Nông nghiệp đô thị ở Vĩnh Long, nông dân trồng cây cảnh, nuôi lươn không bùn dày đặc, ít đất vẫn giàu lên

Thứ hai, ngày 28/03/2022 19:10 PM (GMT+7)
Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), các mô hình khuyến nông, mô hình ứng dụng trong nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật…được thực hiện hàng năm, giúp các hộ dân tăng thu nhập, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác ở đô thị. Năm 2022, thành phố tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Bình luận 0

Tận dụng diện tích nhỏ sau nhà để nuôi lươn không bùn, anh Trần Văn Hải (Phường 8) cho biết: “Nuôi lươn không bùn giúp tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình nên tôi duy trì nhiều năm qua”.

Cũng tận dụng diện tích nhỏ để nuôi lươn, anh Nguyễn Hồng Sơn (Phường 5, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho rằng: “Các hộ có ít đất ở đô thị có thể nghiên cứu thực hiện mô hình này để cải thiện kinh tế gia đình vì khá hiệu quả”.

Nông nghiệp đô thị ở Vĩnh Long, nông dân trồng cây cảnh, nuôi lươn không bùn dày đặc, ít đất vẫn giàu lên - Ảnh 1.

TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) hướng đến quy hoạch chi tiết một số vùng thành vành đai rau xanh, hoa kiểng.

Anh Huỳnh Phú Lộc thì đầu tư khu vườn trong nhà màng 2.000m2 tại Phường 5 theo hướng công nghệ cao từ năm 2017. Anh Lộc cho biết, khởi đầu anh trồng xà lách nhưng xà lách dễ bị hư, giập khi vận chuyển. Vì vậy, anh nghiên cứu kỹ thuật trồng cà chua, rau và dưa lưới.

Cụ thể, anh dành 1.000m² trồng cà chua với 1 vụ/năm và thử nghiệm trồng dưa lưới trên 500m². Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, vụ đầu chỉ huề vốn, vụ thứ 2 trở đi có lời nên anh chuyển đổi tất cả diện tích sang trồng dưa lưới. Hiện anh đã mở rộng diện tích vườn dưa lưới lên gấp đôi tại Vĩnh Long và An Giang.

Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, một số mô hình nông nghiệp đô thị được triển khai hiệu quả và được nhân rộng năm 2021 như: mô hình trồng rau, dưa lưới, cà chua bi trong nhà lưới (nhà màng), sản xuất nấm ăn, trồng rau thủy canh. Bên cạnh, còn có mô hình nuôi ếch, nuôi lươn không bùn, nuôi bồ câu sinh sản theo hướng an toàn sinh học…

Cụ thể trong năm, thành phố đã thực hiện mô hình hỗ trợ phân hữu cơ sinh học cho 20 hộ dân ở 6 phường với diện tích 50.000m2. Sau 6 tháng triển khai, mô hình được chính quyền địa phương và nông dân đánh giá cao vì giúp tăng năng suất 20- 30%, giảm chi phí phân bón hóa học 30- 50%, cho thu hoạch sớm 10- 15 ngày.

Bên cạnh, hỗ trợ 35.000 con lươn giống, 30% thức ăn cho 10 hộ ở Phường 5, Phường 8. Qua đánh giá thì sau 5 tháng, lươn phát triển tốt, đạt từ 120- 250g/con, tỷ lệ hao hụt 10- 15%, cho lợi nhuận 26,5 triệu đồng/mô hình. Theo đó, một số hộ đã mở rộng diện tích chăn nuôi, như hộ anh Trần Văn Hải ở Phường 8 đã mua thêm 60.000 con giống.

Nông nghiệp đô thị ở Vĩnh Long, nông dân trồng cây cảnh, nuôi lươn không bùn dày đặc, ít đất vẫn giàu lên - Ảnh 3.

Nuôi lươn không bùn giúp tận dụng diện tích nhỏ, tăng thu nhập của nhiều nông dân TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Mặt khác, trong năm, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với Trạm Khuyến nông thành phố triển khai các phường vận động hộ dân đăng ký tham gia 3 mô hình (từ nguồn kinh phí khuyến nông tỉnh hỗ trợ) gồm: nuôi ếch trong bể, nuôi bồ câu sinh sản theo hướng an toàn sinh học, trồng hoa kiểng trong chậu.

Trong đó, hộ tham gia mô hình nuôi bồ câu sinh sản theo hướng an toàn sinh học được hỗ trợ về giống, thức ăn, cho lợi nhuận trung bình trong năm đầu là 4,3 triệu đồng/hộ, năm thứ 2 trở đi lợi nhuận bình quân 12 triệu đồng/hộ.

Theo Phòng Kinh tế thành phố, nhìn chung, các mô hình được các ngành chức năng đầu tư đều mang lại hiệu quả, bước đầu mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp đô thị.

Theo đó, việc phát triển và nhân rộng các mô hình còn là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất canh tác trong thời gian tới.

Năm 2022, thành phố tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh, tiếp tục nghiên cứu áp dụng thử nghiệm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Cũng theo Phòng Kinh tế thành phố, cùng với quá trình đô thị hóa, giá đất ở phường của thành phố liên tục biến động theo xu hướng tăng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất ở, các loại đất phi nông nghiệp… khiến đất sản xuất nông nghiệp vốn đã ít lại càng bị thu hẹp, manh mún, nhỏ lẻ.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu, mưa lũ, triều cường, sạt lở… cũng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của thành phố. Do đó, sản xuất nông nghiệp cần tăng cường ứng dụng tốt tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tập trung vào mặt hàng nông sản có giá trị cao, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, tạo sự đột phá trong sản xuất, tăng thu nhập.

Đặc biệt, sản xuất theo hướng đầu tư sinh học, sản xuất hàng hóa tập trung (chủ yếu phát triển hoa kiểng, cây ăn trái, nuôi thủy sản đặc sản). Bên cạnh, tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả; hướng đến hình thành chuỗi sản xuất- tiêu thụ với nông dân là trung tâm.

Đặc biệt, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng- lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng. Đồng thời, quy hoạch chi tiết một số vùng ở các phường tạo thành vành đai rau xanh, sạch và hoa kiểng; khuyến khích mở rộng nuôi trồng thủy sản…

Sông Hậu (Báo Vĩnh Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem