Nông thôn mới Kiên Giang, đi chợ ở quê thời 4.0 không mang theo tiền vẫn mua bán vô số hàng

Ngọc Quyên Thứ ba, ngày 25/04/2023 10:35 AM (GMT+7)
Thị trấn Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đã ra mắt mô hình chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thực hiện mô hình thanh toán hiện đại trong quá trình xây dựng nông thôn mới số...
Bình luận 0

Sau gần 4 tháng triển khai kế hoạch thực hiện mô hình chợ 4.0, Đảng ủy, UBND thị trấn Giồng Riềng đã phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Giồng Riềng Kiên Giang II và một số đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, vận động các doanh nghiệp, các cơ sở, hộ tiểu thương kinh doanh, mua bán trên đại bàn thị trấn đăng ký tạo mã quét QR, cài đặt các ứng dụng như VietQR của Agribank hay ứng dụng VNPT Money, Viettel Money. Qua đó, đã có trên 60 doanh nghiệp, hộ tiểu thương tham gia thực hiện.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Ánh Tuyết, một tiểu thương áp dụng phương thức thanh toán quét mã QR và chuyển tiền qua số điện thoại tại chợ Giồng Riềng từ ngày 21/3 đến nay, cho biết: "Phương thức thanh toán này có nhiều tiện ích như khỏi phải trả lại tiền thừa cho khách, không sợ khách trả tiền giả, tiết kiệm thời gian, dễ quản lý tiền vào tiền ra...".

Kiên Giang: Tiện lợi mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiền (thứ tư, từ phải qua) - Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo thị trấn Giồng Riềng trong lễ ra mắt mô hình chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: NQ.

Được phân công tham gia tổ tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương tại chợ Giồng Riềng cài đặt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, anh Trần Đắc Hy - Phó Bí thư Đoàn cơ sở thị trấn Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), cho biết: "Đa số tiểu thương đã từng sử dụng tài khoản ngân hàng nên khi hướng dẫn cài mã QR đều hưởng ứng tích cực. Một số người lại thích cài ví điện tử của các nhà mạng hơn vì chuyển tiền không tốn phí, liên kết được với 15-20 ngân hàng, hàng tháng lại không tốn phí hàng tháng".

Theo ông Trần Văn Thanh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Giồng Riềng, ngoài mục tiêu kích thích hoạt động mua sắm, góp phần tăng trưởng khu vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn, việc đưa vào thực hiện mô hình chợ 4.0 còn nhằm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, góp phần xây dựng thị trấn Giồng Riềng trở thành đô thị loại IV vào năm 2025 như nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Kiên Giang: Tiện lợi mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 2.

Chợ Giồng Riềng là chợ đầu mối, cung ứng lượng lớn hàng hóa cho các xã trong và ngoài huyện. Ảnh: NQ.

Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân quen dần với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, theo ông Thanh, thị trấn sẽ tiếp tục tuyền truyền, tổ chức các cuộc vận động ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt. 

Trong đó, đảng viên, công chức, viên chức phải tiên phong thực hiện. Bên cạnh đó, thị trấn tiếp tục phối hợp ngân hàng, nhà mạng triển khai rộng rãi các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tiểu thương và người tiêu dùng.

Kiên Giang: Tiện lợi mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 3.

Cán bộ, đoàn viên, thanh niên thị trấn Giồng Riềng hướng dẫn các hộ kinh doanh tại chợ Giồng Riềng cài đặt ứng dụng thanh toán trực tuyến. Ảnh: NQ.

Đánh giá cao sự sáng tạo của Đảng ủy, UBND thị trấn Giồng Riềng trong việc thực hiện mô hình chợ 4.0, ông Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng yêu cầu thị trấn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu, biết cách sử dụng và tự nguyện tham gia. 

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi việc sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng, nhà mạng, từ đó, kịp thời nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nông thôn mới Kiên Giang, đi chợ quê thời 4.0 không mang theo tiền vẫn mua bán vô số hàng - Ảnh 4.

Mua bán không dùng tiền mặt ở vùng nông thôn mới huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang sẽ ngày càng mở rộng sang các mặt hàng nông sản của nông dân...Ảnh: Hồng Đạt.

"Cần chọn 1-2 khu trong chợ Giồng Riềng thực hiện mô hình không dùng tiền mặt để mua bán, từng bước nhân rộng ra phạm vi toàn chợ. Giao các ngành liên quan của huyện phối hợp UBND các xã khảo sát nhu cầu người dân về thực hiện mô hình này, từng bước hình thành lối sống hiện đại trong đại bộ phận nhân dân trong huyện", ông Hiền nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem