dd/mm/yyyy

Nông thôn mới Sơn La: Đổi thay từ cách nghĩ cho đến cách làm nơi rẻo cao

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của bản, những năm qua, người dân bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đã tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở giảm được nghèo, từng bước xây dựng nông thôn mới Sơn La ngày càng giàu đẹp.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Thào A Dếnh - Trưởng bản Cửa Rừng, cho biết: "Bản Cửa Rừng có trên 90 hộ dân. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của bản chủ yếu là trồng cây ngô, cây sắn, chăn nuôi gia súc với số lượng 1 - 2 con/hộ nên cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám lấy cuộc sống của đồng bào. Mấy năm trở lại đây, phát huy lợi thế sẵn có như đất đồi rộng, nhiều bãi chăn thả tự nhiên, vùng cỏ rộng lớn, cùng với định hướng huyện và xã, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển hướng sang phát triển chăn nuôi gia súc".

Nông thôn mới Sơn La: Cửa Rừng chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa  - Ảnh 1.

Phát huy lợi thế đất đồi rộng lớn, chị Và Thị Máy đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.

Đi cùng với các chính sách hỗ trợ sinh kế, chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước, các hộ dân ở bản Cửa Rừng còn được thụ hưởng các chương trình dự án trong việc phát triển chăn nuôi gia súc.

Theo ông Dếnh, nếu như trước đây, người dân trong bản chủ yếu nuôi trâu, bò để sử dụng sức kéo; nuôi dê để phục vụ cho nhu cầu của gia đình, thì bây giờ các hộ dân đã biết mở rộng quy mô theo hướng hàng hóa như mở rộng diện tích chuồng trại, tăng đàn gia súc, trồng cỏ voi. Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa mà đời sống của nhiều hộ dân nơi đây đã được cải thiện rõ rệt. 

Nông thôn mới Sơn La: Cửa Rừng chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa  - Ảnh 2.

Bên cạnh nuôi bò, nhiều hộ dân ở bản Cửa Rừng cũng đầu tư phát triển chăn nuôi dê.

"Để người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cán bộ chuyên môn của huyện, xã đã trực tiếp xuống bản cùng chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc cho bà con. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ để nhân rộng các mô hình", ông Dếnh cho biết thêm.

Một trong những gương điển hình về phát triển chăn nuôi gia súc ở bản Cửa Rừng là hộ chị Và Thị Máy. Chị Máy tâm sự: "Trước kia gia đình tôi từng là hộ nghèo trong bản. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản theo chương trình giảm nghèo, cán bộ đã đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách tiêm phòng bệnh nên bò phát triển tốt. Hiện nay, bò nhà tôi đã phát triển lên 7 con. Năm vừa rồi, tôi vừa bán 2 con bò đực và thu về 30 triệu đồng. Nhờ nuôi bò, cuộc sống của gia đình tôi ngày càng được cải thiện".

Nông thôn mới Sơn La: Cửa Rừng chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa  - Ảnh 3.

Từ việc chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, đã góp phần giúp các hộ dân nơi đây nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Chị Vừ Thị Lu, bản Cửa Rừng bảo: "Cách đây 5 năm, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mấy mảnh nương ngô, nương sắn nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng làm giàu, tôi nhận thấy đất đai bản mình có nhiều bãi chăn thả, vùng cỏ rộng lớn nên quyết định đầu tư vào nuôi bò và nuôi dê. Từ 5 con bò, dê nuôi ban đầu, sau 5 năm nuôi, hiện nay gia đình tôi có 7 con dê và 8 con bò. Mỗi năm chỉ cần bán vài con bò, con dê cũng có thu nhập 30 - 40 triệu/năm. Từ nuôi bò, gia đình tôi làm được nhà cửa, mua được xe máy, sẳm sửa được nhiều đồ dùng trong nhà".

Hộ chị Máy, chị Lu chỉ là một trong rất nhiều hộ dân ở bản Cửa Rừng mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa với số lượng lớn.

Nông thôn mới Sơn La: Cửa Rừng chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa  - Ảnh 4.

Cingf với nuôi bò, chị Máy còn nuôi thêm hàng chục con dê.

Hiện bản Cửa Rừng có trên 280 con bò, hàng trăm con dê và hàng chục con trâu. Ông Dếnh cho hay: "Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền bản Cửa Rừng sẽ tiếp tục phối hợp cùng cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc; nhân rộng các mô hình điển hình. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, từng bước giúp tỉnh Sơn La, huyện Thuận Châu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở nơi rẻo cao".

PV Tây Bắc