Nông dân một huyện ở Phú Thọ góp 8.000 ngày công, làm gần 200 km đường nông thôn mới

Hoan Nguyễn Thứ sáu, ngày 12/05/2023 08:15 AM (GMT+7)
Nhiệm kỳ 2018- 2023, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã phát huy tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong đó đã góp 8.000 ngày công, làm gần 200 km đường nông thôn mới.
Bình luận 0

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, với sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị cho góp phần phát triển kinh tế, bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể, đời sống, văn hóa tinh thần của hàng nghìn hộ nông dân có nhiều khởi sắc. 

Có được thành quả như ngày hôm nay một phần do Hội Nông dân cấp huyện trong tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều biện pháp, giải pháp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương và ngày càng khẳng định tổ chức Hội thật sự là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân thời đại mới. Trong đó, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn là một trong những điển hình về công tác hội và phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vi Đại Phong - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Sơn khẳng định, trong những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thanh Sơn luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thông qua các hoạt động của Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó, tinh thần tự quản, phát huy nội lực, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp người dân phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang sạch, đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt.

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã gặt hái được nhiều thành công, nổi bật nhất là 15/15 chỉ tiêu kế hoạch trong nhiệm kỳ đều được triển khai hiệu quả đạt và vượt so với kế hoạch; tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia tích cực công cuộc xây dựng nông thôn mới; đóng góp trên 138 triệu đồng, hơn 8 nghìn ngày công lao động, tham gia làm mới, sửa chữa 179km đường giao thông; kiên cố hóa, sửa chữa 87 km kênh mương, 56 cầu cống...

Nông dân huyện Thanh Sơn góp 8 nghìn ngày công, làm 179 km đường nông thôn mới - Ảnh 1.

Nông dân huyện Thanh Sơn đóng góp hơn 8 nghìn ngày công, tham gia làm mới, sửa chữa 179 km đường giao thông, nông thôn mới. Ảnh: H.N

Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên trong xây dựng nông thôn mới, nhằm giúp hội viên nông dân có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã thực hiện việc ủy thác vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và tỉnh với số tiền dư nợ trên 3 tỷ đồng cho 52 lượt hội viên vay để thực hiện 7 dự án chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi gà thịt. Cùng đó, thực hiện ủy thác vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với 106 tổ tiết kiệm, với số tiền dư nợ trên 142 tỷ đồng cho gần 4 nghìn hội viên vay. 

Hội Nông dân huyện Thanh Sơn cũng phối hợp với Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ về vật tư nông nghiệp, cây giống, con giống để tổ chức thực hiện nhiều mô hình phù hợp với điều kiện, phát huy thế mạnh của địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng như: Mô hình nuôi gà thả đồi xã Địch Quả, trồng táo xã Lương Nha, thâm canh chế biến chè an toàn xã Võ Miếu, Văn Miếu, Sơn Hùng..

Nông dân huyện Thanh Sơn góp 8 nghìn ngày công, làm 179 km đường nông thôn mới - Ảnh 2.

Từ việc chăn thả manh mún, giờ nuôi vịt suối ở xã Đông Cửu trở thành nghề giúp cho nhiều hộ nông dân tăng cao thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Ảnh: H.N

Bên cạnh đó, 5 năm qua, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã đẩy mạnh các phong trào thi đua của Hội. Điểm nhấn là "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được phát triển, lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Thông qua phong trào đã góp phần thúc  đẩy việc thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác; Chi, tổ hội nghề nghiệp, HTX theo Đề án của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Mới đây nhất, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã phối hợp với Hội Nông dân xã Đông Cửu thành lập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt tại xã. Đồng thời, giải ngân số vốn 600 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho các thành viên trong Chi hội để thực hiện dự án chăn nuôi vịt suối. 

Để bà con nông dân yên tâm về đầu ra tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân xã Đông Cửu đã kết nối HTX dịch vụ Bình An liên kết với các hộ nuôi vịt và hỗ trợ, chịu trách nhiệm cung ứng về con giống, thức ăn; hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh định kỳ. Khi đạt đủ thời gian chăn nuôi hơn ba tháng, HTX Bình An sẽ bao tiêu vịt thương phẩm theo giá cam kết, rồi xuất bán ra thị trường.

Nông dân giỏi là nhân tố thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

Trao đổi với PV, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Sơn Vi Đại Phong nhấn mạnh, trong 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19, song phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện tiếp tục thu được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến hết năm 2022, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn có hơn 17 nghìn hội viên tham gia.

Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc. Đây là những nhân tố tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở địa phương, hình thành một lớp nông dân đã có bước chuyển lớn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Điển hình nhất là các mô hình trang trại tổng hợp của hội viên Trịnh Bá Thông (xã Yên Sơn), với thu nhập 500- 600 triệu đồng/năm; mô hình nuôi giun quế của hội viên Nguyễn Mạnh Thuyết (xã Sơn Hùng) với nguồn thu nhập 20-25 triệu đồng/tháng; mô hình sản xuất nước sạch, đá sạch của hội viên Hà Trường Hải, với doanh thu 300-400 triệu đồng/năm; mô hình xưởng may của hội viên Đinh Thị Hương (xã Thạch Khoán) với doanh thu 5 tỷ đồng/năm…

Nông dân huyện Thanh Sơn góp 8 nghìn ngày công, làm 179 km đường nông thôn mới - Ảnh 3.

Ông Đỗ Quốc Thuận sở hữu hơn 200 ha rừng trồng kết hợp với đàn bò hơn 200 con, mang về doanh thu mỗi năm hàng tỉ đồng. Ảnh: H.N

Phấn khởi thông tin với PV Dân Việt, ông Đỗ Quốc Thuận ở xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn) - 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 cho biết, hiện ông đang sở hữu hơn 200ha rừng trồng kết hợp với đàn bò hơn 200 con. Bình quân, mỗi năm mô hình kinh tế trang trại của ông trừ chi phí cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Riêng năm 2021 đạt hơn 4 tỷ đồng từ khai thác gỗ rừng và bò thịt, bò giống.

Trong quá trình phát triển sản xuất, mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi của ông Thuận đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ, 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 7-7,5 triệu đồng/tháng. Ông cũng là người đi đầu, tích cực ủng hộ hỗ trợ các hộ nghèo ở địa phương như xóa nhà tạm, đóng góp kinh phí hỗ trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, các hoạt động xã hội khác.

"Có thể khẳng định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân huyện Thanh Sơn nói riêng và Hội Nông dân các cấp từ Trung ương đến tỉnh nói chung tổ chức, phát động đã tạo động lực cho tôi ngày càng có nhiều suy nghĩ dám làm, dám sáng tạo để mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và xã hội góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương" - ông Thuận nhận định.

Nông dân huyện Thanh Sơn góp 8 nghìn ngày công, làm 179 km đường nông thôn mới - Ảnh 4.

Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nông dân về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời tăng cường hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP của huyện. Ảnh: H.N

"Có thể nói, trong 5 năm qua, xác định được vai trò, vị trí của mình, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã góp phần không nhỏ trong việc giúp kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn địa phương thay đổi đáng kể, đời sống, văn hóa tinh thần của hàng nghìn hộ nông dân có nhiều khởi sắc", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Sơn phấn khởi cho hay.

Với những thành tích đạt được, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn được Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đánh giá, xếp loại là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Chính phủ tặng Bằng khen cho 1 hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 8 cá nhân và tặng Kỷ niệm chương vì giai cấp nông dân Việt Nam cho 57 cá nhân; Hội nông dân tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 14 cá nhân và 327 Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tại cơ sở", 

3 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2023-2028

Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Sơn Vi Đại Phong cho biết, với tinh thần "Dân chủ- Đoàn kết- Sáng tạo- Phát triển", Hội Nông dân huyện Thanh Sơn xác định tập trung thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới; xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn tiếp tục tích cực, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đơn vị xây dựng, tổ chức các chương trình, dự án; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống trong nền kinh tế thị trường và hội nhập; góp phần xây dựng huyện Thanh Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem