Nông dân xứ chè Thái Nguyên khá giả từ khi sử dụng tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội

Thu Hà Thứ ba, ngày 27/12/2022 19:07 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn lượt hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, tạo việc làm, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương.
Bình luận 0

Hộ nghèo tỉnh Thái Nguyên vươn lên khá giả

Về xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, hỏi thăm ông Hoàng Văn Thế, người dân địa phương ai cũng biết. Với mô hình nuôi bò vỗ béo, ông Thế là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Vừa chăm sóc đàn bò, ông Thế phấn khởi cho biết: Trước đây, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Được Ngân hàng CSXH tiếp vốn đầu tư chăn nuôi hiệu quả, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo. Mới đây, ông Thế còn được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để mở rộng quy mô nuôi bò vỗ béo nên rất phấn khởi.

Cũng với số vốn 100 triệu đồng vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, năm 2021, ông Nguyễn Văn Lập ở xóm Chằm 7A, xã Minh Đức, TP.Phổ Yên, đã đầu tư thực hiện mô hình trồng cây ăn quả và chè.

Nông dân xứ chè khá giả từ khi có vốn ưu đãi - Ảnh 1.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay của người dân ở xã Tiên Hội. Ảnh: Thu Huyền

Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng nhấn mạnh: Có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Ông Lập cho biết: Tôi đầu tư cải tạo khu vườn rộng gần 1ha để trồng trên 100 gốc mít, hơn 80 gốc nhãn và bưởi Diễn, 100 gốc na, 10 gốc trám đen và 1.500m2 chè lai LDP1. Nhờ có nguồn vốn đầu tư, cộng thêm việc tìm tòi học hỏi kiến thức sản xuất, đến nay mô hình trồng cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch. Còn với diện tích trồng chè, mỗi năm gia đình xuất bán được 7 tạ chè búp khô, với giá từ 180.0000 - 220.000 đồng/kg, cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng/năm.

Từ hiệu quả của nguồn vốn ban đầu, năm 2022, ông Lập tiếp tục vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH TP.Phổ Yên để mở rộng đầu tư, phát triển mô hình chăn nuôi lợn thịt với quy mô hơn 100 con. Hiện tại, mỗi tháng gia đình ông Lập xuất bán 2-3 tấn lợn hơi, thu lãi 20-30 triệu đồng.

Hỗ trợ tối đa cho hộ vay vốn

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được Ngân hàng CSXH tiếp vốn trong thời gian qua. Theo báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Nguyên, 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78 của Chính phủ, từ 3 chương trình tín dụng đầu tiên, với dư nợ 175 tỷ đồng, đến nay toàn tỉnh đã triển khai thêm 16 chương trình, với dư nợ đạt hơn 3.970 tỷ đồng.

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2002 - 2022 là 19%/năm. Mức cho vay bình quân/hộ ngày càng tăng, từ 3,3 triệu đồng/hộ (năm 2003) lên 37,3 triệu đồng/hộ (năm 2022).

Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng cho biết: Để chuyển tải nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người vay, hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân. Đồng thời thiết lập mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở…

Từ nguồn vốn chính sách ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả, cho thu nhập cao, như: Mô hình chăn nuôi lợn, gà kết hợp trồng cây ăn quả của bà Trần Thị Mến (ở xóm Na Quán, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ); mô hình chăn nuôi bò 3B của hộ anh Dương Văn Bình (tổ dân phố Khu Yên, phường Bách Quang, TP.Sông Công); mô hình chăn nuôi bò, lợn nái của hộ ông Nguyễn Văn Quyết (xóm Hân, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình); mô hình trồng và chế biến chè của hộ bà Phan Thị Hiền (xóm Đan Khê, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương); mô hình trồng rừng keo của hộ bà Lưu Thị Hường (xóm Lương Tiến, xã Phú Tiến, huyện Định Hóa)…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem