Nông thôn mới ở Quảng Nam: Quế Trung “tung nước rút” về đích

Trần Hậu – Trương Hồng Thứ tư, ngày 21/11/2018 10:05 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân xã Quế Trung (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đã tập trung nhân lực, vật lực, tận dụng các nguồn hỗ trợ và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành để đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ đó, Quế Trung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và xã phấn đấu “cán đích” NTM trong năm 2019.
Bình luận 0

Ngày mới ở Quế Trung

Chúng tôi có mặt tại xã Quế Trung và cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ nơi đây, sự háo hức của người dân trong việc chung tay xây dựng NTM. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua nhân dân trong xã đã đóng góp hàng ngàn ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, nhờ đó mà các con đường đất lầy lội giờ đây đã được thay thế bằng những con đường nhựa hoặc bê tông rộng rãi, phẳng lỳ, nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc san sát… tạo nên bức tranh tươi mới cho quê hương Quế Trung.

img

Nhờ tập trung đầu tư hạ tầng đã thay đổi diện mạo cho quê hương Quế Trung, nhất là giao thông và cơ sở vật chất trường lớp.  Ảnh: Trần Hậu

Hiện nay, Quế Trung đã đạt 13/19 tiêu chí NTM. Địa phương đang tích cực thực hiện 6 tiêu chí còn lại gồm: Quy hoạch, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh nhằm đưa xã cán đích NTM vào cuối năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Lanh – Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, trong quá trình xây dựng NTM, xã xác định nội dung quan trọng nhất là nâng cao nhận thức về ý nghĩa, nhiệm vụ của người dân và toàn hệ thống chính trị. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động luôn được xã triển khai liên tục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, pa - nô, các mô hình “Dân vận khéo” do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên phát động…

Theo ông Lanh, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, kế hoạch đề ra, xã đã huy động cán bộ, công chức, viên chức bố trí thời gian xuống các thôn tuyên truyền, vận động và cùng xây dựng NTM với người dân. Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã cũng chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình đối với từng tiêu chí, sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Nhờ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nên bộ mặt của Quế Trung đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là hơn 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Quế Trung đã bê tông hoá 5,51km đường trục xã, 27,4km đường trục thôn, 10km đường ngõ, xóm. Đường trục chính nội đồng dài đã bê tông hoá được 3,92km. Ngoài ra, các tuyến tỉnh lộ đi qua địa bàn xã cũng được tỉnh đầu tư, như tuyến ĐT 611 có chiều dài đoạn qua xã  2,72km; tuyến ĐT 610 với chiều dài đoạn qua xã 9,5km. Đường huyện có 2 tuyến là Nông Sơn – Quế Lâm với đoạn qua xã Quế Trung là 1,86km và tuyến Cà Tang – Quế Ninh có chiều dài 1,14km, đã tạo nên các tuyến giao thông khớp nối là điều kiện thuận lợi để Quế Trung giao thương với các vùng.

Bên cạnh đó, xã đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn Trung Thượng, Trung Phước 1, Trung Phước 2; xây dựng mới khu thể thao xã; xây thêm 3 phòng chức năng Trường THCS xã; xây dựng 0,6km đường trục chính nội đồng tuyến Đồng Vú – Trung Nam với kinh phí 696 triệu đồng; xây dựng trạm y tế kinh phí 4 tỷ đồng. Đến nay xã có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS đều đạt chuẩn cấp độ 2.

“Các công trình cơ sở hạ tầng như: Bến xe, tuyến đường trung tâm hành chính huyện, tuyến đường tỉnh lộ ĐT 610, ĐT611, các tuyến đường liên huyện ĐH1, ĐH2… đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho Quế Trung…” - ông Lanh chia sẻ.

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo ông Lanh, để nâng cao đời sống cho người dân, thời gian qua xã Quế Trung đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi; khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề dịch vụ. Nhiều hộ dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

Quế Trung đã xây dựng được các mô hình kinh tế bước đầu đem lại hiệu quả như: Mô hình cánh đồng mẫu, nuôi bò thịt, nuôi heo, trồng lạc, ngô… Đặc biệt là mô hình kinh tế vườn, kinh tế rừng với lợi thế là đặc sản làng trái cây Đại Bình. Điển hình trong phát triển kinh tế phải kể đến mô hình trồng rừng của hộ ông Nguyễn Hoàng Viễn, Lê Văn Vương (trồng 20-30ha keo) ở thôn Trung Phước 1, hay mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Nguyễn Quốc Khánh và hộ ông Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Đại Bình (trồng quýt, trụ lông, sầu riêng, chôm chôm). Thu nhập hàng năm của các hộ tiêu biểu trên đạt từ 150-200 triệu đồng/hộ/năm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem