Nóng: Kịch bản đưa hơn 100 công dân nhiễm Covid-19 tại Guinea Xích đạo về nước

Thế Anh Thứ ba, ngày 21/07/2020 11:17 AM (GMT+7)
Sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét đưa các công dân đang bị mắt kẹt tại Guinea Xích đạo về nước, Bộ GTVT cho biết, Vietnam Airlines đã xây dựng 4 phương án kế hoạch bay và hiện đang chờ đối tác cung cấp dịch vụ xác nhận về khả năng đáp ứng khai thác tàu bay.
Bình luận 0

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi các Bộ Ngoại giao, Y tế, Lao động TB&XH về kế hoạch bay đưa công dân Việt Nam đang bị mắc kẹt tại Guinea Xích đạo về nước với 4 phương án, kịch bản đưa ra để các Bộ, Ngành đánh giá.

Trao đổi với PV Dân Việt về các phương án đưa công dân từ nước ngoài về nước, đại diện Bộ GTVT cho biết: "Hiện nay, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang tính tới các phương án, kế hoạch đưa công dân từ nước ngoài về nước. Trong đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines có vai trò rất quan trọng là đơn vị vận chuyển đảm bảo an toàn hàng không và phòng chống dịch Covid-19".

Kịch bản đưa hơn 100 công dân nhiễm Covid-19 tại Guinea Xích đạo về nước - Ảnh 1.

Dự kiến những công dân tại Guinea Xích đạo sẽ được về nước vào tháng 8/2020.

Để đảm bảo phương án tốt nhất đưa công dân về nước, hãng hàng không Vietnam Airlines đã xây dựng 4 phương án kế hoạch bay và hiện đang chờ đối tác cung cấp dịch vụ xác nhận về khả năng đáp ứng khai thác tàu bay.

Các phương án được đưa ra xem xét gồm: Phương án 1, sẽ sử dụng 1 tàu bay A350, hành trình Hà Nội - Bata - Hà Nội. Vấn đề khó khăn về kỹ thuật là sân bay Bata hiện thông báo không có khả năng cung ứng nhiên liệu cho đến 10/8/2020. Ngoài ra, cần bổ sung 1 xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 8 đủ điều kiện khai thác đối với tàu A350.

Phương án 2, sử dụng 1 tàu bay A350, hành trình Hà Nội - Bata - Malabo - Hà Nội. Phương án này áp dụng khi sân bay Bata không thể cung ứng nhiên liệu. Đối với phương án này, cần bổ sung 1 xe cứu hỏa như phương án 1 và xin phép bay chặng nội địa Bata - Malabo.

Phương án 3, sử dụng 1 tàu bay A350, hành trình Hà Nội - Malabo - Hà Nội. Phương án này được áp dụng trong trường hợp sân bay Bata không thể đáp ứng yêu cầu bổ sung xe cứu hỏa. Đối với phương án này, cần thực hiện việc di chuyển, tập kết hành khách từ nơi ở đến sân bay Malabo.

Phương án 4, sử dụng 2 tàu bay A321, trong đó 1 tàu chở khách dương tính với Covid-19 (khoảng 120 khách), 1 tàu chở khách bình thường (khoảng 10 khách), hành trình Hà Nội - Dubai (UAE) - Bata - Jeddah ( Ả-rập Xê út) – Ahnedabad (Ấn Độ) - Hà Nội.

Đánh giá về phương án 4, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Phương án này thuận lợi cho công tác chống lây nhiễm trên tàu bay, tuy nhiên dự báo sẽ gặp các khó khăn như việc xin cấp phép bay của các nước đối với các chuyến bay chở người bệnh; thời gian bay dài, nhiều điểm cất hạ cánh, điều kiện nghỉ ngơi của tiếp viên không đủ tiêu chuẩn; sân bay Bata phải đủ khả năng cung cấp nhiên liệu và bổ sung xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 6 phục vụ khai thác tàu bay A321.

Để đảm bảo không có tình huống xấu xảy ra, Bộ GTVT cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ngành hàng không tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể về cấp phép bay cũng như giảm các chi phí dịch vụ, đồng thời liên hệ đề nghị nhà chức trách hàng không các nước đối tác hỗ trợ về thủ tục cấp phép.

Đối với công tác an toàn hàng không cũng như phòng chống dịch, Bộ GTVT đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước đề nghị chính quyền sở tại sớm cấp phép bay cho các chuyến bay nhân đạo.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Lao động TB&XH tập hợp hành khách lên tàu bay vào thời gian và địa điểm thống nhất; Làm việc với gia đình các bệnh nhân để thống nhất phương án xử lý tình huống phát sinh liên quan đến sức khỏe bệnh nhân trên chuyến bay.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế chủ trì hướng dẫn điều kiện sức khỏe của hành khách tham gia chuyển bay; xây dựng kịch bản, yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch trên tàu bay và xử lý các tình huống có thể xảy ra đối với hành khách trên chuyến bay; Cử đủ bác sỹ, nhân viên y tế có chuyên môn đi cùng chuyến bay, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người bệnh; Cung cấp trang thiết bị y tế cần thiết cho toàn bộ phi hành đoàn và hành khách; Bố trị bệnh viện tiếp nhận người bệnh và hành khách cách ly sau khi kết thúc chuyến bay.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 báo cáo tình hình, đưa ra các quyết sách, xử lý các vấn đề phát sinh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, các đại sứ, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ như tháo gỡ đường bay với Trung Quốc, mở chuyến bay trung chuyển ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản...

Đồng thời, Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Chính phủ nước sở tại để tăng chuyến bay cứu hộ, mở các chuyến bay thương mại nhằm đón công dân Việt Nam, nhà đầu tư, chuyên gia về Việt Nam, đồng thời đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; có chuyến bay cứu hộ công dân ở Guinea Xích Đạo ngay tức thời trên tinh thần làm hết sức mình để bảo hộ công dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu lên phương án mở rộng cách ly tập trung, cách ly linh hoạt tại khách sạn của các địa điểm thuận lợi, các nhà khách của công an, quân đội, khách sạn quân sự lên quy mô ít nhất 10.000 người. Bên cạnh địa điểm cách ly quân đội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng cung cấp cho ngành y tế, ngành hàng không những địa điểm cách ly dân sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem