dd/mm/yyyy

Nông dân Mỹ cũng không tránh khỏi tình trạng 'được mùa, mất giá'

Vì Covid-19 và cả những trục trặc trong thoả thuận thương mại với Trung Quốc, nhiều nông sản ở miền Trung Tây đang dư thừa, giảm giá.

Sau vụ mùa năm ngoái với lượng mưa lớn và chiến tranh thương mại gay gắt, nông dân Mỹ hy vọng năm 2020 sẽ là thời điểm để bù đắp tổn thất. Nhưng thay vào đó, tình hình đã trở nên tệ hơn với nhiều người vì giá nông sản vẫn giảm.

Bất chấp một cơn bão đã quét qua các trang trại ở miền Trung Tây vào tuần trước và thời tiết hạn hán cục bộ vài nơi, cả ngô và đậu tương được dự báo vẫn có một vụ mùa bội thu năm nay. Và vấn đề là ngô cũng đang thừa.

"Nhìn chung tình hình thương mại đang đi đến kết quả rằng vẫn sẽ dư cung ngô ở Mỹ và thế giới", Tomm Pfitzenmaier, nhà phân tích của Des Moines thuộc Summit Commodity Brokerage tại Iowa, cho biết.

Dự báo càng được củng cố khi cuối tuần trước, sau chuyến khảo sát nông nghiệp kéo dài một tuần qua 7 tiểu bang, Pro Farmer, hãng truyền thông và tin tức nông nghiệp Mỹ, cho biết năng suất ngô đang ở mức gần 12 tấn mỗi ha và năng suất đậu tương là hơn 3,5 tấn mỗi ha. Con số này thấp hơn một chút so với ước tính trước đó của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhưng cao hơn so với mùa vụ năm 2019.

Nông dân Mỹ cũng không tránh khỏi tình trạng 'được mùa, mất giá' - Ảnh 1.

Ngô bị gãy ngọn ở một trang trại miền Trung Tây nước Mỹ gây ảnh hưởng sản lượng nhưng dự báo vụ mùa vẫn sẽ bội thu. Ảnh: Zuma Press.

Đối với nhiều nông dân Mỹ, viễn cảnh giá ngũ cốc ở mức thấp là không thể chấp nhận được. "Hàng ngày chúng tôi phải vật lộn để quyết định phải làm gì trong năm tới", Doug Sombke, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Nam Dakota và một nông dân trồng 1.200 ha ngô và đậu tương ở Hạt Brown, nói.

Ông Sombke cho biết các vựa ngũ cốc địa phương đang trả 2,87 USD cho một giạ ngô, thấp hơn gần một USD để có thể hòa vốn. Điều tương tự cũng diễn ra với giá đậu tương, với khoảng 8,5 USD mỗi giạ (mỗi giạ khoảng 35 lít).

Giá ngô và đậu tương không tăng kể từ đầu năm. Hồi tháng 1, việc ký kết hiệp định thương mại giai đoạn một Mỹ - Trung Quốc quy định Trung Quốc sẽ mua 36,5 tỷ USD hàng hóa nông nghiệp từ Mỹ. Điều này khiến nông dân hy vọng nhu cầu xuất khẩu từ Trung Quốc sẽ giúp nâng giá hai mặt hàng này. Thay vào đó, giá ngô tương lai kỳ hạn tích cực nhất trên sàn hàng hóa Chicago đã giảm 16% kể từ đầu năm, trong khi lúa mì giảm gần 6% và đậu tương giảm gần 5%.

Nhập khẩu ngô, đậu tương và lúa mì của Trung Quốc cao hơn 144% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cơ quan Nông nghiệp nước ngoài của USDA. Nhưng sự bùng phát của đại dịch ở Mỹ vào tháng 3 đã cản trở nhu cầu nội địa đối với ngũ cốc, khi các nhà hàng và các tổ chức khác trên toàn quốc đóng cửa.

Nếu tình hình không nhanh chóng được cải thiện, ông Sombke cho biết có thể buộc phải nghỉ làm nông. "Chúng tôi có một số lựa chọn để thực hiện", ông nói, "Ba năm qua, chúng tôi đã mất vốn chủ sở hữu trong trang trại của mình. Chúng tôi có muốn tiếp tục làm điều đó không?".

Tỷ lệ phá sản đang cao ở các bang nông nghiệp. Khoảng 580 nông dân đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tính đến ngày 30/6, theo dữ liệu liên bang. Dữ liệu gần đây hơn từ Fed chi nhánh Kansas cho thấy việc thu hồi khoản vay của các nông trại dự kiến giảm mạnh trong ba tháng tới.

"Chúng ta bước vào Covid-19 với rất nhiều hoạt động đang gặp khó khăn", Brian Philpot, Giám đốc điều hành của Lakeland (Florida) nhận xét. Theo ông, hầu hết các vụ phá sản được báo cáo là các trang trại gia đình nhỏ. Trong khi các cơ sở nông nghiệp lớn hơn đang tận dụng cơ hội để mua đất từ những nông dân gặp khó khăn.

Viện trợ của chính phủ dưới hình thức hỗ trợ từ USDA và Chương trình hỗ trợ lương thực do Covid-19 trị giá 19 tỷ USD đã giúp giảm thiểu thiệt hại tài chính do giá hàng hóa thấp, nhưng nông dân cho rằng đó chỉ là biện pháp tạm thời.

"Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự hỗ trợ từ chính phủ liên bang", Richard Guebert Jr., Chủ tịch Illinois Farm Bureau và một nông dân trồng ngô, đậu nành và lúa mì ở đông nam Illinois cho biết. "Nhưng chúng tôi thực sự mong muốn có được doanh thu từ thị trường", ông nói thêm.

Nông dân Mỹ cũng không tránh khỏi tình trạng 'được mùa, mất giá' - Ảnh 2.

Một quả ngô trong trang trại ở miền Trung Tây nước Mỹ vụ mùa năm nay. Ảnh: Zuma Press

Mặc dù thời tiết ở Trung Tây đã hỗ trợ nhiều hơn cho việc canh tác so với năm ngoái, nhưng vụ mùa năm nay vẫn chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Đầu tháng này, một cơn bão mạnh mẽ với sức gió hơn 160 km/h quét qua phần lớn vùng chuyên canh ngô Corn Belt, gây thiệt hại tài sản và cây trồng. Gió đã bẻ rất nhiều ngô tại Iowa khỏi thân và phá hủy các thùng chứa ngũ cốc mà nông dân đang trữ lại để chờ bán khi giá tăng.

Những người nông dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão đang gấp rút thu hoạch và bảo quản ngô trước khi chúng bị thối rữa. Brian Grete, một biên tập viên của Pro Farmer dẫn đầu chuyến khảo sát ở chặng phía đông cho biết nông dân đã có một vụ mùa rất tốt trước khi có gió bão. "Giờ đây là một cuộc đua xem có thể đóng gói thành phẩm được bao nhiêu trước khi hết giờ" ông nói.

Khi giá ngũ cốc thấp, nông dân thường cố gắng trồng các loại cây sản lượng lớn hơn để bán được nhiều hơn và trang trải chi phí. "Nếu giá hàng hóa thấp và sản lượng thấp, thì đó là điều vô cùng khó khăn", Guebert nói.


Phiên An