Nông dân sống khổ vì bị thu hồi đất với khung giá thấp (Bài 2) - Ảnh 1.

Trao đổi với PV Dân Việt, 14 hộ dân ở thôn Cao Bồ, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên (Nam Định) phản ánh việc UBND huyện Ý Yên áp mức bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Yên Bằng, huyện Ý Yên quá thấp khiến người có ruộng bị thu hồi chịu nhiều thiệt thòi.

Ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Cao Bồ, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên – đại diện cho 14 hộ dân thôn Cao Bồ trình bày trong đơn: "Chúng tôi luôn chấp hành tốt mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi cũng đồng tình và ủng hộ chủ trương thành lập và xây dựng Cụm công nghiệp Yên Bằng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng trong việc giải phóng mặt bằng của cụm công nghiệp Yên Bằng vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện chỉ chú trọng vào việc hoàn thành công việc, quá quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp mà quên đi quyền lợi của an sinh xã hội của người dân".

Theo phản ánh của các hộ dân, UBND huyện Ý Yên áp đơn giá đền bù đất nông nghiệp là 50.000 đồng/m2. "Đây là mức đền bù quá thấp vì cách đây 10 năm khi Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Cao Bồ, đơn giá đền bù đã là 50.000 đồng/m2. 

Đến nay, sau 10 năm, giá cả mọi thứ đã tăng gấp mấy lần nhưng UBND huyện Ý Yên vẫn áp dụng đơn giá cũ là không hợp lý", ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân ở thôn Cao Bồ có ruộng bị thu hồi cho biết.

Cũng theo phản ánh của các hộ dân, tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm mà UBND huyện Ý Yên áp dụng chỉ bằng 3 lần giá đất là rất thấp, không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ngoài ra, thời điểm UBND huyện Ý Yên thông báo việc tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất của các hộ dân, người dân không được đền bù hoa màu trên đất. 

"Thời điểm giữa tháng 4 lúa đang thì con gái xanh mơn mởn, chúng tôi mất bao công sức cày cấy và đầu tư phân bón, giống má mà không được đền bù hoa màu trên đất", một trong 14 hộ dân bức xúc.

Các hộ dân tính toán, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp và ổn định đời sống cho mỗi sào ruộng chỉ từ 72-73 triệu đồng, thấp hơn từ 40-50 triệu đồng/sào so với mức bồi thường, hỗ trợ mà một số tỉnh, thành phố lân cận tỉnh Nam Định đang áp dụng.

Nông dân sống khổ vì bị thu hồi đất với khung giá thấp (Bài 2) - Ảnh 3.

Một phần diện tích Cụm công nghiệp Yên Bằng, huyện Ý Yên đã được san lấp khoảng tháng 5/2022. Ảnh: Vị Thủy

"Cả gia đình tôi trông vào mấy sào ruộng làm kế sinh nhai. Nay ruộng bị thu hồi hết nhưng số tiền nhận được lại rất thấp nên chúng tôi không biết sau này sẽ sống bằng cách nào. Bản thân tôi đã có tuổi nên không công ty, xí nghiệp nào nhận vào làm. Tôi thực sự rất lo lắng cho tương lai của mình", ông Thắng than thở.

Bà Nguyễn Thị Thương, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hoà, Đồng Nai nói rằng khung giá đất hiện nay quá thấp. Vì vậy người dân bị thiệt thòi khi đất thuộc diện quy hoạch giải tỏa.

"Hiện nay giá đất thực tế rất cao. Ví dụ như tôi mua đất trồng cây lâu năm tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai với giá thực tế là khoảng 3 triệu/m2. Tuy nhiên giá nằm trong khung giá đất chỉ rơi vào khoảng 200.000 - 300.000 đồng/m2. Như vậy nếu khu đất này dính quy hoạch thì tôi sẽ chỉ được nhận về mức giá quá thấp so với giá thực tế. Đó chính là lý do nhiều người không chấp nhận mức tiền bồi thường hỗ trợ theo khung giá đất", bà Thương lý giải và cho rằng giải tỏa đất để làm dự án thì nên có mức bồi thường phù hợp theo thực tế để bên nào cũng vui vẻ. Có như vậy người dân mới có thể dễ dàng tìm được nơi ở mới, nhanh chóng bàn giao mặt bằng để làm dự án.

Nông dân sống khổ vì bị thu hồi đất với khung giá thấp (Bài 2) - Ảnh 4.

Còn ông Nguyễn Xuân Anh, ngụ khu phố Vườn Dừa, phường Phước Tân, TP.Biên Hoà, Đồng Nai cho hay khu đất của nhà ông ở thuộc diện quy hoạch dự án khu dân cư Đ.T. Thời gian qua ông và rất nhiều hộ dân khác liên tục phản ánh vì giá bồi thường đất tại dự án quá rẻ mạt so với giá thị trường, nên chưa có sự đồng thuận để thực hiện dự án.

"Ví dụ khu đất có diện tích 65m2, nhưng có quyết định bồi thường chỉ 200 triệu đồng tương đương khoảng trên 3 triệu/m2. Có những khu vực giá chỉ khoảng 2 triệu đồng/m2 nên chúng tôi không đồng ý. Thực tế khu đất đó nếu bán với giá thị trường thì lên đến tiền tỷ nên người dân không muốn thỏa hiệp. Chúng tôi mong muốn giá bồi thường phải phù hợp với thực tế. Có thể thấp hơn giá thị trường nhưng thấp hơn 10-20% thì chấp nhận được còn thấp hơn hàng chục lần thì khó", ông Anh nói.

Khung giá đất đã làm đình trệ nhiều dự án lớn tại Đồng Nai và gây ra nhiều xáo trộn trong thời gian dài. Có nhiều dự án lớn khi thu hồi đất mức giá bồi thường cho người dân chỉ là con số từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu/m2. Tuy nhiên các dự án này sau đó biến thành dự án "vàng", mức giá bán ra cao gấp hàng chục lần so với giá bồi thường khiến cho người dân bức xúc khiếu nại liên tục.

Nông dân sống khổ vì bị thu hồi đất với khung giá thấp (Bài 2) - Ảnh 5.

Khoảng tháng 4/2022, gần 100 hộ dân ở tổ 6, thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) gởi đơn thư đến các chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và báo chí với nội dung nhà và đất của họ nằm trong quy hoạch dự án KCN Đô thị và Sân golf Châu Đức do Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư. Nhưng 13 năm qua, dự án vẫn chưa được triển khai gây khó khăn cho đời sống và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Chia sẻ với phóng viên mới đây, các hộ dân cho biết khoảng năm 2007, Công ty CP Sonadezi Châu Đức tiến hành thực hiện Dự án KCN - Đô thị Châu Đức, nhiều diện tích đất nông nghiệp đang là sinh kế của các hộ dân ở tổ 6, thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành bị thu hồi. Người dân hoàn toàn đồng thuận và bàn giao đất theo yêu cầu của ngành chức năng. Các hộ dân chỉ còn lại phần diện tích nhà và đất ở.

Dự án KCN - Đô thị Châu Đức do Công ty CP Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô dự án 2.200 ha. Theo quy hoạch ban đầu, nhà và đất của các hộ dân ở đây nằm ngoài dự án.

Tuy nhiên, sau nhiều lần công ty xin điều chỉnh quy hoạch, quy mô dự án được điều chỉnh từ 2.200 ha lên thành 2.287ha. Phần diện tích đất mà dự án điều chỉnh tăng lên này gồm luôn cả 40ha đất và nhà của gần 100 hộ dân ở khu vực tổ 6, thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành. Dự án ban đầu là KCN - Đô thị Châu Đức cũng đổi thành KCN-Khu đô thị sân Golf và dự án đất nền phân lô.

Bài 3: Nông dân khốn đốn vì bị thu hồi đất với khung giá bèo bọt - Ảnh 4.

Người dân thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ phần đất của gia đình bị quy hoạch treo 13 năm đến nay chưa được giải quyết. Ảnh: Phong Bình

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, tổ 6, thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành cho biết, dự án đã lấy rồi nhưng nhiều năm trôi qua không tiến hành triển khai nên bà con chịu nhiều thiệt thòi. Đời sống, sinh hoạt của người dân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Từ đường xá đến đến nước sinh hoạt chúng tôi đều không có. Vì khó khăn nên con cái bỏ học đi làm xa, người dân thì không biết làm gì để trang trải cuộc sống. Chúng tôi yêu cầu nhà nước dở bỏ dự án này để chúng tôi an sinh xã hội tốt hơn, chúng tôi đã mất rất nhiều về đất nông nghiệp vì dự án này rồi", ông Hiệp bức xúc nói.

Còn bà Trần Thị Công, người dân sống lâu năm tại nơi đây than thở: "Mười mấy năm nay dân khổ quá rồi, về đường xá dân tự đắp tự xây, chúng tôi không được hỗ trợ một chính sách an sinh xã hội nào hết thì tiền đâu mà cho con đi học, đất đâu mà phát triển kinh tế. Tôi yêu cầu nhà nước xem xét đất của chúng tôi đã bị lấy làm này làm nọ rồi, giờ còn có nhiêu đây thì cũng "treo" luôn; đất đai không sang nhượng được giấy tờ, không cấp cho dân được làm sao dân phát triển được, con cái chúng tôi lấy gì mà ở?".

Nông dân sống khổ vì bị thu hồi đất với khung giá thấp (Bài 2) - Ảnh 7.

Mặc dù chịu nhiều khó khăn, bế tắc vì dự án "treo" hơn 13 năm qua, nhưng người dân nơi đây vẫn không biết kêu ai. Theo người dân, vấn đền này đã được khiếu nại nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đồng thời "kêu cứu" từ cấp xã đến đến cấp huyện, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết và chưa có một văn bản trả lời nào thỏa đáng.

Về vấn đề này ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho hay, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đang là nỗi trăn trở của doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong nhiều năm qua. Địa phương cố gắng tuyên truyền, vận động người dân để sớm bàn giao mặt bằng, đảm bảo hài hoà lợi ích theo quy định Nhà nước. Do giá bồi thường hiện vẫn căn cứ theo khung giá đất quy định của các địa phương nên người dân "chê" thấp, không chấp nhận.

Về nguyên nhân người dân không chịu nhận bồi thường, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Châu Đức cho biết, người dân cho rằng giá đất hiện nay chưa phù hợp, thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường nên kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần hỗ trợ thêm để họ ổn định cuộc sống. Cụ thể, ông Võ Đông Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Châu Đức cho biết, dự án KCN - Đô thị Châu Đức có tổng diện tích 2.077,25 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nông dân sống khổ vì bị thu hồi đất với khung giá thấp (Bài 2) - Ảnh 8.

Đến nay, dự án đã kiểm kê hiện trạng 2004,95 ha, đạt 96% diện tích dự án. Diện tích đất còn lại chưa kiểm kê là 72,28 ha thuộc xã Nghĩa Thành, trong đó, thôn Quảng Tây - khu vực người dân đang kiến nghị là 36,13 ha, phần diện tích còn lại 36,15 thuộc thôn Trung Nghĩa và thôn Sông Cầu. Hiện các ngành đang tập trung triển khai công tác kiểm kê diện tích của thôn Trung Nghĩa và thôn Sông Cầu trước. Nhưng do tình hình dịch bệnh, người dân không đồng thuận về giá đất nên công tác kiểm kê bị chậm.

Về nội dung kiến nghị của hộ dân ở tổ 6, thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành, UBND huyện đã giao cơ quan chức năng, Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND xã đã mời các hộ dân lên làm việc 2 lần để tuyên truyền, vận động chủ trương, chính sách của nhà nước khi thu hồi đất.

"Nhiều hộ dân cơ bản đồng thuận nhưng một số hộ có ý kiến về giá đất cho rằng như vậy là thấp. Trung tâm đã tham mưu UBND huyện thuê đơn vị tư vấn khảo sát lại giá đất cụ thể làm cơ sở công bố người dân. Người dân đồng thuận thì tiếp tục kiểm kê, nếu dân không đồng thuận thì tham mưu cơ quan có thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh", ông Võ Đông Giang lý giải.

(Còn nữa)

Nông dân sống khổ vì bị thu hồi đất với khung giá thấp (Bài 2) - Ảnh 9.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem