Nông sản Việt - từ nỗi lo đủ ăn tới kỳ tích thế giới!

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 29/04/2023 13:09 PM (GMT+7)
Kể từ năm 1989 - lần đầu tiên hạt gạo Việt được ra thế giới, đến nay gạo Việt cũng như nhiều nông sản khác của Việt Nam đã khẳng định được uy tín trên thị trường, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản.
Bình luận 0

Không chỉ khẳng định vị trí trụ đỡ nền kinh tế, nông nghiệp còn là cách Việt Nam giới thiệu hình ảnh, bản sắc, văn hóa Việt ra thế giới.

Lập những kỳ tích

Sau 10 năm, kỳ tích của xuất khẩu gạo năm 2012 đã lặp lại khi kết thúc năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7 triệu tấn với trị giá 3,5 tỷ USD. Đây là một kết quả đầy ấn tượng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Gạo Việt đã vượt qua "cái bóng" của gạo Thái Lan hay Campuchia để xác lập vị thế mới với thương hiệu riêng và chất lượng tốt hơn. 

gop/ Từ việc lo đủ ăn, tới khẳng định thương hiệu nông sản Việt - Ảnh 1.

Lễ xuất khẩu vải thiều sớm Tân Yên sang Nhật Bản. Ảnh: T.L

"Tôi tưởng tượng buổi sáng nào đó ở quốc gia nào đó, người ta ăn cơm sẽ nói đây là gạo Việt Nam, ăn cá, ăn xoài sẽ nói đây là là cá, là xoài của Việt Nam. Chữ Việt Nam sẽ vang lên ở từng quốc gia thế giới trong ngôi nhà 8 tỉ người này".

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

Nhìn nhận kết quả xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng: "Kết quả trên không phải là may rủi mà là một quá trình. Chúng ta chọn tạo bộ giống lúa, đáp ứng yêu cầu các thị trường từ thấp cấp đến cao cấp. Về canh tác, công tác khuyến nông đã nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; đồng thời doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX sản xuất gạo để đáp ứng các tiêu chí của các nước có yêu cầu xuất khẩu cao như Mỹ, EU".

Đối với ngành thủy sản, năm 2022 xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2021. Đây là con số kỷ lục sau hơn 20 năm ngành thủy sản gia nhập thị trường xuất khẩu nông sản. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần của thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy. 

Đáng chú ý, năm 2022, xuất khẩu thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị, trong đó có sự đột phá của nhiều mặt hàng như: Cá tra, tôm, cá ngừ...

gop/ Từ việc lo đủ ăn, tới khẳng định thương hiệu nông sản Việt - Ảnh 3.

Xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu chạm mốc 11 tỷ USD. Ảnh: T.C

gop/ Từ việc lo đủ ăn, tới khẳng định thương hiệu nông sản Việt - Ảnh 4.

Ngành thủy sản Việt Nam không chỉ hội nhập sớm đủ điều kiện tương đương vào "danh sách 1" được phép xuất khẩu vào EU từ năm 1999 (trước khi Việt Nam là thành viên WTO) với 19 doanh nghiệp có mã được xuất khẩu, sau nhiều năm nỗ lực thì đến nay (tháng 4/2023) đã có 692 nhà máy có mã xuất khẩu EU (tăng 36,5 lần).

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đứng trong top 10 ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước; đã thúc đẩy và tạo việc làm, sinh kế cho hơn 4 triệu lao động trực tiếp (chưa tính gián tiếp).

Gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng là một điểm sáng trong xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong thập niên qua, tăng trưởng xuất khẩu của ngành luôn đạt 2 con số mỗi năm. 

Kim ngạch xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 trong các ngành hàng xuất khẩu (chỉ sau điện thoại, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc, da giày, dệt may); xuất khẩu sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữ vị trí thứ nhất Đông Nam Á, thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 5 trên thế giới (Trung Quốc, Đức, Ba Lan, Italia); giá trị xuất siêu trung bình từ 8-10 tỷ USD mỗi năm. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỷ USD.

Năm 2022 cũng chứng kiến nhiều loại trái cây của Việt Nam được phép xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. Theo đó, bưởi da xanh được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ; chanh leo, chuối sang Trung Quốc; chanh sang New Zealand. Hải quan Trung Quốc cũng đã ký nghị định thư cho phép khoai lang, tổ yến của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 

Sau nhiều năm gia nhập thị trường xuất khẩu, Việt Nam đã khẳng định được vị thế là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu. Năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, trong đó xuất siêu hơn 9 tỷ USD, chiếm hơn 70% xuất siêu của nền kinh tế.

Xuất khẩu nông sản là giới thiệu hình ảnh, văn hóa Việt Nam

Tại một hội nghị của ngành ngoại giao Việt Nam, nói về thành tích xuất khẩu nông lâm thủy sản ấn tượng của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Những con số đó chưa nói lên hết ý nghĩa của xuất khẩu nông sản. Tôi tưởng tượng buổi sáng nào đó ở quốc gia nào đó người ta ăn cơm sẽ nói đây là gạo Việt Nam, ăn cá, ăn xoài sẽ nói đây là là cá, là xoài của Việt Nam. Chữ Việt Nam sẽ vang lên ở từng quốc gia thế giới trong ngôi nhà 8 tỷ người này. Việc mua bán nông sản không chỉ là con số vô hình mà là cảm xúc, là những thể hiện hữu hình, là hình ảnh Việt Nam, thương hiệu quốc gia. Hình ảnh đất nước Việt Nam có người nông dân Việt Nam".

Với con số xuất nhập khẩu nông sản ngày càng tăng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng qua đó chúng ta càng ngày càng nhìn được đặc điểm của thị trường để cho những năm sau, những mặt hàng nào lợi thế cạnh tranh không cao để chuyển đổi phù hợp.

Bộ trưởng cho biết, qua các chuyến công tác nước ngoài, tiếp xúc với Việt kiều, ông nhận thấy có những điều cần chuyển đổi với từng khu vực, từng thị trường, nơi có các đặc điểm, văn hóa tiêu dùng riêng. Trong một thế giới phức tạp kèm theo những biến động thay đổi trong tiêu dùng, ngành nông nghiệp phải thích ứng một cách chủ động.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề xuất nên có sự phối hợp giữa các bộ ngành như nông nghiệp, văn hóa, du lịch với ngành ngoại giao: "Khi đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm văn hóa ra nước ngoài có sự kết hợp với nhau thì không gian tiếp thị bổ sung cho nhau, mở rộng không gian quảng bá văn hóa, tiết kiệm cho Nhà nước".

Về kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta không phải "một mình một chợ", do đó Bộ NNPTNT hay các cơ quan hoạch định chính sách... phải đánh giá "biết người biết ta", chúng ta mạnh chỗ nào, người khác mạnh chỗ nào, chúng ta yếu chỗ nào... Từ đó tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng xuất khẩu, tạo ra một liên minh của những nhà xuất khẩu, chứ không phải chúng ta đi buôn chuyến. Cần tư duy lại toàn bộ từng loại ngành hàng nông sản. Đây chính là nội dung trong nghị quyết của Đảng yêu cầu chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang đa giá trị. Ví dụ ẩn đằng sau nông sản như hạt gạo, trái soài, trái cam... là thương hiệu Việt Nam.

"Bộ NNPTNT sẽ tổ chức lại tất cả các ngành hàng. Tại đây, Bộ sẽ phối hợp cùng với các hiệp hội ngành hàng, người nông dân, địa phương... bắt đầu từ huấn luyện, tổ chức, thay đổi tư duy" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định. 




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem