Nông dân Long Kiến ở An Giang thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, số hộ có thu nhập tiền tỷ tăng gấp 2 lần

Chủ nhật, ngày 18/12/2022 17:32 PM (GMT+7)
Long Kiến là xã thuần nông của huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 1.630ha, với 3 tiểu vùng đê bao khép kín, sản xuất quanh năm và một vùng ngoài đê bao. Nhiều năm qua, nông dân xã Long Kiến tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng tốt các tiến bộ KHKT giúp tăng thu nhập.
Bình luận 0

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Kiến Nguyễn Ngọc Thành cho biết: “Bình quân hàng năm, số lượng hội viên nông dân được xét chọn nông dân giỏi các cấp tăng. So với 5 năm trước, số hộ có mức thu nhập trên 150 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 2 lần. Phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, như: Nuôi cá lóc làm khô tại ấp Long Bình (đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao), trồng sầu riêng ứng dụng công nghệ cao của ông Võ Văn Em, nuôi bò, mô hình trồng màu trong nhà lưới...”.

Nông dân Long Kiến ở An Giang thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, số hộ có thu nhập tiền tỷ tăng gấp 2 lần - Ảnh 1.

Nông dân xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trồng sầu riêng cho thu nhập cao

Nông dân từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình hợp tác sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, xã có 1 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 6 tổ hợp tác sản xuất, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; 1 chi hội nghề nghiệp, 4 tổ hội nghề nghiệp; 1 hội quán, gồm nhiều ngành nghề, như: Trồng lúa, hoa màu, làm vườn, chăn nuôi. Có nhiều hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tham gia làm thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Long Kiến đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi thử nghiệm các loại giống cây trồng và nhân rộng trên địa bàn, như: Hộ ông Lê Trường Giang trồng sầu riêng - ổi Rubi; ông Nguyễn Ngọc Hiếu trồng dâu - táo các loại; ông Nguyễn Hữu Hiền trồng màu chuyên canh; ông Nguyễn Hữu Diễng trồng vườn mít, dừa. 

Đặc biệt, có hơn 40 nông dân thấy được hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng nên đã mạnh dạn chuyển dịch từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Tính đến nay, toàn xã có gần 300ha đất trồng cây ăn trái (gần 47ha sầu riêng).

Nông dân Nguyễn Văn Quốc (ngụ ấp Long An, xã Long Kiến) chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất lúa là chủ yếu. Những năm gần đây do thời tiết thất thường, năng suất lúa thấp, giá cả bấp bênh, đời sống khó khăn, đất sản xuất nông nghiệp ít, nên thu nhập trong năm chỉ đủ ăn. Đến năm 2010, tôi có tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, nhờ có lớp học này giúp tôi tiếp thu được đầy đủ các kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi. Học hỏi thêm kinh nghiệm của những nông dân nuôi bò vỗ béo, tôi đã mua 2 con bò giá 35 triệu đồng. Sau 9 tháng nuôi, tôi bán được 55 triệu đồng, trừ chi phí tôi lãi 20 triệu đồng”.

Nông dân Long Kiến ở An Giang thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, số hộ có thu nhập tiền tỷ tăng gấp 2 lần - Ảnh 2.

Mô hình trồng nho móng tay không hạt tăng hiệu quả kinh tế và phục vụ du lịch ở xã Long Kiến

Nhờ được sự hỗ trợ của hội nông dân xã giới thiệu cho vay vốn, ông Quốc đã mạnh dạn xây chuồng và mua thêm 6 con bò về nuôi. Tận dụng đất trồng lúa kém hiệu quả và vườn tạp xung quanh nhà để trồng cỏ, trồng bắp…

“Sau khi thu hoạch bắp, tôi lấy thân và lá làm thức ăn cho bò sau thời gian nuôi vỗ béo, tôi xuất bán được 180 triệu đồng, lợi nhuận 65 triệu đồng, tăng thu nhập cho gia đình. Từ những con bò đầu tiên, hiện nay số lượng đàn bò nhà tôi và anh, em trong tổ hợp tác đã nâng lên 20 con. Với quy mô chăn nuôi bò vỗ béo mỗi năm, tôi thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng” - ông Quốc cho biết.

Anh Lê Trường Giang (chủ vườn sầu riêng Tám Long, ấp Long An, xã Long Kiến) cho biết: “Vườn sầu riêng của gia đình tôi rộng 4.000m2, trồng được 7 năm, giống Ri 6. Sầu riêng trồng hơn 3 năm thì thu hoạch, hiệu quả kinh tế rất cao. Đầu ra ổn định hơn những loại cây trồng khác. Hiện, tôi đang đăng ký thương hiệu sầu riêng sạch Tám Long, đăng ký sản phẩm OCOP và mở rộng thị trường bán ra các tỉnh, vào siêu thị, trung tâm thương mại”.

Với mô hình trồng rau màu theo hướng an toàn giúp nông dân Nguyễn Hữu Hiền (ở ấp Long Hòa 2, xã Long Kiến) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hiền cho biết, năm 2015, được được sự hỗ trợ của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Chợ Mới hướng dẫn kỹ thuật về mô hình trồng rau, màu an toàn. Hình thành tổ sản xuất rau, màu an toàn gồm 9 thành viên, với diện tích 2,1ha. Nông dân trồng nhiều chủng loại, như: Rau muống, rau dền, cải, mồng tơi, hành, ngò, ớt, khổ qua, dưa leo… để cung cấp cho bà con trong và ngoài xã. Ban đầu thành lập còn nhiều lúng túng, chưa có sự phân bổ để trồng loại nào phù hợp thị trường.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các ngành, Trạm Bảo vệ Thực vật, Trạm Khuyến nông, đặc biệt là sự quan tâm của Hội Nông dân xã Long Kiến, thường xuyên hướng dẫn, mời tham gia các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo thời gian cách ly an toàn… Cộng với giá cả thời gian gần đây tương đối ổn định, nên nông dân từng bước mở rộng diện tích, số hộ tham gia ngày càng nhiều.

Đến nay, có 12 thành viên thực hiện trên 3,4ha. Bà con tận dụng tối đa diện tích quanh nhà, sân bãi để mở rộng diện tích, trồng nhiều chủng loại, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng; góp phần giải quyết việc làm cho nông dân và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bình quân mỗi hộ trồng từ 1.000 - 5.000m2; mỗi năm sản xuất từ 4 - 6 vụ; thời gian thu hoạch mỗi vụ từ 35 - 45 ngày; năng suất bình quân từ 1 - 1,5 tấn/công tùy theo loại rau màu, trừ các chi phí (40%) thì lợi nhuận từ 3 - 3,5 triệu đồng/1.000m2/vụ.


HẠNH CHÂU (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem