Nông sản Trung Quốc “đội lốt” hàng Đà Lạt: Bức xúc và bế tắc

Khải Huyền Thứ sáu, ngày 24/08/2018 10:39 AM (GMT+7)
Nông sản Trung Quốc đội lốt Đà Lạt không phải chuyện mới mà đã là “nỗi đau” của cả người dân Lâm Đồng và người tiêu dùng nhiều năm qua. Nhưng đến khi thương nhân mang cả đất Đà Lạt xuống TP.HCM để “hóa kiếp” nông sản Trung Quốc thì câu chuyện càng trở nên bế tắc.
Bình luận 0

Chị Hoàng Thị Lâm (ngụ phường 1, quận Bình Tân, TP.HCM) ghé chợ Hồ Học Lãm chọn mua khoai tây cho bữa tiệc gia đình vào ngày mai. Chị Lâm cho biết, thông thường chị chọn mua khoai tây Đà Lạt dựa vào kích cỡ củ, thường nhỏ hơn khoai tây Trung Quốc, màu sắc sẫm hơn và đặc biệt là có lớp đất đỏ Đà Lạt rất đặc trưng.

Nhưng gần đây khi đi chợ, chị không còn tự tin vào khả năng phân biệt giữa hàng Đà Lạt và nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc như trước đây nữa. Hầu hết các sản phẩm trên thị trường đều được tiểu thương giới thiệu là “hàng xịn Đà Lạt”, rồi có hàng trăm lý do để trả lời thắc mắc của người mua khi họ nghi ngờ đó là nông sản Trung Quốc.

“Lúc tôi thấy khoai tây củ to quá thì tiểu thương bảo ngay là do giống mới, nông dân Đà Lạt bây giờ giỏi lắm nên trồng được khoai kích cỡ lớn. Rồi lúc tôi thấy vỏ khoai bóng láng quá thì người bán lại bảo, do thời tiết tốt nên… khoai đẹp. Bây giờ, thêm chuyện tiểu thương trộn đất Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc nữa thì người tiêu dùng coi như… hết đường tránh”, chị chia sẻ.

img

Tiểu thương dùng đất đỏ Đà Lạt phủ lên khoai tây Trung Quốc trước khi bán cho khách hàng, với tên hàng hóa là "khoai tây Đà Lạt". Ảnh: IT.

Chị Mai Hương, tiểu thương bán hàng rau củ quả tại chợ Hồ Học Lãm, cho biết với những người kinh doanh trong nghề, việc phân biệt nông sản Trung Quốc với hàng nội địa có thể dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do người tiêu dùng hiện nay không thích sử dụng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nên người bán thường phải “nói tránh” để dễ bán hàng.

“Ngay cả các siêu thị lớn cũng chưa chắc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ chính xác của nông sản. Vì nông sản thường theo mùa, mà hiện nay hàng hóa được bày bán quanh năm với số lượng lớn. Vào mùa khan hiếm hàng thì phải nhập hàng Trung Quốc về bán thôi”, chị phân tích.

Cũng theo chị Hương, việc nhập hàng về chợ bán do các tiểu thương “tự thân vận động”, Ban Quản lý chợ chỉ kiểm tra chung tình hình an ninh trật tự ở chợ, kiểm tra vệ sinh, quang cảnh tại các quầy hàng. Còn về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, Ban Quản lý thường chỉ kiểm tra khi có vấn đề.

Trong khi đó, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức là nơi cung cấp hàng nông sản dạng sỉ lớn nhất khu vực TP.HCM. Đây cũng là nơi tập trung các lô hàng Trung Quốc nhập khẩu về trước khi phân phối đến tay người tiêu dùng tại các chợ nhỏ, lẻ.

Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Phòng Kinh doanh tiếp thị Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết, mỗi ngày có khoảng 250 tấn nông sản Trung Quốc nhập về chợ. Các mặt hàng bao gồm: trái cây như lựu, lê, mận, táo, nho, hành khô, tỏi khô, gừng, khoai tây, cà rốt, bắp cải, súp lơ…

Theo quy trình, nông sản Trung Quốc nhập chợ chủ yếu bằng xe container, khi vào chợ phải trình phòng quản lý bốc xếp hợp đồng vận chuyển và hồ sơ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Chỉ có những xe có đủ hồ sơ trên thì mới được đưa về chợ kinh doanh. Khi nhập chợ, hàng Trung Quốc đều được đóng gói và có dán nhãn phụ bằng tiếng Việt thông tin về nhà nhập khẩu theo quy định.

img

Thông thường, khoai tây Trung Quốc có kích cỡ lớn, da bóng láng và vỏ ngoài ít trầy xước hơn so với khoai tây được trồng tại Đà Lạt. 

Ông Phương nhận định, trường hợp nông sản Trung Quốc trước khi về chợ đã ghé đâu đó để đổi nhãn mác và trộn chung với nông sản Việt thì Ban quản lý chợ không thể kiểm soát được. Theo ông Phương, nông sản nhập khẩu từ biên giới về chợ đầu mối cơ bản tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc khi trên từng thùng hàng đều có thông tin chi tiết về hàng hóa.

Tuy nhiên, khi hàng ra chợ lẻ lại không được kiểm soát tiếp nên mới xảy ra tình trạng đánh tráo xuất xứ, nhất là khi người tiêu dùng có tâm lý không thích hàng Trung Quốc nên tiểu thương phải che giấu nguồn gốc hàng hóa để dễ bán hàng.

Để “chống” tình trạng nông sản Trung Quốc đội lốt hàng Đà Lạt, gây ảnh hưởng tới uy tín cũng như thu nhập của nông dân Đà Lạt, cuối năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt.

Theo đó, từ năm 2018, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra tình hình sản xuất, tiêu dùng khoai tây, thống kê diện tích, năng suất, sản lượng, giống khoai tây, số hộ, cơ sở đang sản xuất, kinh doanh khoai tây Đà Lạt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản, việc ngành nông nghiệp Lâm Đồng hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất bao bì nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, cần có các rào cản kỹ thuật, rào cản về thuế cũng như các hành lang pháp lý… đủ mạnh để xử lý tình trạng thương nhân nhập khẩu hàng Trung Quốc về rồi “phù phép” thành nông sản Đà Lạt.

Liên tiếp trong hai ngày 21 - 22/8 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện nhiều trường hợp tiểu thương "hóa phép" nông sản nhập khẩu Trung Quốc thành hàng có nguồn gốc Đà Lạt. 

Cụ thể, sáng 22/8, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bắt quả tang một cơ sở trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để bán ra thị trường với khối lượng khoảng 4 tấn. Số hàng này được chủ hàng khai là trộn đất đỏ Đà Lạt theo yêu cầu của khách hàng ở chợ đầu mối TP.HCM. 

Trước đó, ngày 21/8, đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Đà Lạt khi kiểm tra một số cơ sở kinh doanh tại chợ nông sản Đà Lạt cũng phát hiện tiểu thương đang trộn đất vào khoai tây trước khi giao cho khách.

Tang vật thu giữ gồm 1 máy  nổ, 1 máy rửa và 1 tấn khoai tây Trung Quốc đã sơ chế phủ đất cùng nhiều hóa đơn bán hàng. Số khoai tây tại cửa hàng sẽ được tẩy rửa lớp đất cũ rồi phủ lớp đất đỏ Đà Lạt lên trên trở thành "khoai tây Đà Lạt", đưa về TP.HCM tiêu thụ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem