Nông, thủy sản sang Trung Quốc gặp khó: Chỉ tiêu xuất khẩu 43 tỉ khó cán đích
Đối diện những thách thức lớn nhỏ suốt từ đầu năm đến nay, quý cuối cùng của năm 2019, xuất khẩu hàng hóa vẫn được đánh giá chưa hết khó khăn. Xuất khẩu nông - thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do các quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng hàng hóa. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang giảm sút. Ngoài ra, nông, thuỷ sản Việt Nam còn đối diện nguy cơ áp thuế và rào cản kỹ thuật khi xuất siêu vào Mỹ tăng cao.
Cũng vì lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên điệp khúc "giải cứu" dường như là thường xuyên mỗi khi nông sản được mùa. Sở dĩ vậy bởi "Nông dân hiện nay chỉ nhận được thông tin qua những kênh không chính thống, từ các đại lý thu mua, thương lái mà không hề có một tư vấn nào khác về thị trường nên họ không thể quyết định được chính xác những cách thức sản xuất theo quy luật của kinh tế thị trường. Chính vì vậy mà bi kịch "giải cứu" nông sản chưa thể chấm dứt".
"Chừng nào những thông tin chính thống về giá cả thị trường chưa đến được với người nông dân thì bi kịch kêu cứu về hàng nông sản sẽ còn tiếp diễn" - đại biểu Lưu Thành Công phát biểu trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.
Chỉ tiêu đối với nhóm ngành hàng "đình đám" nông, lâm, thủy sản dự báo khó cán đích. 9 tháng đầu năm, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30,02 tỷ USD, chỉ tăng 2,7% so với với cùng kỳ năm 2018. Trên cơ sở những kết quả đó, mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu cả năm 2019 đạt 43 tỷ USD đặt ra từ đầu năm đến giờ khá mong manh.
Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung tận dụng cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, kiểm soát nhập khẩu vào Việt Nam và xử lý các vấn đề về lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ, Trung Quốc và cả các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung xử lý các vấn đề liên quan tới chuẩn bị năng lực thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực.
Cụ thể như, xây dựng phương án tổ chức sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, đón đầu và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu để tận dụng cơ hội của cuộc chiến thương mại. Tính toán kỹ lưỡng trong các giải pháp thúc đẩy đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu, tránh việc phát triển "quá đà", dễ rơi vào tình trạng bị động, dư thừa sản lượng khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận xuất khẩu trở lại cũng là nội dung cơ bản được Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%, bằng 73,9% kế hoạch năm. Mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018 (tăng tương ứng 20,6% và 15,8%) nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.
Trong đó, có 31/45 mặt hàng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018. Có 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 5%, qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%).