Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn năm 2023

Thành An Thứ ba, ngày 27/09/2022 11:21 AM (GMT+7)
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong năm 2023.
Bình luận 0

Sáng 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 47/2022 về chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 23/2022 về chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Phát biểu khai mạc và điều hành Hội nghị, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Hội nghị đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và sẽ là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các nội dung giám sát năm 2023.

Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn năm 2023 - Ảnh 1.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc và điều hành Hội nghị. Ảnh: QH.

Nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, bên cạnh các hoạt động định kỳ như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, các chức danh do Quốc hội bầu có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… Các chức danh do Quốc hội phê chuẩn có các phó thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành...

Được biết, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với 3 mức độ: "Tín nhiệm cao"; "Tín nhiệm" và "Tín nhiệm thấp".

Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sẽ được tiến hành tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (dự kiến cuối năm 2023).

Ông Cường đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để cho ý kiến công tâm, khách quan tại kỳ họp.

Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ với Tổng Thư ký Quốc hội để tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn năm 2023 - Ảnh 3.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023. Ảnh: QH.

Hai chuyên đề sẽ được được Quốc hội giám sát

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, về hoạt động giám sát chuyên đề, năm 2023 Quốc hội giám sát 2 chuyên đề.

Chuyên đề thứ nhất là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Kỳ họp thứ 5.

Chuyên đề thứ hai là việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại Kỳ họp thứ 6.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề. Trong đó, chuyên đề thứ nhất về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại phiên họp tháng 8/2023.

Chuyên đề thứ hai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 tại phiên họp tháng 9/2023.

Theo ông Cường, việc lựa chọn địa bàn giám sát cần lưu ý nghiên cứu lựa chọn những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt và chưa tốt để có cơ sở đánh giá đầy đủ các mặt của lĩnh vực. Tận dụng tối đa những kết quả giám sát đã thực hiện trước đây, kết quả của thanh tra, kiểm toán cũng như kết quả giám sát của HĐND cấp tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội để có thêm thông tin làm cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác.

Việc giám sát kiến nghị của cử tri cần tập trung vào những vấn đề bức xúc, kéo dài, những vấn đề cử tri ở nhiều địa phương quan tâm và những vấn đề đã được kiến nghị nhiều lần qua nhiều kỳ họp Quốc hội mà chưa được giải quyết dứt điểm.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát, ông Cường đề nghị thời gian tới cần quan tâm triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp ở nhiều khía cạnh.

Trong đó giám sát chuyên đề, xem xét báo cáo, thực hiện chất vấn, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc trả lời kiến nghị, giải quyết khiếu nại của các cơ quan.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Vụ Pháp luật có nhiều lúc ở trong tình trạng "quá tải"

Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, qua thực tiễn tham mưu, phục vụ triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật năm 2022, Ủy ban Pháp luật nhận thấy tuy đã có nhiều cố gắng và có chuyển biến tích cực nhưng trong hoạt động của Ủy ban, Thường trực Ủy ban Pháp luật vẫn chưa khắc phục được sự thiếu cân đối giữa các hoạt động phục vụ công tác xây dựng pháp luật với hoạt động giám sát.

Cùng đó, việc phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong việc tham mưu, phục vụ các đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong một số trường hợp còn chưa thật rõ ràng.

Ngoài ra, việc mời chuyên gia tham gia các tổ giúp việc còn có khó khăn, do số lượng chuyên gia ít trong khi nhiều tổ lại hoạt động trong cùng thời điểm; chế độ đãi ngộ đối với chuyên gia thấp nên khó thu hút được các chuyên gia giỏi; còn tình trạng cơ quan chịu sự giám sát chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo theo yêu cầu, chưa nghiêm túc thực hiện một số kiến nghị giám sát, yêu cầu tại các kết luận, nghị quyết về giám sát chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát cũng chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên...

"Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do khối lượng công việc thường xuyên được giao phụ trách của Ủy ban Pháp luật về xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng theo quy định của pháp luật, các nhiệm vụ, đề án, văn bản theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội tương đối nhiều. Thường trực Ủy ban Pháp luật và Vụ Pháp luật có nhiều lúc ở trong tình trạng "quá tải", đặc biệt khi có nhiều công việc phát sinh đột xuất ngoài chương trình, kế hoạch...", bà Thủy cho hay.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giám sát những tháng cuối năm 2022 và Chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội năm 2022…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem