Nông dân Việt Nam xuất sắc: Hôm nay là tỷ phú nhưng mai có thể trắng tay, lằn ranh "sinh - tử" rất mong manh - Ảnh 2.

Lời đầu tiên xin được chúc mừng anh là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Cảm xúc của anh thế nào khi biết được thông tin này?

- Vừa rồi, thông qua kênh thông tin đại chúng và Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tôi biết mình là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Cảm xúc ban đầu rất vui mừng, bởi đây là vinh dự rất lớn cho cá nhân tôi và gia đình.

Là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 cũng là sự đánh giá, ghi nhận của các cấp, các ngành đối với sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân tôi trong thời gian vừa qua.

Với sự ghi nhận này sẽ là động lực rất lớn để tôi tiếp tục cố gắng, phấn đấu đưa Hợp tác xã Sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung ngày càng phát triển, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng.

Trước khi "dấn thân" vào nghề chăn nuôi lợn, cuộc sống của anh ra sao?

- Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó. Nhà có tám anh, chị em (4 nam, 4 nữ), tôi là con thứ sáu, lúc tôi mới có 9 tuổi thì bố đã không còn.

Bố tôi đặt tên cho tám anh, chị, em là: Tuyên, Quang, Sáng, Tạo (4 anh, em trai); đối với nữ là: Phòng, Loan, Phượng, Vỹ. Trong đó, có 3 chị gái được đi học ngành sư phạm, còn một ông anh trai đi bộ đội, bản thân tôi do gia đình khó khăn nên không có điều kiện đi học, tôi chỉ học hết lớp 9/10, sau đó nghỉ ở nhà giúp mẹ làm nông kiếm kế sinh nhai.

Bản thân tôi nhận thấy mình không có trình độ văn hóa cao, nên chỉ có con đường duy nhất là làm nông nghiệp. Tuy nhiên, làm nông nghiệp vô cùng vất vả "một nắng hai sương". Từ đó, tôi nghĩ đến phải kiếm cho mình một nghề trong tay chứ không chịu quanh năm sống nương nhờ cây lúa, cây ngô.

Sau khi đi học nghề thợ mộc ở dưới tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), tôi học được nhiều kỹ thuật khó của nghề mộc như cách chọn gỗ cho từng sản phẩm, cách pha gỗ đẹp, phân loại gỗ… Trở về quê tôi mở xưởng mộc, rồi đào tạo cho những ai có nhu cầu muốn học nghề.

Sau một năm mở xưởng mộc, tôi suy nghĩ "làm thầy thì nuôi vợ, làm thợ thì nuôi miệng", với lại vào thời điểm đó, kinh tế nói chung còn khó khăn, nhu cầu đóng nội thất, bàn ghế của người dân cũng chưa cao nên tôi đành phải gác lại nghề mộc.

Tính toán thế nào, sau đó, tôi lại quyết định quay về làm nông nghiệp. Nhận thấy đất rừng ở quê còn nhiều mà lại bị bỏ hoang nên thiết nghĩ mình phải tổ chức sản xuất với diện tích lớn, biến sản phẩm sản xuất ra phải trở thành hàng hóa có giá trị. Từ đó, tôi xây dựng ý tưởng là tận dụng quỹ đất bỏ hoang để trồng rừng. Lúc ấy tôi 20 tuổi.

Thời điểm đó trồng rừng lấy gỗ mang đến hiệu quả kinh tế cao, tiền bán gỗ đến đâu tôi lại đầu tư mua đất rừng để phát triển kinh tế, từ đó, đưa diện tích rừng có được lên 4ha. Bên cạnh đó, tôi trồng xen một số loại cây khác để "lấy ngắn nuôi dài".

Đến năm 2005, tôi 35 tuổi thì cùng với một người bạn mở doanh nghiệp về buôn bán gỗ, lâm sản.

Sau hơn 10 năm làm nghề buôn bán gỗ, lâm sản, đến năm 2016, tôi quyết định mở nông trại chuyển sang chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, chăn nuôi không áp dụng phương pháp an toàn sinh học, phòng bệnh và chưa có kiến thức sâu nên bị thua lỗ ít nhiều.


Nông dân Việt Nam xuất sắc: Hôm nay là tỷ phú nhưng mai có thể trắng tay, lằn ranh "sinh - tử" rất mong manh - Ảnh 3.

Vì sao anh lại chọn chăn nuôi lợn mà không phải là một nghề nào khác? Anh có biết chăn nuôi lợn rất nhiều rủi ro không?

- Tôi thấy trong cơ cấu bữa ăn của người Việt thịt lợn chiếm tới 70%, nên nghĩ mình sẽ đi sâu về nghề chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, năng suất sinh sản của con lợn rất tốt và thị hiếu, nhu cầu của người dân rất cao.

Ở Đông Thọ quê tôi nhiều hộ nuôi lợn nhưng quy mô chưa lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Tôi chợt nghĩ đến việc sẽ nuôi lợn theo cách khoa học và xây dựng một thương hiệu riêng. Ấp ủ dự định nhưng không dám nói với ai mà cứ lặng lẽ làm từng bước.

Thế là "đánh cược với cuộc đời", bao nhiêu vốn liếng tích lũy từ nghề mộc, buôn gỗ, tôi đem ra làm chuồng trại nuôi lợn. Tôi đi khắp nơi tham quan, học hỏi cách xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, thuê kỹ sư chăn nuôi về giúp để hình thành khu chăn nuôi trên 1,2ha theo ý tưởng. Làm thủ tục về trang trại, thành lập HTX cũng bài bản lắm! Bao tâm sức dồn vào để nuôi lợn nhưng không ai ngờ vừa được một lứa xuất chuồng hòa vốn thì lứa sau lỗ quá nửa.

Anh có cho rằng, khởi nghiệp với nghề chăn nuôi lợn ở tuổi 47 có phải là muộn?

- Không có gì là muộn cả. Quan trọng bản thân mình có quyết tâm hay không thôi!

m 2017, do giá lợn hơi giảm sâu, khiến anh bị "dội ngay một gáo nước lạnh" khi nợ đến 2,7 tỷ đồng? Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về câu chuyện này?

- Giai đoạn năm 2017 - 2018, Hợp tác xã Sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (HTX)của chúng tôi gặp nhiều khó khăn do dịch lở mồm long móng, tai xanh trên lợn, đặc biệt là "bão giá" khiến giá lợn hơi thời điểm đó giảm sâu.

Tổng đàn thời điểm đó 1.600 con. Lứa đầu tiên sau khi mua lợn giống về nuôi nhưng đến khi có lợn xuất bán thì gặp "bão giá", giá lợn hơi tụt dốc không phanh từ 57.000 đồng/kg xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg. Vừa mới bắt đầu chăn nuôi lớn tôi bị "dội ngày một gáo nước lạnh", lâm cảnh nợ nần lên tới 2,7 tỷ đồng.

Chúng tôi thua lỗ ngay từ phút đầu, trong khi đó, vợ chồng tôi nói với nhau rằng, làm nghề chăn nuôi lợn rủi do cao, anh em, bạn bè, người thân cũng khuyên ngăn là nên bỏ nghề vì lúc đó tài chính vô cùng khó khăn, nguồn lực kinh tế đã quá đuối. Thời điểm ấy ở xã Đông Thọ hầu như các hộ đều bỏ nghề nuôi lợn.

Rơi vào cảnh nợ nần, không ai muốn gặp, muốn nghe điện thoại của tôi vì họ sợ tôi vay tiền. Cảm giác như tất cả mọi người đều kỳ thị mình. Trong làng mọi người xì xào rằng "đợt này vợ chồng Sáng Nhung chết hẳn, vỡ nợ rồi", nghe thấy vậy tôi buồn vô cùng.


Nông dân Việt Nam xuất sắc: Hôm nay là tỷ phú nhưng mai có thể trắng tay, lằn ranh "sinh - tử" rất mong manh - Ảnh 4.

Đối mặt với khó khăn trăm bề như vậy, bằng cách nào anh đã vượt qua?

- Lúc đó tôi cảm thấy vô cùng đuối, vợ con cũng kêu ca, phàn nàn rất nhiều nhưng tôi vẫn quyết tâm chờ cơ hội. Tôi động viên gia đình và bản thân rằng, con đường mình lựa chọn, đầu tư rất nhiều tâm huyết, công sức, tiền của thì không thể dễ dàng gì từ bỏ. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi lợn đã bỏ hết thì đây là cơ hội cho mình. "Ngã ở đâu đứng lên ở đó", tôi tin tưởng thành quả sẽ đến.

Tôi động viên vợ: "Anh đang là cây nghiêng, sợ gì chết đứng nữa. Cái số anh thế, việc gì cũng vất vả, chật vật mới mong có thành công nên đừng suy nghĩ nhiều, đừng để tâm những lời bóng gió ngoài kia. Kiểu gì anh cũng thành công".

Mỗi ngày chi phí thức ăn, vận hành trang trại tiêu tốn hết 45 triệu đồng. Để có tiền duy trì đàn lợn, tôi  phải đi vay mượn khắp nơi. Bí quá tôi bàn với vợ dùng sổ lương giáo viên của cô ấy mang đi thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng, nói xong hai vợ chồng đều khóc.

Ngoài ra, tôi may mắn khi nhờ được một số anh em, bạn bè thân thiết lấy sổ đỏ đi vay ngân hàng để cho tôi vay tiền.

Thời điểm đó, do vay nợ nhiều nên dù trong nhà có người nhưng liên tục đóng kín cửa. Trong 14 tháng liền gia đình không có thu nhập thường xuyên. Tôi còn nhớ như in, hai cậu nhân viên ngân hàng còn lấy lương trả lãi ngân hàng cho tôi vì đến ngày trả mà không thể lo nổi.

Sau khi những khó khăn dần được đẩy lùi, trang trại lợn trên 2.000 con dần đi vào ổn định trở lại. Sau đó, mọi người nhìn nhận, đánh giá về tôi rằng, thực sự ông Sáng là một người tâm huyết, nghị lực với nghề chăn nuôi lợn.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Hôm nay là tỷ phú nhưng mai có thể trắng tay, lằn ranh "sinh - tử" rất mong manh - Ảnh 5.

Những khó khăn được bỏ lại phía sau, trang trại của anh dần đi vào ổn định và thường xuyên duy trì đàn lợn trên 2.000 con. Năm 2020, trước sự bùng phát mạnh mẽ của dịch tả lợn châu Phi nhưng trang trại vẫn đứng vững. Cùng thời gian đó, trên thị trường giá lợn hơi tăng phi mã trên 90.000 đồng/kg, có thời điểm gần chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg, nhiều người nói rằng, vợ chồng Sáng Nhung đợt này không có thời gian để đếm tiền, bởi tiền từ bán lợn nhiều quá? Điều đó có thật không?

- Năm 2020, giá lợn hơi tăng cao nằm ngoài mơ ước của tôi. Thời điểm đó dịch tả lợn châu Phi bùng phát, mọi người chủ quan không phòng dịch tốt, không chủ động được thức ăn để giảm chi phí đầu vào nên lúc giá lợn hơi cao lại không có lợn để bán.

HTX của tôi lúc đó đã có kế hoạch phối trộn thức ăn giảm chi phí đầu vào và áp dụng chăn nuôi toàn sinh học nên đàn lợn phát triển rất tốt, không bị dịch bệnh. Trong khi, thị trường lợn khan hiếm dẫn đến giá lợn hơi tăng phi mã. Thời điểm đó HTX của chúng tôi rất may mắn bán giá cao nhất 97.000 đồng/kg lợn hơi. Trong khi đó, chi phí sản xuất mất khoảng 3,2 triệu đồng/tạ lợn hơi, tính ra 1 tạ lợn hơi xuất bán chúng tôi thu lãi 6,5 triệu đồng.

Có thời điểm tôi bán 2 xe tải lợn đã lãi hơn 1 tỷ đồng. Tính tổng năm 2020, tôi lãi gần chục tỷ đồng từ tiền bán lợn. Sau 1 năm đã gỡ lại hoàn toàn số vốn mà những năm trước bị thua lỗ và trả lãi ngân hàng. Còn chuyện người ta nói vợ chồng tôi không có thời gian đếm tiền là không phải.

Được biết, năm 2021 anh chuyển hướng sang chăn nuôi lợn bằng thảo dược. Đây là phương pháp chăn nuôi mới mẻ và không hề dễ dàng để thành công, thậm chí chi phí bỏ ra còn cao hơn so với sử dụng cám công nghiệp. Vậy điều gì đã thúc đẩy anh có sự "bẻ lái" ngoạn mục này?

- Tôi cho rằng, nuôi lợn ai cũng có thể nuôi được nhưng để tạo thương hiệu thịt lợn sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng thì không dễ chút nào. Con lợn là vật nuôi quen thuộc, cũng là nguồn thực phẩm tươi không thể thiếu của mâm cơm người Việt nhưng để có sản phẩm thịt lợn chất lượng, an toàn với người tiêu dùng là cả quá trình từ con giống, quy trình chăm sóc, thức ăn chăn nuôi… đều phải đạt tiêu chuẩn. Xây dựng thương hiệu riêng lại càng khó, bắt buộc phải có sự khác biệt về chất lượng.

Vì sao gọi là lợn thảo dược? Rút kinh nghiệm từ những thất bại ban đầu, chúng tôi đã áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học một cách chặt chẽ, kiểm soát dịch bệnh bằng cách chủ động từ con giống, thức ăn, kỹ thuật, giết mổ, chế biến. Đối với lợn con chúng tôi phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine định kỳ, đối với lợn thịt toàn bộ sẽ cho ăn thảo dược, từ đó tạo ra mùi hương thơm đặc trưng cho thịt lợn.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Hôm nay là tỷ phú nhưng mai có thể trắng tay, lằn ranh "sinh - tử" rất mong manh - Ảnh 6.

Cách phối trộn thức ăn cho lợn từ thảo dược là anh tự nghĩ ra hay học được từ đâu?

- Sau khi tìm hiểu trên mạng internet về một số mô hình tự phối trộn thức ăn để giảm chi phí trong chăn nuôi lợn ở Bình Phước, Đồng Nai, tôi đã vào đây để học công thức phối trộn thức ăn cho lợn. Sau đó, về miền Bắc chúng tôi phối hợp với một doanh nghiệp về thức ăn chăn nuôi, họ hướng dẫn công thức đó cho chúng tôi.

Sau khi ra được công thức phối trộn chính xác và phù hợp nhất, tôi đã áp dụng vào trang trại của mình. Tôi đưa những thức ăn chất lượng cao như khô đậu tương, cám gạo, ngô… vào làm thức ăn cho lợn, những thức ăn này đều phải rang khô lên và trộn với thảo dược.

Các loại thảo dược tôi dùng để phối trộn vào thức ăn cho heo như sâm cát linh, đinh lăng, quế, hồi, thảo quả, tỏi…

Khi đã thành công với phương pháp chăn nuôi lợn bằng thảo dược, trong đó, bí quyết quan trọng nhất là công thức phối trộn thức ăn, anh có nghĩ rằng mình có thể chia sẻ kinh nghiệm tới các hộ chăn nuôi khác?

- Công thức phối trộn thức ăn cho lợn là thương hiệu liên quan đến bí quyết trong ngành chăn nuôi. Chỉ trường hợp là ký hợp đồng nguyên tắc với HTX Sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung thì lúc đó chúng tôi sẽ trao đổi và phổ biến cho các hộ nếu có nhu cầu.

Còn việc chia sẻ bí quyết công thức phối trộn thức ăn cho các hộ chăn nuôi lợn thì tôi nghĩ đây chưa phải là thời điểm thích hợp.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Hôm nay là tỷ phú nhưng mai có thể trắng tay, lằn ranh "sinh - tử" rất mong manh - Ảnh 7.

Hiện nay HTX Sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung đã có bao nhiêu sản phẩm chế biến từ thịt lợn thảo dược?  Có gì khác biệt so với thịt lợn được nuôi bằng cám công nghiệp?

- Với mong muốn đưa người dân đến với những sản phẩm từ chăn nuôi an toàn, chúng tôi đã và đang xây dựng thương hiệu, xây dựng các sản phẩm an toàn tới tay người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận.

Hiện nay, chúng tôi có 14 sản phẩm chế biến từ thịt lợn thảo dược như: thịt, giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, ruốc…

Lợn trong trang trại của chúng tôi được nuôi khép kín đạt chuẩn VietGAP, hướng tới hữu cơ, toàn bộ thức ăn được phối trộn thảo dược từ thiên nhiên, không chất tăng trọng, không chất tạo nạc, không chất bảo quản và có truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, mỗi tháng HTX cung cấp cho thị trường trên 30 tấn lợn thịt bảo đảm tiêu chuẩn an toàn sinh học.

Với quy trình chăn nuôi theo chuỗi như hiện nay thì lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn thảo dược của anh đã có thương hiệu tại tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận. Vậy anh có tự tin sản phẩm của mình có thể cạnh tranh với sản phẩm của những "ông lớn" trên thị trường?

-Với quy trình chăn nuôi khép kín, theo chuỗi bài bản, hiện đại như hiện nay, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn thảo dược đã được người dân tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận đánh giá cao và chúng tôi sẵn sàng đáp ứng cũng như cạnh tranh với các sản phẩm của các đơn vị khác trên thị trường.

Thậm chí có một số thương lái ở Hải Dương, Hưng Yên nói rằng, nếu lợn hơi ngoài thị trường bán giá 70.000 đồng/kg, mà lợn của HTX chúng tôi xuất bán giá 71.000 đồng/kg thì họ cũng sẵn sàng mua.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Hôm nay là tỷ phú nhưng mai có thể trắng tay, lằn ranh "sinh - tử" rất mong manh - Ảnh 8.

Yếu tố nào giúp anh có được thành công như ngày hôm nay?

- Động lực lớn nhất giúp tôi thành công như ngày hôm nay đến từ sự quan tâm, ủng hộ hết mình từ vợ, con và người thân trong gia đình.Bên cạnh đó là sự giúp đỡ của bạn bè trong thời điểm tôi rơi vào tình thế khó khăn nhất.

Khi vợ, con thấy tôi không nản lòng, quyết tâm cao thì cũng ủng hộ để tôi tiếp tục mở rộng sản xuất.

Một yếu tố nữa cũng hết sức quan trọng, đó là sự chuyển hướng đúng đắn của HTX, đó là đầu năm 2021, HTX triển khai theo hướng chăn nuôi lợn thảo dược, từ đó tạo ra sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của HTX Sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung.

Một số bạn bè của anh có nói "hiện nay người ta chỉ chăn nuôi lợn thịt rồi xuất bán cho thương lái, như vậy sẽ thu tiền nhanh, giảm thiểu rủi ro. Nhưng ông Sáng thì làm luôn cả khâu con giống, thức ăn, giết mổ, chế biến và phân phối, quả thật là quá liều". Anh nghĩ sao về nhận xét này?

- Trong quá trình chăn nuôi lợn, bản thân tôi cũng hết sức nỗ lực, học hỏi để tìm ra con đường riêng cho mình. Chúng tôi tạo ra sản phẩm đặc trưng là muốn nói đến thương hiệu bền vững và sản xuất theo chuỗi. Đơn vị chúng tôi nhiều năm nay sản xuất từ con giống, thức ăn chăn nuôi, lợn thương phẩm, giết mổ và chế biến. Qua quá trình tổ chức thực hiện gặp muôn vàn khó khăn. Riêng chỉ chăn nuôi lợn từ lúc nhỏ đến lúc xuất bán đã mệt mỏi rồi, chưa nói đến các khâu còn lại. Đó là những nỗ lực để chúng tôi có được thành công như hôm nay.

Sau những vất vả đó, đến giờ phút này chúng tôi đã đạt được kết quả kết sức đáng tự hào, được nhân dân tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh bạn đánh giá rất cao về mặt chất lượng sản phẩm.

Còn bạn bè có nói tôi liều thì tôi chỉ cười rồi đáp "đôi khi trong làm ăn cũng phải cần một độ liều nào đó để vượt qua những khó khăn". Đến giờ tôi thấy mình giữ được thăng bằng, từ quản lý, điều hành trang trại cho đến khâu kinh doanh, phân phối sản phẩm thịt lợn thảo dược.

Anh có 3 người con, hiện tại có ai theo nghề của anh không?

- Nếu như 5 năm trước con đường đi của bản thân tôi, cũng như HTX gặp nhiều sóng gió, vất vả nên cũng chưa tự tin để các con nối nghiệp của mình. Nhưng sau khi vượt qua được những khó khăn đó, chúng tôi đã xây dựng sản xuất theo chuỗi thì tôi đã quyết định cho các con đi vào làm thương mại, quản lý chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm thịt lợn thảo dược.

Hiện nay, chúng tôi có 2 cửa hàng phân phối sản phẩm thịt lợn thảo dược ở Thành phố Tuyên Quang. Các con tôi đều quản lý các cửa hàng này.

Hiện trang trại của anh đang nuôi trên 3.000 lợn thịt và trên 300 lợn nái. Công việc một ngày của anh diễn ra như thế nào?

- Trang trại của tôi có quy trình làm việc rất cụ thể, khoa học. Bên trong trang trại có trưởng chuồng, trưởng trại, có nhân viên tổ chức thực hiện theo chu trình kế hoạch đã được phân công rõ ràng. Còn tôi 1 tuần mới vào trại 1 lần, công việc hàng ngày chỉ cần giám sát, chỉ đạo qua camera và zalo nên công việc vẫn điều hành suôn sẻ, thông suốt.

Trong trang trại cũng có 3 kỹ sư đang hỗ trợ về kỹ thuật, họ sẽ trực tiếp xử lý những công việc cần thiết để đảm bảo, duy trì chất lượng, dinh dưỡng cho đàn lợn.

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Hôm nay là tỷ phú nhưng mai có thể trắng tay, lằn ranh "sinh - tử" rất mong manh - Ảnh 9.

Dự định trong thời gian tới của anh là gì?

- Kế hoạch là đến năm 2023 sẽ xây nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm, thủy cầm ở Thành phố Tuyên Quang. Sau khi hoàn thành nhà máy giết mổ chúng tôi sẽ có hệ thống công nghệ chế biến sâu. Ngoài cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược cho HTX, chúng tôi sẽ làm dịch vụ giết mổ, chế biến cho các đơn vị khác nếu có thể.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục liên kết với các HTX để tìm nguồn tiêu thụ cho chính các xã viên trong nhiều lĩnh vực nông - lâm - nghiệp. Từ đó, sẽ tạo chuỗi cung ứng và tiêu thụ được thuận tiện. Xây dựng địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực thực phẩm tại tỉnh Tuyên Quang. Bên cạnh đó, mở rộng thị trường, mở thêm cửa hàng, đại lý uỷ quyền tại các trung tâm thương mại lớn, khu đông dân cư tại nhiều tỉnh thành khác.

Theo anh vì sao chăn nuôi nông hộ hiện nay khó tồn tại?

- Lâu nay chăn nuôi nông hộ của chúng ta vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Chăn nuôi nông hộ chưa áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học dẫn đến thiệt hại khi có dịch bệnh. Mặt khác, do thiếu nguồn vốn nên để chăn nuôi lợn theo chuỗi, chủ động được con giống, thức ăn đối với nông hộ là điều rất khó.

Theo anh, trong chăn nuôi lợn thì yếu tố may mắn chiếm bao nhiêu %?

- Trong chăn nuôi không thể biết trước được điều gì, nhất là chăn nuôi lợn. Để thành công theo tôi may mắn chiếm đến 50%, còn lại là sự cố gắng, nỗ lực của mỗi người.

Hiện nay, ngoài chăn nuôi lợn anh còn làm công việc gì nữa không?

- Ngoài chăn nuôi lợn tôi còn trồng 26ha rừng và thảo dược để làm thức ăn cho lợn.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Nông dân Việt Nam xuất sắc: Hôm nay là tỷ phú nhưng mai có thể trắng tay, lằn ranh "sinh - tử" rất mong manh - Ảnh 10.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem