Nông dân nuôi bò sữa thua lỗ, phá sản là thực trạng khó tránh khỏi

Mai Hương Thứ sáu, ngày 11/09/2015 07:15 AM (GMT+7)
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với các cơ chế và chính sách cho ngành chăn nuôi bò sữa thiếu và yếu như hiện nay thì việc nông dân nuôi bò sữa thua lỗ, phá sản và phải nhường chỗ cho sữa nguyên liệu ngoại nhập là thực trạng khó tránh khỏi .
Bình luận 0

Có phải do sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến sữa nên Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu sữa nguyên liệu mỗi năm?  Câu hỏi này tiếp tục được đặt ra với các chuyên gia kinh tế cùng ý kiến của chính các doanh nghiệp chế biến sữa trong nước.

Chưa có “bột”…

Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, 3-4 năm qua số lượng bò sữa và sản lượng sữa trong nước không ngừng tăng, từ 142,7 nghìn con (năm 2011) lên 227,6 nghìn con (năm 2014). Năng suất sữa cũng được cải thiện, vì vậy, sản lượng nguyên liệu sữa tươi cũng tăng đáng kể từ 345,44 nghìn tấn (năm 2011) lên 547,2 nghìn tấn (năm 2014).

img

Chăn nuôi bò sữa ở hộ gia đình tại Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế thương mại Phạm Tất Thắng, thực tế hiện ngành chăn nuôi bò sữa vẫn chưa có “bột”, tức  là còn có lỗ hổng về chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển. Ông Thắng cho biết, Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho chăn nuôi, hỗ trợ từ 3-5 tỷ đồng/dự án, nhưng quy định về hỗ trợ đầu tư chăn nuôi là phải có quy mô từ 200-500 con trở lên thì chưa nói đến nông dân mà các doanh nghiệp cũng chỉ có nước “khóc” vì khó có quy mô đàn bò lớn như thế để nhận hỗ trợ. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, chúng ta có không ít các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho phép nông dân được vay vốn chăn nuôi từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng… Nhưng hiện nay, chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn điều kiện cho vay, giúp nông dân có thể vay vốn được dễ dàng…

Theo ông Phú, phát triển chăn nuôi bò sữa cần có diện tích đất đủ lớn cho chăn nuôi, cho đồng cỏ làm thức ăn cho bò… Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại “bỏ quên” quy hoạch đất phát triển chăn nuôi để làm cơ sở cho các địa phương giao, cho thuê đất ổn định cho chăn nuôi; cũng chưa có ưu đãi về giao, cho thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng đất sử dụng để chăn nuôi.

Với các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao theo luật được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ cao nhất, song chính các doanh nghiệp cũng phản ánh họ vẫn chưa tiếp cận được các ưu đãi nào do thiếu quy định hướng dẫn cụ thể.

Cả ông Thắng và ông Phú đều kết luận: Chính sách chăn nuôi bò sữa thiếu và yếu như vậy nên hầu hết nông dân chỉ có thể nuôi nhỏ lẻ. Chất lượng giống và quy trình kỹ thuật chăn nuôi không được ai quan tâm nên năng suất và chất lượng sữa tươi  nguyên liệu trong nước thấp, không đáp ứng được cho nhu cầu chế biến.

Riêng đối với sữa dạng lỏng thì lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 38,7% nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu sữa bột để hoàn nguyên. Theo Bộ NNPTNT thì tổng sản lượng sữa lỏng Việt Nam năm 2014 là 947,2 triệu lít, trong đó lượng sữa tươi nguyên liệu trong nước sản xuất là 549,5 triệu lít và lượng sữa tươi nguyên liệu thực tế đưa vào chế biến sữa dạng lỏng chỉ là 367,6 triệu lít. Như vậy 181,9 triệu lít sữa của nông dân nếu không phải là “đổ bỏ” thì cũng không biết đi đâu?! Nói cách khác, doanh nghiệp đã thay thế số sữa nguyên liệu này bằng sữa bột nguyên liệu nhập khẩu.

Có “gột nổi nên hồ”?

Ông Nguyễn Tuấn Khải-Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm và đồ uống quốc tế cho rằng, nếu Việt Nam thực sự có lợi thế về chăn nuôi bò sữa thì “Nhà nước phải nghĩ và thực thi cho được” chiến lược phát triển bò sữa trong nước. “Các chính sách với chăn nuôi bò sữa hiện nay vẫn khó với nông dân, giá thức ăn nuôi bò sữa thì ở trên trời, nhiều chính sách hỗ trợ bản thân nông dân còn chưa biết thì làm sao sữa nguyên liệu trong nước của ta giảm được xuống chỉ vài nghìn đồng/lít để cạnh tranh với nguyên liệu nhập khẩu”-ông Khải nói.

Hiện trong nước chưa có quy chuẩn kỹ thuật về sữa nguyên liệu làm cơ sở để xác định chất lượng sữa nên chưa có căn cứ để xác định giá thu mua sữa tươi nguyên liệu giữa doanh nghiệp thu mua và người chăn nuôi. Chính vì thế, tại một số địa phương có tình trạng người chăn nuôi bị ép giá thu mua sữa nguyên liệu hoặc phải đổ sữa đi do doanh nghiệp hạn chế sản lượng thu mua. Sữa bột nguyên liệu nhập khẩu rẻ thì doanh nghiệp thiết tha gì việc thu mua sữa cho nông dân.

Ông Hoàng Công Trang-Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH True Milk cho rằng, đề xuất điều tiết việc nhập khẩu sữa bột của các cơ quan chức năng là hợp lý để giảm thiểu lượng sữa bột nhập khẩu pha lại dạng lỏng. Việc điều tiết theo hướng đưa ra hạn ngạch cũng sẽ góp phần thúc đẩy xu hướng tiêu dùng sữa của Việt Nam theo xu hướng thế giới là sử dụng sữa tươi và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam là “Phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ sữa bột nhập ngoại”.  

Để cạnh tranh và giảm thiếu việc nhập khẩu sữa bột giá rẻ về chế biến, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với phát triển ngành chăn nuôi bò sữa; cụ thể hóa các ưu đãi cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi trong nước.  Đảm bảo đủ nguồn lực để thực thi chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, khoa học công nghệ, quỹ đất cho nuôi bò sữa tập trung... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem