Nóng: Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA, nông sản nào lợi nhất?

Anh Thơ Thứ tư, ngày 12/02/2020 19:54 PM (GMT+7)
Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho nhiều nông sản Việt.
Bình luận 0

Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với tỉ lệ phiếu 401/192/40 (phiếu thuận, phiếu chống và phiếu trắng) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam với tỉ lệ phiếu 407/188/53.

 Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được EP khóa mới xem xét phê chuẩn, cũng kết thúc hành trình 8 năm đàm phán giữa hai bên.

EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá trong giai đoạn 10 năm.  Ngoài ra, EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá thuế trong 7 năm tiếp theo.

img

Phiên thảo luận của Nghị viện châu Âu. (Ảnh: KT).

EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Riêng sản phẩm tôm xuất khẩu sang EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11% và 30-35% tỷ trọng các mặt hàng hải sản khác. Xuất khẩu cá tra phi lê sang EU đạt 300 triệu USD.

Khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực..) sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện đang chịu mức thuế 6-8% sẽ giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%, cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm.

Đối với mặt hàng cá tra, EVFTA có hiệu lực, thuế suất 5,5% của mặt hàng cá tra phi lê hiện nay sẽ giảm còn 0% trong 3 năm tới, đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tăng lượng hàng hóa xuất khẩu như thời “hoàng kim”, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm này tại thị trường châu Âu.

Ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ cũng được đánh giá sẽ hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực. Ông Nguyễn Quốc Trị  - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Bên cạnh đó, việc phát triển diện tích rừng có chứng chỉ đã góp phần nâng cao uy tín của sản phẩm gỗ Việt.

Trong số các nước EU, Đức được coi là một điểm đến hứa hẹn của gỗ Việt. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức trong tháng 7/2019 đạt 357,8 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức đạt 2,9 tỷ USD.

Việt Nam hiện là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 5 cho Đức trong 7 tháng đầu năm 2019, đạt 86,2 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Đức 7 tháng đầu năm 2019 tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018, đạt 2,9%.

EVFTA và EVIPA được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem