Nông dân nuôi bò nhiều nhất ở Tây Bắc là ai, nuôi mấy trăm con?

Vinh Duy Thứ hai, ngày 02/05/2022 19:05 PM (GMT+7)
Hơn 20 năm nuôi bò trên thảo nguyên Tá Miếu, xã Sín Thầu, Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, ông Chang Váng Sinh (dân tộc Hà Nhì) đã có một cơ ngơi mà nhiều người mơ ước với đàn bò hơn 200 con. Có lẽ ông là nông dân nuôi nhiều bò nhất Tây Bắc.
Bình luận 0

Hơn 200 con bò trên thảo nguyên đã đem lại cho ông Sinh thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Người dân nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc vẫn gọi ông với cái tên thân mật "Vua bò".

20 năm làm nghề chăn bò

Nhấp chén nước chè, ông Chang Váng Sinh kể về những ngày khốn khó cách đây hơn 20 năm: "Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm, phát hết quả đồi này đến cánh rừng khác, làm quần quật cả ngày cũng không đủ để nuôi 10 miệng ăn trong nhà. 8 đứa con nheo nhóc, cơm độn ngô cũng không đủ ăn chứ không nói chuyện học hành. Tôi cũng nghĩ ra nhiều cách làm ăn, nhưng không có tiền để đầu tư, đành chấp nhận số nghèo".

Trên thảo nguyên Tá Miếu, đất đai rộng lớn, nhưng cái nghèo, cái khó vẫn đeo đuổi hơn 1.000 hộ người Hà Nhì nơi ngã ba biên giới quanh năm lộng gió.

Năm 1997, Nhà nước hỗ trợ các xã nghèo gia súc để nuôi luân chuyển, gia đình ông Sinh được 10 con bò, với cam kết sau 3 năm nuôi, ông phải chuyển giao bò mẹ cho các gia đình khác.

"Bây giờ chẳng có bệnh nào trên đàn bò mà tôi không biết, chỉ cần có biểu hiện là tôi tiêm thuốc ngay, cách ly những con bị bệnh, có chế độ chăm sóc đặc biệt để bò nhanh hồi sức", ông Sinh tâm sự.

Có "cần câu cơm" trong tay, ông Sinh tập trung phát triển chăn nuôi, chỉ sau 3 năm tài sản của ông từ hai bàn tay trắng đã có được chút vốn kha khá với 7 con bê con.

"Cỏ nhiều thế này mà nuôi bò không lớn mới là lạ, cơ ngơi của tôi có được như ngày hôm nay từ 10 con bò luân chuyển được nhà nước hỗ trợ. Nuôi bò đơn giản, ở nơi này cỏ non rất nhiều, sau Tết Nguyên đán, tôi thả bò vào rừng, vài ngày lại đi kiểm tra, cứ thế đến hết mùa mưa thì đưa đàn bò về trú đông, tránh rét tại bản"- ông Sinh kể lại.

gop/ “Vua bò” ở cực Tây Tổ quốc - Ảnh 1.

Sau 20 năm, từ 10 con bò luân chuyển đến nay ông Chang Váng Sinh đã có đàn trâu, bò hơn 200 con. Ảnh: Vinh Duy

Để đàn bò phát triển tốt, ông Sinh đã dự trữ nguồn thức ăn cho bò trong mùa đông, để bò có thức ăn, có sức chống chịu cái rét cắt da, thịt nơi biên viễn này. Thức ăn cho bò được ông dự trữ chủ yếu là rơm khô và rơm ủ muối.

"Ở đây rét lắm, mùa đông cả đàn bò vài trăm con, mình phải dự trữ thức ăn, không thể thả rông như trước" -ông Sinh tâm sự.

Đàn bò đang sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2009 tai ương ập xuống gia đình ông cũng như những người dân nuôi trâu, bò trong bản Tá Miếu.

"Năm đấy trời lạnh hơn, sương trắng thảo nguyên, tôi rất lo cho đàn trâu, bò. Bàn với vợ, làm xong cái bếp sẽ vào rừng đưa trâu, bò về. Chưa kịp đi kiểm tra đàn trâu, bò thì người dân trong bản báo tin, đàn bò của tôi bị chết 2 con trong núi. Lòng như lửa đốt, tôi cùng vợ đi kiểm tra thấy trâu bò bị bệnh lở mồm long mong, mấy trăm con đều bị" -ông Sinh cho biết.

Dịch lở mồm long móng từ bên kia biên giới tràn vào bản Tá Miếu đã làm cho người chăn nuôi ở đây lao đao, "đầu cơ nghiệp" cứ chết dần. "Có ngày nhà tôi chết đến 3 con bò, 5 con trâu, cứ thấy dân bản chạy về báo tin, trâu, bò chết ở đâu tôi như đứt từng khúc ruột. Lại mất công đến nơi, đào hố khử trùng để tiêu hủy những con chết vì bệnh"- ông Sinh ngậm ngùi nhớ lại.

Thiệt hại cho đàn trâu, bò của nhà ông nên đến gần 1 tỷ đồng khi 40 con bò, gần 50 con trâu bị chết vì bệnh chỉ trong vòng hơn 1 tháng. 

"Ngày đấy làm gì đã có đường ôtô để đi mua vaccine về tiêm, tôi phải sang Trung Quốc mua thuốc về chăm những con bị bệnh". Nhờ chữa kịp thời, ông Sinh đã cứu được đàn bò hơn 200 bị "diệt vong". 

Nông dân nuôi nhiều bò nhất Tây Bắc

Cũng từ trận dịch "khủng khiếp" trên đàn gia súc đã giúp ông Sinh thêm kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Bây giờ, mỗi năm 2 lần ông Sinh đều đặn mua vaccine, thuê cán bộ thú ý xã đến tiêm phòng cho đàn gia súc.

Sau hơn 20 năm chăm bẵm đàn bò, bây giờ ông Sinh đã thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm từ bán bò và phân bò. 

"Cứ 3 ngày tôi lại dọn chuồng một lần, thu vài chục bao phân bò, bán qua biên giới cũng được hơn 2 triệu đồng. Trước đây mình không biết, thả rông bò trên rừng, mất một nguồn thu lớn, bây giờ thì yên tâm rồi vừa bán mấy trăm bao phân thu về hơn chục triệu"- ông Sinh chia sẻ.

Nói là thả rông bò trên rừng, nhưng ông Sinh cũng có kinh nghiệm gọi bò về chuồng, cũng như kiểm tra đàn bò.

Theo ông Sinh, chỉ cần nghe tiếng mõ đeo trên cổ của con đầu đàn là ông biết đàn bò của ông đang ở đâu. Muốn gọi bò về chuồng chỉ cần cho con đầu đàn ăn muối, dắt nó về là cả đàn sẽ về theo, không thiếu một con.

"Đàn bò này là cứu cánh của gia đình tôi. 8 đứa con được ăn học tử tế cũng nhờ đàn bò này. Mỗi năm, tôi bán vài chục con, lấy nguồn đấy để nuôi các con, giờ lại hỗ trợ bố mẹ chúng nó nuôi các cháu ăn học" - ông Sinh tâm sự.

Hiện nay, 8 người con của ông Sinh đều ra ở riêng, mỗi người đều được ông chia "của hồi môn" mấy con trâu, bò cho làm tài sản ban đầu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem