Nông dân nhiều nước bỏ trồng, Việt Nam sẽ giữ vững vị trí số 1 thế giới về sản xuất một loại hạt?

K.Nguyên Thứ ba, ngày 09/05/2023 18:33 PM (GMT+7)
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh sẽ là yếu tố giúp nâng đỡ thị trường, giúp giá tiêu và xuất khẩu tiêu của Việt Nam tăng trưởng.
Bình luận 0

Giá tiêu tăng đột biến

Do sức mua tăng cao từ thị trường Trung Quốc, giá tiêu đen tại thị trường nội địa 4 tháng đầu năm 2023 có sự biến động theo chiều hướng tăng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu ghi nhận ở mức thấp trong tháng 1/2023, sau đó có xu hướng tăng trở lại trong tháng 2 và tháng 3, duy trì quanh mức bình quân 64.000 – 65.000 đồng/ kg. 

Bước sang tháng 4/2023, giá tiêu đen tại thị trường nội địa nhìn chung khá ổn định và có xu hướng tăng thời điểm cuối tháng. Cụ thể, cuối tháng 4/2023, giá tiêu đen tăng từ 3.000 – 3.500 đồng/kg (tùy từng khu vực) so với cuối tháng 3/2023, lên mức 67.000 – 69.500 đồng/kg.

Đáng chú ý, trong tháng 4/2023, giá tiêu đen và trắng xuất khẩu giảm tại Indonesia, duy trì ổn định tại Brazil và Malaysia nhưng tăng tại Việt Nam. 

Tại Brazil, ngày 28/4/2023, giá hạt tiêu đen xuất khẩu duy trì ổn định ở mức 2.950 USD/tấn so với cuối tháng 3/2023. 

Trong khi đó, tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/4/2023, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng tăng 50 USD/tấn so với cuối tháng 3/2023, lên mức 3.275 USD/tấn và 3.325 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 50 USD/tấn so với cuối tháng 3/2023, lên mức 4.830 USD/tấn.

Nông dân nhiều nước bỏ trồng, Việt Nam sẽ giữ vững vị trí số 1 thế giới về sản xuất một loại hạt? - Ảnh 1.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong thời gian tới, giá tiêu vẫn được hưởng lợi nhờ nguồn cung hạn chế. Ảnh: Báo Gia Lai.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong thời gian tới, giá hạt tiêu vẫn được hưởng lợi nhờ nguồn cung hạn chế. 

Theo báo cáo tháng 4/2023 của Nedspice (Công ty nhập khẩu gia vị trụ sở chỉnh ở Hà Lan), nông dân Indonesia và Brazil đang có xu hướng bỏ cây tiêu, chuyển sang cây trồng có lợi nhuận cao hơn. Năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Brazil giảm 8% so với năm trước. 

"Sự suy giảm liên tục trong sản xuất hạt tiêu đã dẫn đến giảm mức dự trữ toàn cầu. Khi Việt Nam kết thúc vụ thu hoạch, dự kiến nguồn cung sẽ thiếu hụt vào nửa cuối năm nay", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Nhu cầu tiêu tại Trung Quốc tăng, động lực thúc đẩy thị trường

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 76.200 tấn, trị giá 233,45 triệu USD, tăng 41,1% về lượng, nhưng giảm 7,3% về trị giá so với quý IV/2022, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 40,3% về lượng và tăng 16,5% về trị giá. 

Dự báo quý II/2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khả quan nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ..., bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Mỹ và EU.

Đáng chú ý, trong quý I/2023, tốc độ xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 3 con số so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. 

Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong quý I/2023, giá trị nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc đạt xấp xỉ 7,25 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022. 

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 24,71% trong quý I/2023. 

Còn theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong 2 tháng đầu năm 2023, thị trường Mỹ nhập khẩu hạt tiêu đạt trên 57 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Mỹ chiếm 77,22% trong quý I/2023.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, năm 2022, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu giảm do ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc. Mặc dù vậy, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của các thị trường ở mức cao. Do đó, tăng trưởng nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc đã tác động tích cực lên ngành hạt tiêu nước ta.

Trong những tháng đầu năm 2023, nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường EU, Nhật Bản, Anh giảm do nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Bên cạnh đó, giá hạt tiêu năm 2023 thấp hơn so với năm 2022 cũng đã ảnh hưởng đến trị giá nhập khẩu mặt hàng này. 

Ngược lại, Mỹ và Trung Quốc tăng nhập khẩu hạt tiêu từ thế giới, đã tác động tích cực lên ngành hạt tiêu nước ta, bởi đây là 2 thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam. 

Nhìn chung, thị trường hạt tiêu thế giới vẫn sẽ đối mặt với khó khăn trong quý II/2023 do nhu cầu tiêu thụ tại các nền kinh tế lớn như EU, Mỹ, Anh, Nhật Bản … chậm lại. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh sẽ là yếu tố giúp nâng đỡ thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem