Nông sản thắng thế trong cuộc đua vào EU

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 05/10/2020 09:01 AM (GMT+7)
Trong số 15.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 xuất khẩu đi 28 nước châu Âu (EU), hàng nông sản chiếm vị trí rất quan trọng.
Bình luận 0

Thủy sản, trái cây thắng lớn

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8) đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, vali, rau quả, sản phẩm mây, tre đan, hàng điện tử... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh. Nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. 

"Điều này cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam" - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Nông sản thắng thế trong cuộc đua vào EU - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm sang EU tăng sau EVFTA. Ảnh tư liệu

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong đó, xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).

Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu tăng phổ biến từ 80 - 200USD/tấn tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Trong tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước đó.

Ông Mathijs van den Broek -thành viên Ban điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) cho biết, EU là một thị trường có nhu cầu ổn định về rau quả (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu).

Quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu EU thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp rau quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm.

"Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam" - ông Mathijs van den Broek nói.

EVFTA có tác động dài hơi

Dù EVFTA đã bước đầu có những tác động tích cực tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU, tuy nhiên trao đổi với phóng viên, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, tác động của EVFTA là sự tác động trong thời gian dài chứ ngay lập tức nửa cuối năm thì chưa nhiều. Bởi vì, Việt Nam chưa nhiều doanh nghiệp bắt nhịp được để đưa hàng hóa vào thị trường EU theo tiêu chuẩn của EU.

Với EVFTA, hy vọng lớn nhất của Việt Nam là nhập được công nghệ hiện đại từ thị trường EU để cải thiện được năng lực xuất khẩu, nhất là khu vực 100% vốn trong nước. Muốn làm được khâu đó phải có độ trễ chứ không thể thể hiện ngay nửa cuối năm nay.

"Tôi cho rằng đừng kỳ vọng quá nhiều vào sự thay đổi thần kỳ của EVFTA cho xuất khẩu hàng hóa nửa cuối năm, không nhanh được như vậy" - chuyên gia Phạm Tất Thắng nói.

Từ nay tới cuối năm, để giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục đôn đốc, tổng hợp kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, triển khai các kế hoạch này.

Dù EU là thị trường nhập khẩu nông sản, rau quả đầy tiềm năng nhưng thực tế cho thấy đến nay, lượng rau quả nhập khẩu của EU từ Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU.

Nông sản thắng thế trong cuộc đua vào EU - Ảnh 2.

Xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho hay, do sản phẩm của Việt Nam và EU mang tính bổ trợ, EU có thế mạnh về trái cây ôn đới, trong khi thế mạnh của Việt Nam là trái cây nhiệt đới. Do đó, dư địa xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU rất lớn.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, EU là thị trường "khó tính", có yêu cầu rất khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm...

Khi xuất khẩu rau, quả sang EU, nếu bị vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp mà cả ngành rau quả Việt Nam. Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý thêm, dù mở cửa về thuế quan nhưng hàng rào kỹ thuật của EU rất khắt khe nên các doanh nghiệp, nông dân cần chú ý, tìm hiểu kỹ về yêu cầu của thị trường. Theo đó, doanh nghiệp và nông dân cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem