Nồng nàn hương vị Huế

Lê Thanh Phong Thứ năm, ngày 11/02/2016 06:48 AM (GMT+7)
Trong truyền thống ẩm thực của người Huế, có một lối ăn uống khác biệt với các vùng miền khác, đó là hàng gánh. Thời nghèo khó, nhọc nhằn, chỉ cần một tô cơm hến vài xu, bên bếp lửa nơi vệ đường, cũng đủ để con người ta có năng lượng sống.
Bình luận 0

Ngày hè cũng như ngày đông giá rét, sáng sớm, từng tốp các o, các mệ quang gánh từ phía thôn Vĩ Dạ, đi qua Ðập Ðá, rồi tỏa ra nhiều con đường khác nhau của thành phố. Ði theo những gánh hàng này là những bếp lửa, tỏa ra thành vệt khói quyện cùng sương sớm. Ngày xưa hầu hết người bán hàng gánh ở Huế đều mặc áo dài, đội nón lá.

Nhìn các o, các mệ nhịp nhàng đi, bếp lửa phía sau tỏa những vệt khói mềm làm ấm cả không gian mùa đông. Có một nét gì đó rất thanh bình, yên ấm, rất Huế khi nhìn những đoàn hàng gánh xôn xao trên những con phố. 

img

Làm món bánh khoái cá kình.  Ảnh: Lê Anh Tuấn

Hàng gánh có khắp mọi ngóc ngách trong thành phố, ra tận ngoại ô. Mỗi mệ, mỗi o chọn cho mình một điểm, dưới những tán cây xanh mướt, đặt gánh bún hay gánh bánh canh xuống, sửa soạn chén bát, bày ra mấy chiếc đòn để cho khách ngồi. Sau đó, việc quan trọng nhất là khơi cho bếp lửa cháy mạnh hơn. Ăn bún bò Huế hay tô bánh canh buổi sáng mà nước không đủ nóng thì không thể ngon được, cho nên, khách có vội mệ vẫn chưa múc. Nồi nước bún sôi lên, mùi thơm lan tỏa, đánh thức cảm xúc ăn uống tức thì. Khách ngang qua không thể không dừng bước, “mệ cho xin một tô bò tái”, “o cho xin một tô giò chả”. Khách đến nhiều lần trở thành quen thuộc, mệ thấy mặt là biết thích ăn gì, không cần phải hỏi.

Ngày lạnh, bếp lửa còn có tác dụng sưởi ấm. Khách ngồi xuống, đưa hai tay gần vào bếp, xoa một hồi cho đỡ cóng. Hơi nóng từ bếp lửa hắt ra làm hồng đôi má o bán cơm hến, có rứa mới sinh chuyện. Thời tôi còn là học sinh Trường Quốc học, có thằng bạn rất thích ăn cơm hến, mà chỉ ăn gánh của mệ thường ngồi bán ở cổng sau của trường. Mệ có o con gái, đi theo giúp mệ rửa bát, dọn dẹp, chêm thêm củi vào bếp.

Có mấy lần thấy hắn loay hoay giúp o con gái thổi lửa, mệ khen hắn nhanh nhẹn, tốt bụng. Nhờ sự nhiệt tình của hắn mà đôi lúc mệ cho hai thằng ăn hai tô cơm hến không tính tiền, ngon không thể tả. Ði lưu lạc mấy năm về lại Huế, mới biết thằng bạn tôi là rể của mệ, sau này là ông chủ của gánh cơm hến do vợ làm chủ. Chừ thì o con gái của hắn đi theo mẹ thổi lửa, không biết có gặp được anh chàng nào tốt bụng như hắn không?

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đếm món cơm hến của Huế có tất cả 15 gia vị. Trong đó,  gia vị cuối cùng là thứ độc đáo, bếp lửa: “Chị gánh hàng đi, dáng gầy mỏng manh, chiếc áo dài đen cũ kỹ, chiếc nón cời và tiếng rao lanh lảnh, bây giờ tôi mới phát hiện thêm vị thứ mười lăm, là lửa. Vâng, một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người”.

Có những gánh đi vào các xóm nhỏ, rao thiệt to “cơn hến khôn”, “bún bò khôn (không)”. Trong nhà có người vẫy tay, thế là gánh hàng dừng lại. Bà con trong xóm lâu ngày quen từng gánh của mệ Lúa, của o Thơm. Có người không có tiền cũng cứ ăn, lần sau trả cũng được. Những mệ, những o bán hàng gánh đó trở thành thành viên thân thuộc của xóm.

Xóm tôi ở gần nhà thờ Phú Cam, mỗi sáng ngay sau khi tan lễ nhà thờ là có vài gánh hàng ngang qua nhà, nghe tiếng rao là bụng cồn cào, thế nào mạ cũng phải cho mấy đồng ăn một tô cho thỏa. Mệ bán bún thấy đứa mô dễ thương, bỏ cho thêm cục chả.

Nhịp sống đằm thắm và nhẹ nhàng của người Huế được giấu sau những hàng gánh lang thang, và hẳn nhiên những bếp lửa nho nhỏ dưới vai những người phụ nữ nghèo chân quê ấy nuôi sống biết bao nhiêu gia đình.

Huế có những bếp lửa nồng nàn như thế và dù cuộc sống có nhiều đổi thay, người Huế đi phương trời nào cũng không quên được tiếng rao hàng gánh, không thể quên mùi thơm của nồi bún bò, tô cơm hến, chén bánh canh của những bếp lửa ấm áp hương vị quê. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem