dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Thu mua chè búp, nông dân rủng rỉnh tiền tiêu

Đứng ra làm đại lý thu mua chè búp tươi, chỉ lấy công vận chuyển, một nông dân ở Lai Châu kiếm cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Cũng như nhiều hộ dân khác ở phường Đông Phong, gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (ở tổ 23, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) trước đây chủ yếu sống dựa vào trồng chè. Năm 2005, ngoài chăm sóc hơn 1ha chè của gia đình, bà Phượng còn đứng ra làm đại lý thu mua chè búp tươi cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường.

Làm đại lý thu mua chè búp tươi, một nông dân rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 1.

Người dân đang thu hái chè để bán cho đại lý. (Ảnh: Phạm Hoài)

"Làm đại lý cho công ty vất vả hơn nhiều so với tưởng tượng lúc đầu của tôi. Nếu không yêu nghề thì khó có thể trụ được. Tôi thu mua chè búp tươi của người trồng chè trong vùng theo giá công ty đưa ra. Còn công ty thì trả cho tôi cước vận chuyển chè búp tươi tính theo cân" – bà Phượng mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Nhấp ngụm chè tươi, bà Phượng tiếp tục kể về những vất vả, khó khăn mà mình gặp phải, khi làm đại lý thu mua chè búp tươi. "Ngày ấy, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên tôi phải đi chở chè tươi bằng xe máy. Cứ đến lứa hái chè là ngày nào cũng vậy, tôi hết lên đồi chè để cân cho bà con, rồi lại chở về công ty. Mỗi ngày không biết ngược xuôi bao nhiêu chuyến. Mà đường lên các đồi chè ngày ấy vừa nhỏ vừa khó đi, chứ đâu được rộng như bây giờ" – bà Phượng nhớ lại.

Một thời gian sau, tích cóp được ít vốn, bà Phượng đầu tư mua xe tải nhỏ để vận chuyển chè tươi từ đồi chè về nhà máy của công ty. Khi người trồng chè chuyển dần từ hái tay sang hái bằng máy, lượng chè tươi nhiều, bà Phượng lại đổi sang xe tải lớn hơn, để kịp vận chuyển về nhà máy, tránh tình trạng để chè qua đêm.

Làm đại lý thu mua chè búp tươi, một nông dân rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 2.

Bà Phượng đang thu mua chè của các hộ dân. (Ảnh: Phạm Hoài)

Để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, bà Phượng kí hợp đồng thu mua chè búp tươi với từng hộ trồng chè trong vùng theo năm. Có thời điểm, gia đình bà hợp đồng với trên 70 hộ trồng chè. Ngoài làm đại lý thu mua chè tươi, bà Phượng còn kiêm cả đại lý cung ứng phân bón cho các hộ trồng chè.

"Mấy năm gần đây, Công ty CP Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường cho người dân ứng phân bón không tính lãi. Tôi đứng ra chịu trách nhiệm vận chuyển phân bón từ nhà máy đến từng hộ trồng chè mà không lấy cước. Không những thế, tôi còn phải bỏ tiền để thuê người bốc vác phân bón lên, xuống xe. Các hộ trồng chè khi đã ký hợp đồng với đại lý thì không được bán chè ra ngoài" – bà Phượng cho hay.

Làm đại lý thu mua chè búp tươi, một nông dân rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 3.

Phân bón được bà Phượng vận chuyển từ nhà máy đến từng hộ trồng chè. (Ảnh: Phạm Hoài)

Gần 20 năm làm đại lý thu mua chè búp tươi cho công ty, chưa khi nào bà Phượng nợ lại tiền chè của người dân, ngay cả khi Công ty CP Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường gặp khó khăn về đầu ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trò chuyện với phóng viên, bà Phượng chia sẻ: "Thời gian qua, Công ty CP Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường gặp khó khăn về đầu ra, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Công ty cũng đã tuyên truyền, giải thích để người trồng chè hiểu và chia sẻ. Với tư cách là đại lý cho công ty, tôi nhận thấy mình cũng có trách nhiệm chia sẻ. Gia đình tôi đã tự bỏ tiền túi ra để trả tiền thu mua chè búp tươi cho người dân".

Hiện nay, bà Phượng ký hợp đồng thu mua chè búp tươi với trên 50 hộ trồng chè trong vùng. Mỗi năm, bà Phượng thu mua cho công ty được hơn 350 tấn chè búp tươi. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, bà Phượng thu về khoảng 150 triệu đồng từ làm đại lý thu mua chè cho công ty.

Thanh Ngân-Phạm Hoài