Nông dân mới Thái Nguyên, ứng dụng chuyển đổi số, nông dân khỏe trong sản xuất, tiêu thụ nông sản

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ tư, ngày 08/03/2023 10:38 AM (GMT+7)
Nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mở rộng được thị trường, tiếp cận khách hàng nhanh chóng, từ đó hàng hoá bán ra dễ dàng với số lượng lớn hơn.
Bình luận 0

Trong xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã giúp nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm đồng thời mở rộng thị trường, từ đó hàng hoá tiêu thụ được dễ dàng hơn.

Chuyển đổi số đã mang lại những hiệu quả rõ rệt trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Clip: Hà Thanh

Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chăn nuôi gia cầm mang lại hiệu quả cao

Anh Phạm Văn Trường – Một trong những chủ trang trại sản xuất con giống gia cầm quy mô lớn nhất hiện nay trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Nhiều năm nay, gia đình anh đã ứng dụng công nghệ thông minh trong chăn nuôi, từ đó giúp việc sản xuất được thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều.

Cụ thể, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại theo hướng hiện đại, anh Trường còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất với quy mô 20.000 gà mẹ và 17 lò ấp hoạt động quanh năm. Tất cả quy trình sản xuất chăn nuôi trong trang trại đều được vận hành bằng hệ thống công nghệ thông minh tự động và bán tự động kết nối với điện thoại, máy tính.

Nông dân Thái Nguyên được gì khi ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm? - Ảnh 2.

Bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, chăn nuôi đã giúp nâng cao chất lượng và tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất chăn nuôi của gia đình anh Trường. Ảnh: Hà Thanh

Qua đó, anh có thể điều khiển, kiểm soát, giám sát các thông số kỹ thuật về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, cường độ ánh sáng,... cho phù hợp với con gà và tránh được những rủi ro do tác động của môi trường không cần thiết.

Về hệ thống cảm biến nhiệt, nếu nhiệt độ chuồng nuôi lên cao, hệ thống sẽ tự động bật quạt thông gió. Trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời lên quá cao, hệ thống làm mát bằng nước sẽ tự động bật. Còn nếu nhiệt độ xuống thấp dưới mức bình thường thì hệ thống quạt tự động sẽ giảm dần. Như vậy, nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn được kiểm soát, phù hợp với sự phát triển của gà trong từng thời điểm. Tương tự, đối với các hệ thống như chiếu sáng và cung cấp nước uống cũng như vậy.

Công nghệ hiện đại nhất hiện nay trong hệ thống chuồng trại của gia đình anh Trường là hệ thống bạt chắn. Đây là bước đột phát trong quy trình xây dựng chuồng trại, đặc biệt đối với trại nuôi gà công nghiệp như hiện nay.

Với hệ thống này, anh Trường có thể điều khiển bạt chắn mở ra, đóng vào một cách tự động thông qua điện thoại. Điều này sẽ giúp con gà tránh được rất nhiều rủi ro do tác động từ môi trường bên ngoài.

Điều đặc biệt, hệ thống này được trang bị bộ giảm giật giúp cho bạt chắn mở ra đóng vào rất nhẹ nhàng và êm ái, không tạo ra tiếng động lớn đột ngột. Việc này sẽ giúp cho con gà không bị hoảng loạn bởi tiếng động khi đóng bạt.

Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất đã giúp cho gia đình anh Trường tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nhất là chi phí nhân công và đầu tư. Ngoài ra còn giúp gia đình anh quản lý quá trình sản xuất được tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm con giống, tránh được rất nhiều rủi ro, thiệt hại về kinh tế.

Ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm giúp hàng hoá bán ra dễ dàng

Chị Nguyễn Thị Như Trang – Giám đốc HTX Trà Sơn Dung (TP.Thái Nguyên) chia sẻ: Trước đây gia đình chị chủ yếu bán chè theo cách truyền thống nên sản lượng chè bán ra mỗi năm không được nhiều và thương hiệu chè cũng chưa được nhiều người biết đến.

Nhưng kể từ khi HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm bằng việc tiếp cận với công nghệ 4.0, từ đó HTX tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm của đơn vị thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Điển hình như bán hàng trên tài khoản shopee mon. Từ đây, HTX ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng qua tài khoản này. Bên cạnh đó, HTX còn đưa các sản phẩm lên kênh tiktok shop, tài khoản tiktok cá nhân, trang facebook, zalo, các fanpage và thành lập website của HTX để quảng bá hình ảnh sản phẩm cho nhiều khách hàng biết đến và bán hàng trên đó.

Nông dân Thái Nguyên được gì khi ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm? - Ảnh 3.

Từ khi đưa sản phẩm của HTX lên các sàn thương mại điện tử đã giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của HTX Trà Sơn Dung dễ dàng hơn, thị trường ngày càng rộng mở. Ảnh: Hà Thanh

Cũng theo chị Trang, thông qua các sàn thương mại điện tử đó là cơ hội để HTX quảng bá hình ảnh sản phầm cũng như cách thức chế biến và sản xuất trà đến khách hàng rất dễ dàng và hiệu quả. Khác với trước đây, việc quảng bá sản phẩm theo cách truyền thống vô cùng khó khăn.

"Từ khi áp dụng chuyển đổi số vào việc tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi nhận thấy hình ảnh, chất lượng sản phẩm và giá trị thương hiệu của HTX được nâng lên rất nhiều, lượng khách hàng tiếp cận và biết đến sản phẩm của HTX cũng tăng lên đáng kể, nhờ đó thị trường tiêu thụ mở rộng, lượng khách hàng tìm đến sản phẩm của HTX ngày càng lớn, từ đó doanh thu cũng tăng lên rất nhiều", chị Trang cho biết thêm.

Chuyển đổi số giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm từ 20 – 70%

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại hiện nay bằng việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Do đó xác định ứng dụng công nghệ số vào xây dựng nông thôn mới nói chung sẽ bắt đầu từ các khâu: tổ chức thực hiện, quản lý cho đến việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đều có ý nghĩa rất lớn.

Thời gian vừa qua, trong quá trình tập huấn, đào tạo, tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng đã gắn kết để đưa các nội dung chuyên đề này vào triển khai thực hiện giúp người dân hiểu được tầm quan trọng và xác định đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Trong sản xuất, tuỳ từng điều kiện của các địa phương, các HTX và cơ sở sản xuất mà có thể ứng dụng chuyển đổi số từ khâu sản xuất đến khâu chế biến. Đặc biệt trong những năm qua, thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", để các sản phẩm đạt được tiêu chuẩn hoá sản phẩm OCOP, các địa phương cũng đã áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất tương đối lớn. Từ đó việc ứng dụng thương mại điện tử đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP trở nên rất thuận lợi.

"Do đó, từ năm 2021 đến nay, việc các HTX cũng như các địa phương ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, sản xuất đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm đã rất thành công. Chính vì vậy, các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã được quảng bá rộng rãi trên toàn quốc, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhờ đó, giá thành và giá trị gia tăng của các sản phẩm này tăng lên rất cao, ít nhất từ 20% trở lên. Thậm chí có những sản phẩm tăng từ 50 – 70% giá trị gia tăng, doanh thu của các HTX trên địa bàn đều tăng. Đây là thành công rất lớn trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp", ông Hưởng cho biết.

Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm của nông dân từ 20 – 70% mà còn giúp từng bước xây dựng, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ đạt chuẩn nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem