăn, của để từ cây ăn quả - Ảnh 3.

Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đang hướng dẫn bà con chăm sóc vườn cam. Ảnh: Hà Hoàng

Cây ăn quả có múi trở thành cây "làm giàu" cho nông dân

Theo tìm hiểu của PV, toàn huyện Cao Phong có khoảng 780ha cây ăn quả có múi được trồng luân canh cây trồng khác để cải tạo đất. Để đưa cây ăn quả phát triển bền vững và trở thành cây kinh tế chủ lực giúp nông dân làm giàu, huyện thường xuyên lồng ghép các chương trình, dự án, đưa vào kế hoạch thực hiện xây dựng nhà máy chế biến hoa quả, tổ chức mô hình tái canh vùng lõi đang dừng lại ở việc khảo sát, rà soát và xây dựng phương án.

Trong thời gian thực hiện đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025 như: Chuẩn bị đủ nguồn vật liệu nhân giống sạch bệnh, tổ chức luân canh cây trồng khác trên diện tích cam đã hết chu kỳ khai thác; lập kế hoạch chi tiết cho diện tích trồng mới từ nay đến năm 2025 hay một số dự án hạ tầng đang triển khai đã thể hiện sự nỗ lực của chính quyền, người dân toàn huyện trong việc giữ gìn và bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong.

Nông dân Cao Phong có của ăn, của để từ cây ăn quả - Ảnh 4.

Cam Cao Phong được giới thiệu tại các hội trợ và bán ở nhiều thị trường trên cả nước. Ảnh: Hà Hoàng.

Chia sẻ với PV, ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Để đưa cây ăn quả phát triển bền vững, giúp người dân yên tâm sản xuất và gắn bó với nông nghiệp, huyện đã đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế sử dụng lồng ghép các nguồn vốn cho hoạt động của đề án tái canh cây ăn quả có múi. Tăng cường cán bộ chuyên môn, năng lực của các sở, ngành giúp huyện thực hiện các nhiệm vụ chuyên trách; hỗ trợ kinh phí để thực hiện những nội dung của các dự án ưu tiên, hỗ trợ HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Trước mắt nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi đảm bảo an toàn nguồn nước tưới cho vùng tái canh với 7 công trình hồ, đập, 6.700 km kênh mương, tổng kinh phí dự kiến trên 21 tỷ đồng.

Nhằm đảm bảo triển khai thực hiện đề án đúng kế hoạch đã đề ra, góp phần nâng tầm thương hiệu cây ăn quả có múi ở Cao Phong trong những năm tới, cần có sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị cũng như cần huy động được nguồn lực từ các nguồn khác nhau. Bởi, tái canh cây ăn quả được xác định là tổ chức lại sản xuất, với vai trò nòng cốt là doanh nghiệp, HTX có liên kết chặt với các hộ sản xuất, theo chuỗi giá trị.

Nông dân Cao Phong có của ăn, của để từ cây ăn quả - Ảnh 5.

Nhiều năm qua, bà con nông dân huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình có cuộc sống khấm khá, xây được nhà cao cửa rộng nhờ trồng cây ăn quả có múi. Ảnh: Hà Hoàng.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết: Nếu đề án phát triển cây ăn quả có múi được thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả, dự kiến đến năm 2025 thu nhập của người sản xuất tăng ít nhất 1,3 lần so với năm 2020. Đồng thời, kéo theo sự tăng trưởng của các ngành kinh tế khác như dịch vụ logistics, công nghiệp chế biến, đào tạo nhân lực, du lịch... Từ đó, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất, liên kết hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là giảm thiểu được cường độ và mức độ sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất để bảo vệ môi trường sinh thái.
Hà Hoàng