Nông dân Trung Quốc mang cả lợn đi thế chấp ngân hàng để hồi phục sau đại dịch

Huy Nguyễn (Theo WSJ) Thứ tư, ngày 16/09/2020 13:24 PM (GMT+7)
Trung Quốc quyết tâm hồi phục lại đàn lợn sau đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua và cho phép các ngân hàng tại nước này thử nghiệm các khoản vay cho nông dân bằng một tài sản thế chấp đặc biệt: lợn.
Bình luận 0

Số lượng đàn lợn của quốc gia này đã sụt giảm nghiêm trọng sau đợt dịch tả lợn châu Phi, căn bệnh vô hại đối với người nhưng hủy hoại phần lớn đàn lợn của Trung Quốc. Điều đó đã đẩy giá thịt lợn, một loại thực phẩm chủ yếu ở Trung Quốc lên mức cao chưa từng có.

Chính phủ lo sợ về vấn đề lạm phát giá lương thực, do đó đã thử rất nhiều biện pháp nhằm giúp nông dân tái sản xuất và mở rộng các trang trại lợn quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, các trang trại quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ - chiếm một phần ba trong số hơn 26 triệu trang trại chăn nuôi lợn - đã phải vật lộn để trả nợ sau thời kỳ khó khăn và không còn tài sản thế chấp để vay tiền.

img

Nông dân Trung Quốc được thế chấp vay bằng lợn nhờ biện pháp thúc đẩy phục hồi của Trung Quốc (Nguồn: WSJ)

Khi số đàn lợn vẫn kém 20% so với cuối năm 2017, giới chức Trung Quốc đã tìm đến các ngân hàng quốc doanh để đưa ra các giải pháp mới. Tháng 9/2019, giới chức ngân hàng và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thúc giục các ngân hàng và hãng bảo hiểm tăng hỗ trợ cho nông dân nuôi lợn, trong đó có một chương trình thử nghiệm lấy lợn làm tài sản thế chấp.

Vào tháng 3/2020, Bộ này đã chỉ đạo các ngân hàng bắt đầu chấp nhận tài sản thế chấp là lợn, cũng như các thiết bị nông nghiệp. Họ cũng hạ tới 90% tiêu chuẩn đối với một chương trình hỗ trợ vay, nhằm giúp các nông dân có khoảng 500 con lợn.

Kể từ khi người nông dân được mang lợn ra để thế chấp vay tiền, hàng chục triệu USD đã được cho vay trong chương trình này. Hồi tháng 6, giới chức Chiết Giang cho biết nông dân tại 32 huyện tại tỉnh này đã vay tổng cộng 178 triệu nhân dân tệ (26 triệu USD) bằng cách thế chấp lợn.

Những con lợn cam kết được giám sát từ xa bởi bộ phận chăn nuôi địa phương. Giá trị của khoản thế chấp chủ yếu dựa trên giá lợn trung bình trong vòng 60 ngày trước đó, theo thông cáo báo chí vào tháng 8 của tổ chức tài chính trung ương Trung Quốc và một báo cáo truyền thông nhà nước.

Dù vậy, số tiền các nhà băng Trung Quốc cho vay trong chương trình này khá nhỏ so với quy mô cả hệ thống ngân hàng. Các nhà băng cũng lưỡng lự trong việc mở rộng hoạt động này.

Yanyan Liu – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Lương thực Quốc tế cho biết các ngân hàng sẽ đối mặt với thách thức cả về định giá lợn và thu giữ chúng nếu khoản vay biến thành nợ xấu. Liu cho biết giá lợn biến động rất lớn, khiến các ngân hàng có nguy cơ lỗ nếu giá giảm sau khi họ cho vay và sau đó phải thu giữ chúng. Các nhà băng cũng sẽ phải tạo ra hệ thống định giá, giám sát, quản lý và thậm chí bán lợn sau này.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã xây dựng 6.200 trang trại nuôi lợn mới quy mô lớn, và gần 10.800 trang trại lớn đã bổ sung đàn sau khi hạn chế suốt 2 năm qua. Mức giá thịt lợn bán lẻ tăng 53%, đẩy chi phí bữa ăn chung tăng 11% trong tháng 8 so với một năm trước đó, theo Cục Thống kê Quốc gia.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem