Nóng tuần qua: Bao giờ giá thịt lợn quay lại như trước dịch Covid-19?

Chủ nhật, ngày 17/05/2020 15:55 PM (GMT+7)
Dù truyền thông liên tục lên tiếng về các biện pháp của Chính phủ cũng như cơ quan quản lý về việc giá thịt lợn giảm “nhiệt” nhưng thực tế lại không thể hiện điều đó.
Bình luận 0

Hy vọng cuối năm giá thịt lợn có thể giảm

Thực tế cho thấy, dù Thủ tướng Chính phủ đã liên tục yêu cầu cơ quan quản lý tìm cách giảm giá thịt lợn nhưng đến nay giá mặt hàng này vẫn ở mức khá cao.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết chỉ có 2 cách duy nhất là tái đàn và nhập khẩu. 

img

Lãnh đạo Bộ Công thương hy vọng cuối năm tình hình giá cả thịt lợn sẽ quay lại lúc trước lúc có dịch Covid-19.

Việc tái đàn đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Có nơi, con giống để tái đàn lên tới mức 2-3 triệu đồng/con. Đàn lợn cụ kỵ, ông bà thì bị ảnh hưởng lớn, chết bởi dịch. Do đó, người dân vẫn còn e dè trong việc tái đàn. 

Trong khi đó, việc nhập khẩu sẽ phải căn cứ vào nhu cầu thiếu hụt hàng tháng. Hiện Bộ Công Thương đã tích cực kết nối với các thị trường thế giới để nhập khẩu thịt. Thủ tục để doanh nghiệp nhập khẩu khá đơn giản khi chỉ cần xin giấy phép ở chi cục thú y vùng.

Lãnh đạo Bộ Công thương hy vọng cuối năm tình hình giá cả thịt lợn sẽ quay lại lúc trước lúc có dịch Covid-19.

2 kịch bản hồi phục GDP

Tại báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai năm 2020, 2 kịch bàn hồi phục GDP đã được xây dựng như sau:

Theo kịch bản 1, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý III. Theo đó phương án này, GDP tăng dự kiến khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4% mục tiêu đề ra).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Theo kịch bản 2, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4. Còn các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế được trong quý IV. 

Theo đó phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2% mục tiêu đề ra). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tái khởi động thị trường du lịch quốc tế

Trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng bộ chỉ tiêu du lịch an toàn; tổ chức triển khai chương trình du lịch an toàn, tăng cường truyền thông, quảng bá về các địa điểm du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, nhất là trong dịp hè. 

img

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tái khởi động thị trường du lịch quốc tế

Cơ quan này còn được yêu cầu chủ động chuẩn bị các phương án, giải pháp phù hợp để tái khởi động thị trường khách du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt 3,7 triệu lượt, giảm 38% so với cùng kỳ 2019.

Để khôi phục thị trường du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong tuần vừa qua đã ban hành kế hoạch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Thời gian thực hiện chương trình này là từ ngày tháng 6 đến tháng 12.

Lô lợn bố mẹ nhập khẩu đầu tiên về Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết lô lợn 250 con bố mẹ đã về đến Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Đây là lô lợn đầu tiên trong tổng số 20.000 con lợn nái và 200 con lợn đực giống được nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam để nhân giống, phục vụ tăng đàn, tái đàn lợn. 

Việc nhập khẩu lợn nái hậu bị được thực hiện bởi Công ty TNHH Dinh dưỡng Quốc tế Việt Đức của Việt Nam thông qua ký kết hợp đồng với Công ty Inspired Nutrient - nhà sản xuất lợn giống của Thái Lan liên kết với Đan Mạch.

Ước tính với chu kỳ khoảng 5 tháng sau khi lợn nái nhập khẩu sinh sản, đến tháng 12, doanh nghiệp này không những đủ con giống để tăng đàn và tái đàn cho các trang trại vệ tinh mà còn cung cấp con giống ra thị trường đáp ứng nhu cầu tái đàn cho các gia trại, trang trại ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Vĩnh Phúc.

Bộ GTVT kiến nghị lùi thời gian xem xét thành lập hãng hàng không mới

Bộ GTVT vừa báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng việc rà soát, xem xét thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Bộ GTVT đã có Công văn số 10376 góp ý với hồ sơ Dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều của CTCP Hàng không Thiên Minh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.

Trong đó, Bộ GTVT đã đánh giá giai đoạn 2014 - 2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường vận tải hàng không thế giới và Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng. Theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam của năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng năm 2019.

Hiện tại, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 tàu bay nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.

Chính vù vậy, Bộ GTVT kiến nghị trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Thúy Vy (Dân Việt)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem