dd/mm/yyyy

Nông dân Điện Biên điêu đứng vì dịch Covid - 19

Dịch Covid-19 bùng phát, khiến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân Điện Biên bị ảnh hưởng. Người nông dân gặp khó khăn, giá nông sản xuống thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhiều gia đình.

Thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán hàng năm, không khí thu hoạch, mua bán rau củ quả tại các xã trọng điểm trồng rau trên địa bàn huyện Ðiện Biên như: Noong Luống, Pom Lót, Thanh Hưng, Thanh Luông… rất sôi động, thương lái đến tận vườn thu mua nhưng năm nay trầm lắng hẳn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sức mua, lượng tiêu thụ nông sản tại các thị trường lớn giảm sút, trong khi nông sản được mùa dẫn đến tình trạng “thừa cung, thiếu cầu”. Nhiều thương lái đã hủy giao dịch, đòi lại tiền đặt cọc, nhiều chuyến hàng đến nơi thì bị trả ngược trở lại… Các hộ trồng rau có vụ rau tết không như mong muốn, nhiều hộ lỗ vốn do rau không bán được hoặc bán với giá rất rẻ.

Nông dân Điện Biên điêu đứng vì dịch Covid - 19 - Ảnh 1.

Nông dân xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) điêu đứng vì dịch Covid - 19 khi giá rau, nông sản xuống giá.

Hợp tác xã rau an toàn thôn A1, xã Noong Luống có 10ha rau với 24 hộ dân tham gia. Ðể chuẩn bị cho vụ rau tết năm 2021, Hợp tác xã đã liên kết sản xuất thêm với các hộ dân tại thôn A1 nâng tổng diện tích sản xuất lên 20ha, trồng chủ yếu các loại rau: Bắp cải, cà chua, đỗ leo. Năm nay, thời tiết thuận lợi, các loại rau đều được mùa. Tuy nhiên, đúng thời điểm chuẩn bị xuất bán thì dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương; trên địa bàn Điện Biên cũng xuất hiện những ca mắc Covid-19 khiến thị trường rau tiêu thụ chậm, giá nông sản giảm sâu so với mọi năm, ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ trồng rau.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn thôn A1 cho biết: 90% sản lượng rau của hợp tác xã được tiêu thụ tại các thị trường lớn như: Hà Nội, Hải Phòng… Dịch bùng phát, sức mua giảm, các thương lái ngay lập tức hủy hoặc giảm đơn hàng chỉ còn một nửa so với trước thời điểm xuất hiện dịch. Nếu như mọi năm, đơn hàng 1 tấn rau xuất xuống Hà Nội, chúng tôi có thể gửi tăng thêm thành 1,5 tấn, các thương lái vẫn vui vẻ nhận hàng tuy nhiên năm nay đơn hàng phải đúng số lượng, nếu gửi thêm sẽ bị trả lại. Chỉ mấy ngày giáp tết Nguyên đán vừa qua, các đơn hàng liên tục bị thương lái gửi trả lại, có đơn hàng đã đặt cọc tiền nhưng thương lái vẫn nhất quyết trả lại vì mức tiêu thụ rất chậm, hàng tồn ứ nhiều. Do đó, năm nay rau được mùa nhưng mất giá, Hợp tác xã có vụ rau tết không như mong muốn. Hiện nay, nhiều luống rau mới bắt đầu vào thu hoạch nhưng chủ hộ đã phá đi để chuẩn bị sản xuất vụ rau mới song cũng đang ở mức độ cầm chừng, vừa làm vừa theo dõi tình hình dịch bệnh, diễn biến thị trường chứ không thể sản xuất ồ ạt như mọi năm.

Nông dân Điện Biên điêu đứng vì dịch Covid - 19 - Ảnh 2.

Không chỉ rau trồng bình thường, những trang trại rau chất lượng cao cũng bị ảnh hưởng đến thu nhập vì giá xuống rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn A1 cho biết: “Vụ rau tết, gia đình tôi trồng gần 5.000m2 cà chua và bắp cải. Năm nay rau quả được mùa nhưng đến thời điểm thu hoạch thì giá cà chua, bắp cải giảm chỉ còn 1.000 đồng/kg. Giá quá rẻ lại không có người mua nên tôi đã phá đi để chuẩn bị sản xuất vụ mới, đành chấp nhận 1 vụ rau lỗ vốn. Hiện nay, tại một số chân ruộng, tôi đã làm đất xong nhưng vẫn chưa vội xuống giống vì dịch bệnh vẫn đang phức tạp, thị trường nông sản vẫn chưa khởi sắc trở lại nên phải có thời gian theo dõi và lựa chọn trồng những loại rau gì để hạn chế thấp nhất rủi ro”.

Không chỉ thị trường rau xanh bị ảnh hưởng, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi cho biết sản lượng tiêu thụ dịp tết Nguyên đán Tân Sửu chỉ bằng một nửa so với những năm trước. Nguyên nhân là do toàn tỉnh thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, các nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa, không có nhu cầu nhập hàng.

Nông dân Điện Biên điêu đứng vì dịch Covid - 19 - Ảnh 4.

Mặc dù giá rau xuống thấp, nhưng nhiều hộ dân vẫn chăm sóc diện tích rau hiện có.

Bà Nguyễn Thị Tình, bản Nà Lơi, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Bản Nà Lơi có khoảng 10 hộ chăn nuôi gà với quy mô từ 1.000 - 2.000 con/hộ. Trước đây, 100% hộ chăn nuôi gà thịt tuy nhiên hơn 1 năm nay dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên chúng tôi đã điều chỉnh giảm quy mô nuôi gà thịt, nuôi thêm gà giống, gà đẻ trứng. Gia đình tôi trước đây nuôi đến 2.000 con gà thịt nhưng hơn 1 năm nay số lượng gà thịt giảm còn 800 - 1.000 con. Dịp tết vừa qua, sản lượng gà thịt tiêu thụ chỉ bằng 1/3 sản lượng năm ngoái.

Thanh Phong