dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: ''OCOP'' hướng đi mới cho nông sản Lai Châu

Chương trình OCOP được tỉnh Lai Châu xác định là hướng đi mới giúp thay đổi tư duy sản xuất, phát triển nông sản hàng hóa chất lượng cao...

OCOP giúp Lai Châu phát huy nội lực

Xác định, OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện. Chính quyền các cấp trong tỉnh định hướng, quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa, dịch vụ; quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các khâu, gồm: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

Nhờ đó, Chương trình OCOP của tỉnh được triển khai đồng bộ, tập trung vào các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có nguồn gốc nguyên liệu tại địa phương. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 108 sản phẩm OCOP, trong đó, 2 sản phẩm đủ điều kiện trình Hội đồng Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao; 10 sản phẩm 4 sao và 96 sản phẩm 3 sao.

‘‘Cơ hội ”cho nông sản Lai Châu với sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Toàn tỉnh có108 sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm đủ điều kiện trình Hội đồng Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao,10 sản phẩm 4 sao và 96 sản phẩm 3 sao.(Ảnh: Phạm Hoài)

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định: "Chương trình OCOP thực sự là "làn gió mới" để các làng nghề, hợp tác xã (HTX), công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác tiềm năng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh được khách hàng trong nước tin tưởng tiêu thụ. Từ đó, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao được gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, HTX, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn".

‘‘Cơ hội ”cho nông sản Lai Châu với sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày ở các gian hàng tại các hội nghị nhằm quảng bá sản phẩm tới tất cả mọi người.(Ảnh: Phạm Hoài)

Anh Đào Huy Cương chủ cơ sở sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo Huy Cương (Tổ dân phố 6, Phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) chia sẻ: Chương trình OCOP như một cơ hội để tôi quảng bá sản phẩm của mình. Nhờ có chương trình OCOP mà thương hiệu của tôi được người tiêu dùng khắp cả nước biết đến, nhiều đơn vị trong nước tự động liên hệ với tôi để đặt hàng, mỗi ngày cơ sở cho ra lò 4.000 hộp nấm đông trùng hạ thảo tươi, tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động trên địa bàn. Hiện tại cơ sở cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm nấm khác nhau như: Nấm đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo nguyên con khô, đông trùng hạ thảo bột hòa tan, đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên sợi, đông trùng hạ thảo ký chủ nhộng khô, đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên đế, các sản phẩm này đều được cấp hạng 3 sao sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu. Sắp tới, nếu có thể tôi muốn sản phẩm của mình có thể tới tay người tiêu dùng ngoài nước.

‘‘Cơ hội ”cho nông sản Lai Châu với sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Nhờ chương trình OCOP mà các sản phẩm Đông trùng hạ thảo Huy Cương được nhiều người biết tới và tin dùng.(Ảnh: Phạm Hoài)

Nhắc tới Tam Đường, không thể không nhắc đến sản phẩm miến dong Bình Lư đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Lai Châu, đó chính là sản phẩm miến dong của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư (bản Km 2, xã Bình Lư, huyện Tam Đường,tỉnh Lai Châu). Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chia sẻ: "Nhờ có chương trình OCOP mà sản phẩm miến dong Bình Lư của HTX đã được nhiều người, nhiều nơi biết đến. Để nâng cao chất lượng sản phẩm chúng tôi đã tiến hành cải tiến dây chuyền chế biến, dán tem truy xuất nguồn gốc, đóng gói cẩn thận, đảm bảo chất lượng, uy tín cho thương hiệu miến dong Bình Lư, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX.

‘‘Cơ hội ”cho nông sản Lai Châu với sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Sản phẩm miến dong Bình Lư được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Lai Châu.(Ảnh: Phạm Hoài)

Là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, Than Uyên có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển sản xuất nông nghiệp, sản phẩm lúa Séng cù từ lâu đã được xem là đặc sản riêng có ở vùng đất đầy nắng và gió này. HTX Thanh Xuân đã mang thương hiệu Gạo Séng cù (sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Lai Châu) đến với đông đảo người tiêu dùng trên mọi tỉnh thành.

‘‘Cơ hội ”cho nông sản Lai Châu với sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Từ khi có chương trình OCOP, Gạo Séng cù đã khẳng định được uy tín và chất lượng trên thị trường trong nước.(Ảnh: Phạm Hoài)

Lai Châu đầu tư nâng cấp sản phẩm OCOP, vươn mạnh ra thị trường

Ông Nguyễn Văn Yên – Giám đốc HTX Thanh Xuân, thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) vui vẻ cho biết: Hợp tác xã đã xây dựng chuỗi liên kết với nông dân từ sản xuất, xay sát đến tiêu thụ sản phẩm gạo Séng cù. Từ khi tham gia chương trình OCOP,  loại gạo đặc sản này được nhiều người biết đến hơn. Chúng tôi đã đầu tư hệ thống giàn sấy công nghiệp, nhà xưởng chế biến đóng gói đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trên bao bì ghi đầy đủ thông tin, nguồn gốc rõ ràng, quảng bá đưa sản phẩm ra các thị trường trong và ngoài tỉnh, khẳng định thương hiệu sản phẩm gạo Séng cù Than Uyên trên thị trường.

‘‘Cơ hội ”cho nông sản Lai Châu với sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

Tại các gian hàng, các lãnh đạo tham quan, đánh giá và góp ý để hoàn thiện hơn về các sản phẩm OCOP.(Ảnh: Phạm Hoài)

Mới đây, tại buổi " gặp gỡ, đối thoại giữa chủ tịch UBND tỉnh với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ hội ", Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng đã nhấn mạnh: '' Tỉnh Lai Châu có nhiều sản phẩm OCOP tốt, trong đó một số sản phẩm đã có thị trường rộng, được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, cần phải có nhiều giải pháp để cải thiện sản phẩm OCOP như: Đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, bao bì phải có hướng dẫn sử dụng, phải thiết lập mặt bằng giá mới, thiên về chất lượng, giá trị và uy tín của sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm OCOP bằng cách " cùng đi, cùng bán '' với các hộ dân, hỗ trợ chuyển đổi số, công nghệ thông tin để đưa sản phẩm các trang thương mại điện tử".

Thiết nghĩ, đó cũng là một lời nhắn nhủ để tỉnh Lai Châu ngày càng có nhiều thêm sản phẩm nông sản OCOP đạt chất lượng cao, khẳng định uy tín và thương hiệu các sản phẩm OCOP của địa phương trên các sàn thương mại, thị trường lớn trong nước, làm đòn bẩy để vươn ra thị trường nước ngoài. Với hướng đi mới đó, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn tỉnh Lai Châu phát triển bền vững.

Thanh Ngân-Phạm Hoài