Nông nghiệp - trụ đỡ qua gian khó (bài 2): Sức mạnh từ những nhà máy chế biến nông sản

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 12/11/2020 10:07 AM (GMT+7)
Giai đoạn 2016 - 2020 đánh dấu bước phát triển đột phá của ngành nông nghiệp, chương trình tái cơ cấu ngành đã giúp nông nghiệp tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng mạnh xuất khẩu.
Bình luận 0

Duy trì đà tăng trưởng

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành nông nghiệp duy trì được tăng trưởng khá, vượt mục tiêu đề ra và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng được cải thiện hơn; góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng chung của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Nông nghiệp - trụ đỡ qua gian khó (bài 2): Những bước đi đột phá - Ảnh 1.

Tập đoàn TH đầu tư nhà máy chế biến nông sản hiện đại ở Sơn La. Ảnh: T.B

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ trong những lúc khó khăn của nền kinh tế, như đại dịch Covid-19; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

"Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ trong những lúc khó khăn của nền kinh tế, như đại dịch Covid-19; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của ngành trong giai đoạn vừa qua là chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả tổ chức lại sản xuất và đổi mới các hình thực tổ chức sản xuất nông lâm thủy sản. Phát triển mạnh hợp tác xã hoạt động hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên...

Điều này có thể thấy rất rõ trong lĩnh vực trồng trọt. Đến nay, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao/diện tích gieo trồng lúa đạt trên 70%, cao hơn so với mức 50% của năm 2015. Công tác bảo vệ thực vật, quản lý phân bón ngày càng hiệu quả hơn theo hướng nâng cao chất lượng, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt năm 2020 ước đạt 1,55%, tương đương mức tăng của năm 2015, gần đạt kế hoạch. Thu nhập trên 1ha đất trồng trọt năm 2020 ước đạt trên 101,5 triệu đồng/ha, tăng trên 20% so với năm 2015.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đối tượng vật nuôi được cơ cấu lại theo thứ tự ưu tiên các loại sản phẩm chính từ chăn nuôi lợn, gà, bò thịt, bò sữa. Tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2020 ước đạt 6,3%, cao hơn mức 4,32% của năm 2015 và kế hoạch đề ra. 

Tổng sản lượng thịt hơi tăng cao, năm 2020 ước đạt 5,7 triệu tấn tăng 19% so với năm 2015. Sản lượng sữa tươi đạt 1,42 triệu tấn, tăng 54% so với năm 2015. Trứng các loại đạt 13,85 tỷ quả, tăng 56% so với năm 2015.

Trong lĩnh vực thủy sản, phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 ước tăng 3,2%, cao hơn so với mức tăng 3,1% của năm 2015, đạt kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. 

Giá trị sản phẩm trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản 238 triệu đồng/ha, tăng trên 55,2 triệu đồng/ha so với năm 2015. Sản lượng thủy sản liên tục tăng...

Với ngành lâm nghiệp, hầu hết các chỉ số cơ bản về bảo vệ và chăm sóc, phát triển rừng đều tăng cao. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt bình quân 5,62%, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 3,52%, vượt mục tiêu kế hoạch (3,5%). Tỷ lệ che phủ rừng liên tục tăng qua các năm, năm 2020 ước tính đạt 42%. 

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ bình quân 5 năm đạt trên 9,5 tỷ USD và liên tục tăng qua các năm, đến năm 2020 ước đạt 11,5 tỷ USD, gấp 1,57 lần năm 2016 và vượt kế hoạch 35,29%.

Thúc đẩy chế biến sâu

Nông nghiệp - trụ đỡ qua gian khó (bài 2): Những bước đi đột phá - Ảnh 3.

Nông dân thị xã Kinh Môn, Hải Dương chuyển đổi trồng cây ăn trái, cho thu nhập cao. Ảnh: P.V

Cả nước hiện có:

* 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản

* Hơn 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Sự phát triển mang tính đột phá của ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 chính là sự nở rộ của các dự án chế biến nông sản.

 Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông lâm thủy sản. 

Công nghiệp chế biến, bảo quản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực. Tăng nhanh số lượng cơ sở chế biến quy mô công nghiệp; tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp.

 Cả nước có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, tăng trên 13.000 doanh nghiệp so với năm 2015; có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015.

Nhờ thúc đẩy chế biến sâu, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt ở trên 196 quốc gia. Đáng chú ý là, xuất khẩu nông sản tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế; như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản. 

Một số nông sản lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đồng thời, coi trọng thúc đẩy mạnh mẽ, mở rộng tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa.

Hình thành nông thôn đáng sống

Trong 5 năm 2016 - 2020, chương trình xây dựng nông thôn mới đánh dấu một bước chuyển căn bản về chất như: Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn; sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại, bền vững hơn, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, phát triển hợp tác xã kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển môi trường và văn hóa cộng đồng...

Hết năm 2020 ước có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn so với mức 17,5% của năm 2015 (tăng 45,5 điểm %); có 165/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cao hơn so với mức 15 đơn vị của năm 2015 (tăng 150 đơn vị). Tổng nguồn lực huy động 5 năm 2016 - 2020 khoảng 2.115.677 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với 5 năm 2011 - 2015.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, phát triển các sản phẩm chủ lực cấp địa phương, thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

 Số lượng địa phương tham gia, số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP liên tục tăng; đến hết năm 2020, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án, kế hoạch OCOP cấp tỉnh; các địa phương đánh giá, phân hạng và công nhận 2.400 sản phẩm OCOP (đạt 100% kế hoạch).

Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 5,46% năm 2019 và khoảng 4,2% năm 2020. Đã có 73,9% số xã đạt tiêu chí về Tỷ lệ hộ nghèo, tăng 20,5% so với năm 2015.

Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong 5 năm 2016-2020, các công trình thủy lợi đã tăng năng lực tưới thêm trên 97.000ha (năm 2015 là 35.000ha).

Công tác phòng, chống thiên tai đã được đặc biệt quan tâm, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa làm chính. Nhờ vậy, mặc dù thiên tai trong những năm gần đây diễn ra phức tạp và bất thường hơn nhưng thiệt hại về người và tài sản đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem