dd/mm/yyyy

Nông dân Mường Nhé vượt khó từ nguồn tín dụng chính sách

Hội Nông dân Mường Nhé (Điện Biên) phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt các chương trình ủy thác nguồn vốn vay ưu đãi đến tay người dân,

Mường Nhé tìm vốn về cho dân nghèo

Để thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Mường Nhé luôn bám sát nội dung ủy thác, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, các văn bản chỉ đạo của NHCSXH các cấp, chỉ đạo các cấp hội cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trực thuộc Hội quản lý thực hiện đúng chủ trương Đảng, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

Nông dân Mường Nhé vượt khó từ nguồn tín dụng chính sách   - Ảnh 1.

Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Mường Nhé luôn bám sát nội dung ủy thác, thực hiện đúng chủ trương Đảng, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo. Ảnh: Thu Hường

Hội cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như lồng ghép với các hội nghị và các buổi sinh hoạt của các Chi hội ở cơ sở. Đến nay,  cơ sở Hội đã thực hiện nhận uỷ thác với NHCSXH huyện; có 47 tổ TK&VV do Hội Nông dân quản lý với số vốn ủy thác là 85 tỷ 343 triệu đồng.

Trong đó, đối tượng được quan tâm đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 80% tổng dư nợ. Từ chương trình này, đã có rất nhiều hộ nghèo được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mường Nhé giúp dân dùng vốn hiệu quả

Gia đình ông Sừng Xè Lòng, bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn là một trong những hộ thoát nghèo từ nguồn vốn vay NHCSXH huyện. Năm 2018, gia đình ông được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay ưu đãi số tiền 40 triệu đồng để mua 2 con trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đàn trâu không ngừng gia tăng về số lượng. Giờ đã phát triển thêm được 4 con.

Cũng là một hộ khó khăn, gia đình ông Chang Cà Xá, bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH số tiền 40 triệu đồng để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với số vốn đó, ông Xá đã mua 4 con dê, 1 con trâu và một số loại gia cầm nuôi sinh sản. Nhờ sử dụng đồng vốn đúng mục đích, ham học hỏi và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn dê hiện đã phát triển lên hơn 40 con. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông đã không còn khó khăn như trước. 

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp điển hình trong vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Nông dân Mường Nhé vượt khó từ nguồn tín dụng chính sách   - Ảnh 3.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi mà gia đình ông Sừng Xè Lòng, bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Thu Hường

Những năm qua, với vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách, Hội Nông dân huyện Mường Nhé và phòng giao  NHCSXH đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện. Hàng năm, chủ động tham mưu với Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH chỉ đạo thực hiện sát sao các chương trình vốn nói chung, đặc biệt là nguồn vốn chương trình hộ nghèo.

Đồng thời phối hợp với các tổ chức hội làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; chủ động phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, các tổ chức đoàn thể nắm danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn. Từ đó giải ngân kịp thời và hướng dẫn hộ nghèo sử dụng nguồn vốn phù hợp.

Tính đến hết năm 2021, tổng nguồn vốn tín dụng đạt trên 295 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt trên 280 tỷ đồng. Tổng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo toàn huyện tính đến đầu tháng 2/2022 đạt 161 tỷ đồng và dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt 11 tỷ đồng.

Nông dân Mường Nhé vượt khó từ nguồn tín dụng chính sách   - Ảnh 4.

Với huyện nghèo Mường Nhé, tín dụng chính sách xã hội đã mang lại hiệu quả rất lớn. Giúp nhiều nông dân vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Thu Hường

Với huyện nghèo Mường Nhé, tín dụng chính sách xã hội đã mang lại hiệu quả rất lớn. Từ kênh tín dụng chính sách tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân; dần thay đổi tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chương trình tín dụng chính sách xã hội và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các hội, đoàn thể nhận ủy thác đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, ổn định an ninh, chính trị, xây dựng nông thôn mới trên vùng đất cực Tây của Tổ quốc.

Thu Hường