Nông sản vào EU sau khi EVFTA có hiệu lực: Muốn bền lâu phải làm chuyên nghiệp

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 21/09/2020 13:57 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc được hưởng các ưu đãi về thuế quan sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực chỉ là bước khởi đầu để nông sản Việt thâm nhập vào thị trường EU.
Bình luận 0

Về lâu dài, việc sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm phải được ưu tiên hàng đầu.

Thêm gạo tấn công thị trường EU

Tuần qua được xem là một tuần sôi động của xuất khẩu nông sản Việt Nam với việc lần lượt các lô hàng đầu tiên lên đường đến thị trường châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực: Tôm, cà phê, chanh leo, trái cây. 

Và ngày 22/9, những lô hàng gạo thơm đầu tiên được hưởng ưu đãi thuế quan nhờ EVFTA sẽ chính thức lên đường sang EU, chinh phục thị trường vô cùng khó tính này. Có 9 loại gạo thơm được hưởng hạn ngạch xuất khẩu sang EU.

Theo Bộ NNPTNT, hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 6,4 -7 triệu tấn gạo đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Điều đáng ghi nhận, các giống OM5451, OM4900, Hương Nhài 85, ST20, RVT, VD20, Nàng hoa 9, Tài nguyên Chợ Đào thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan chiếm khoảng 43 - 46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm, với trên 3 triệu tấn.

Đưa nông sản vào EU sau khi EVFTA có hiệu lực: Muốn bền lâu phải làm chuyên  nghiệp - Ảnh 1.

Đóng gói sản phẩm dừa tươi chuẩn bị xuất khẩu sang EU, tại nhà máy ở huyện Châu Thành, Bến Tre. Ảnh: N.D

Điều dễ dàng nhận thấy là những ưu đãi về thuế quan đã giúp kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU tăng đáng kể chỉ sau hơn 1 tháng EVFTA chính thức đi vào thực thi. Ước tính sơ bộ cho thấy, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU tháng 8/2020 đạt 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng 7/2020.

Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU đạt 50.000 tấn, trị giá 28,5 triệu euro, trong khi tổng nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn, kim ngạch 1,4 tỷ euro. So với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, bằng 1/10 Myanmar, bằng 1/4 Campuchia.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào EU là rất lớn khi EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm); đồng thời EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.

"Xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19. Bộ NNPTNT luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: "Tập đoàn Lộc Trời ý thức rõ việc hàng hóa muốn xuất khẩu vào thị trường EU cần đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng. Và với chiến lược tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và năng lực sản xuất luôn đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp, Tập đoàn Lộc Trời sẽ nỗ lực tận dụng hiệu quả những ưu đãi mà Nhà nước đã mang lại, đưa hạt gạo Việt nói riêng và nông sản Việt nói chung đến các thị trường khắp thế giới".

Giá trị xuất khẩu nông sản tăng sau EVFTA

Trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU. 7 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu trái cây đạt 59,18 triệu USD (chiếm 73,54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang EU), trong đó các loại trái cây chưa qua chế biến (tươi, khô, đông lạnh...) chiếm tới 49,6%, trái cây chế biến chiếm 33,4%... 

Trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước, và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.

"Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn để đảm bảo các sản phẩm không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật...".

Ông Lê Quốc Doanh -

Thứ trưởng Bộ NNPTNT

Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam. Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế cắt giảm sâu (từ 6-30%) và theo lộ trình tương đối nhanh (nhiều mặt hàng 1-6 năm). 

Mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam.

Chanh leo là loại trái cây được ưa chuộng ở châu Âu, trong khi đó, Việt Nam nổi lên như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất. 

Từ 2015 - 2018, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo đã tăng hơn 300%, tương ứng từ 95.000 tấn quả tươi/năm (2015) lên 300.000 tấn quả tươi (2018); kim ngạch xuất khẩu từ 19,6 triệu USD lên 66,2 triệu USD, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới. 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chanh leo đạt 18,4 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang EU sau EVFTA cũng có sự tăng trưởng ngoạn mục. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020, tập trung vào tôm và mực…

Tương tự, với mặt hàng cà phê, việc evfta có hiệu lực từ 1/8/2020 đã bước đầu cho thấy những kết quả tích cực. Tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, việc được hưởng các ưu đãi về thuế quan có thể mang lại những thuận lợi trước mắt cho nông sản Việt Nam ở thị trường EU, tuy nhiên, về lâu dài, việc sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng. 

"Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn để đảm bảo các sản phẩm không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Với riêng cà phê, phấn đấu đưa Việt Nam là điểm tham chiếu cho sản xuất, chế biến cà phê robusta toàn cầu" - ông Doanh nhấn mạnh. 

img

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Cần quan tâm phát triển nông sản hữu cơ

Để tận dụng được những ưu đãi từ thị trường EU, các địa phương, doanh nghiệp cần xác định nhóm ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, mang tính bổ trợ để tập trung thúc đẩy xuất khẩu vào EU như: Thủy sản, cà phê, hạt điều, tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ, trái cây cả tươi và chế biến, gạo... là các sản phẩm xuất khẩu chính sang EU.

Trong đó cần quan tâm đến phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng, việc làm và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan của EVFTA đối với nông sản đã qua chế biến.

Doanh nghiệp cần cùng nhà nước, nông dân liên kết chặt chẽ để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu như vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc… để mở rộng thị trường sang EU.

img

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT): Xuất khẩu nông sản sang EU rất khả quan

Mặt hàng cà phê được nhận định có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 - 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA thực thi, có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn của cà phê Việt Nam tại thị trường EU.

Trong gần 1 tháng triển khai EVFTA, những tác động tích cực đã lan tỏa đến ngành gạo xuất khẩu, cụ thể giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Rau, quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8/2020.

P.V (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem