Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu ung dung bước qua đại dịch Covid-19

Trần Khánh Thứ năm, ngày 23/12/2021 15:50 PM (GMT+7)
Nhiều nông dân và doanh nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất ngay trong những ngày giãn cách xã hội do dịch Covid-19 vừa qua. Hiệu quả và năng suất nông nghiệp của tỉnh ngày càng nâng lên nhờ việc chủ động ứng dụng công nghệ cao.
Bình luận 0
Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu ung dung bước qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của nông dân ở huyện Đất Đỏ, tỉnh BRVT. Ảnh: Nguyễn Phương

Duy trì sản xuất trong giãn cách

Dịch Covid-19 bùng phát khiến cả nước phải giãn cách xã hội, gây ra không ít khó khăn cho các hoạt động sản xuất cần lượng lao động lớn. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT), nhiều cơ sở sản xuất đã xảy ra tình trạng gián đoạn hoặc ngưng trệ. Trong đó có nguyên nhân thiếu hụt lao động.

Thế nhưng, cũng có không ít trang trại nông nghiệp vẫn hoạt động ổn định nhờ ứng dụng công nghệ, thay thế sức lao động, vừa đảm bảo yêu cầu giãn cách của địa phương.

Tại 2 nhà màng trồng dưa lưới có diện tích 2.400m2 ở xã Long Tân (huyện Đất Đỏ), mỗi năm, ông Phạm Văn Tứ thu hoạch hơn 25 tấn trái, thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.

Hiệu quả là thế nhưng ông Tứ cho biết, trong suốt quá trình trồng trọt và chăm sóc chỉ cần một nhân công duy nhất, là chính ông.

Ông Tứ kể, công đoạn nặng nhọc nhất là lúc đưa các giá thể trồng cây vào nhà màng. Lúc này, ông phải nhờ mượn từ 3 -  4 người, làm việc trong nửa ngày.

Ông Tứ nói: "Hầu hết thời gian trồng, điện và nước sẽ phục vục cho mình". Hệ thống tưới nước, bón phân được cài đặt tự động. Nông dân chỉ cần nhấn nút là toàn bộ các gốc dưa lưới được cung cấp cấp dưỡng chất đầy đủ và hợp lý.

Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu ung dung bước qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Mô hình trồng rau trong nhà màng của nông dân huyện Đất Đỏ. Ảnh: Đông Hiếu

Khi huyện Đất Đỏ có chủ trương xây dựng mô hình liên kết trồng rau công nghệ cao với Công ty 4KFarm, bà Hoàng Thị Hiệu ở xã Long Mỹ mạnh dạn đăng ký tham gia. Hơn một năm vừa học vừa làm, đến nay bà Hiệu đã có thêm nhiều kinh nghiệm của một nông dân hiện đại.

2 nhà màng trồng rau ăn lá của bà Hiệu có tổng diện tích hơn 1.600m2 được xây dựng theo công nghệ hiện đại, giúp ngăn mưa gió và chặn côn trùng. Hệ thống tưới tự động đảm bảo các điều kiện cho rau phát triển tốt.

"Ngành nông nghiệp tỉnh đang rà soát để tạo điều kiện cho bà con và doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều hơn. Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp nhà nông làm giàu từ đất và hơn hết là xây dựng một nền nông nghiệp bền vững"

Ông Trần Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh BRVT

Vườn rau của bà Hiệu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học. Quá trình sản xuất các loại rau đều được giám sát, ghi nhật ký điện tử hàng ngày. Sản phẩm thu hoạch được đóng gói theo đúng quy trình, ngay tại nhà màng.

Theo bà Hiệu, làm nông nghiệp công nghệ cao không tốn quá nhiều chi phí nhân công. Trong những ngày giãn cách, một mình bà chăm sóc cả vườn rau, không cần ai phụ giúp.

"Hết chỉ thị 15 rồi chỉ thị 16, vườn rau của gia đình vẫn hoạt động ổn định. Rau tới lứa cứ xuất bán đều đều", bà Hiệu nói.

Vấn đề quan trọng là công nghệ giúp đảm bảo thu nhập cho đời sống nông dân. Lúc còn trồng rau ở ngoài trời, bà Hiệu thường xuyên gặp cảnh được mùa mất giá hoặc ngược lại.

Còn làm nông nghiệp công nghệ cao, nông dân được công ty hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Bà Hiệu kể, cứ bình quân 25 ngày sẽ thu hoạch 1 lứa rau. Sau khi trừ chi phí, 2 nhà màng hiện tại mang lại cho bà khoảng 20 triệu đồng.

"Khoản lợi nhuận này cao gấp đôi những ngày trồng rau kiểu dãi nắng dầm mưa. Mình cứ yên tâm liên kết cùng 4KFarm", bà Hiệu nói.

Nâng cao giá trị

Doanh nghiệp 4KFarm mà bà Hiệu nhắc tới là một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở BRVT.

Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu ung dung bước qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nhân viên Công ty 4KFarm thu hoạch rau trong nhà màng. Ảnh: Trần Khánh

Kỹ sư Hà Thị Hiếu, phụ trách cụm nhà màng ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ (Công ty TNHH MTV 4KFarm) cho biết, mô hình quản lý phi tập trung trong nông nghiệp được xem là công thức giúp 4KFarm cùng các nông dân liên kết vững vàng đi qua đại dịch.

Mô hình quản lý phi tập trung thực ra đã được công ty 4KFarm áp dụng ngay từ những ngày đầu mới thành lập (năm 2020). Và mùa dịch Covid-19 lần thứ tư càng cho thấy tính hiệu quả cao.

Theo kỹ sư Hiếu, xuất phát điểm của 4KFarm là mối liên kết cùng hàng trăm nông hộ nhỏ lẻ và nằm rải rác khắp tỉnh BRVT. Chính vì vùng sản xuất không tập trung nên 4KFarm cũng không có cụm nhà màng nào có quy mô lớn, mang tính tập trung.

Công ty chỉ có những nhà màng nhỏ, từ 1.000 - 1.500m2, phân bổ trong toàn tỉnh. Sản phẩm thu hoạch được sơ chế, đóng gói theo đúng quy trình ngay tại các nhà màng này. 

Quản lý phi tập trung là mô hình áp dụng các công nghệ để theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình sản xuất. Việc quản lý được thực hiện trực tuyến, không cần phải tập trung đông người nên đảm bảo giãn cách.

"Từ nhân sự quản lý cho đến người trực tiếp sản xuất có khi cả tháng trời không gặp mặt nhau", kỹ sư Hiếu nói.

Tất nhiên, việc thay đổi nhận thức của người nông dân từ canh tác truyền thống sang canh tác hiện đại, phi tập trung hoàn toàn không hề dễ dàng.

Quản lý phi tập trung đòi hỏi năng lực nhất định của những người tham gia mô hình. Khả năng truyền thông từ lãnh đạo công ty đến từng nông hộ cũng phải rõ ràng, chi tiết để mọi người triển khai tốt ý định của công ty.

Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu ung dung bước qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Theo Sở NNPTNT BRVT, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 6.880ha. Trong ảnh: Mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: Phúc Hiếu

Hiện 4KFarm đang có hơn 200 nhà màng do 80 hộ nông dân quản lý, phân bố trên địa bàn TX.Phú Mỹ, huyện Châu Đức và huyện Đất Đỏ.

"Trong suốt quãng thời gian giãn cách, những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động công ty gần như không đáng kể. Công ty vẫn hoạt động xuyên mùa dịch", kỹ sư Hiếu cho biết.

Theo ông Trần Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao đang từng bước khẳng định sự thích nghi cần thiết của nhà nông trước tình hình dịch bệnh và xu thế hội nhập.

Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện nay sẽ tập trung vào nâng cao giá trị chứ không chỉ chú trọng sản lượng. Bỡi vì nâng cao được giá trị sẽ góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập cho người sản xuất. Như thế, các hoạt động tổ chức sản xuất nông nghiệp phải áp dụng tất cả các kỹ thuật hiện đại từ canh tác cho đến thu hoạch và chế biến.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ cũng có những khó khăn nhất định, từ nguồn vốn đầu tư, nhân lực, cho đến cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.

Sau hơn 4 năm triển khai Đề án 04/2017 của Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh có 344 cơ sở sản xuất, trồng trọt ứng dụng ứng dụng công nghệ cao với 2.817,68ha; sản lượng hơn 35.252 tấn/năm. Giá trị sản xuất công nghệ cao đạt 6.077 tỷ đồng, chiếm 41,98% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem