NTK áo dài Xuân Thu: "Tôi không có sản phẩm thời trang nào nhạt nhẽo" - Ảnh 1.

Cuộc trò chuyện của tôi và nhà thiết kế áo dài Xuân Thu diễn ra vào một buổi sáng cuối năm Canh Tý, khi chị đang tất bật chuẩn bị cho dự án phim tài liệu “Tết Hà thành”- một câu chuyện về chất thời trang nhưng chứa đựng văn hóa Tết của Hà Nội. Trong không gian mang đầy tính nghệ thuật, đậm chất Tết xưa nhưng lại rất hiện đại và sang trọng, Xuân Thu say sưa trò chuyện về thời trang, về niềm đam mê áo dài truyền thống, về những dự định, những khát khao mang đến cho người yêu thời trang Việt những giá trị truyền thống mà như chị hay tâm niệm "Y phục xứng kỳ đức".

Những thiết kế áo dài của Xuân Thu đầy sáng tạo, chị có thể khiến người đối diện đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nếu câu chữ nói lên cái tôi của một nhà văn thì quần áo phần nào phản ánh con người của một nhà thiết kế. Những thiết kế của Xuân Thu dường như cũng chính là "tuyên ngôn" về con người chị – chau chuốt, tinh tế, phóng khoáng nhưng đầy quyến rũ và đặc biệt mang cái tôi riêng có của Xuân Thu.

NTK áo dài Xuân Thu: "Tôi không có sản phẩm thời trang nào nhạt nhẽo" - Ảnh 2.


NTK áo dài Xuân Thu: "Tôi không có sản phẩm thời trang nào nhạt nhẽo" - Ảnh 3.

Văn hóa truyền thống trong các sản phẩm thiết kế của Xuân Thu đầu tiên là yếu tố handmade, được thể hiện khá nhiều. Tại sao chị lại sử dụng những đường khâu đột chỉ nhiều như vậy?

- Bản thân tôi muốn lưu giữ một chút dấu ấn tuổi thơ khi mà tôi bắt đầu vào lớp 1, có bài khâu khăn mùi xoa, tôi đã khâu cực kỳ thành công. Với một cô bé 6 tuổi khâu bằng tay đều như máy, cô hiệu trưởng đã biểu dương tôi trước toàn trường. Mới đi học thôi nhưng tôi đã nổi tiếng từ đó, cái tên Xuân Thu mọi người biết đến nhiều lắm, chính vì thế những sản phẩm thời trang của tôi sau này gieo những dấu ấn khâu rất nhiều.

Tôi thích chơi màu, khâu, gốm hoa nâu, lụa, nhưng đường khâu đột không thể thiếu trong bất cứ sản phẩm thời trang nào của tôi. Không gian màu là những dải màu chạy từ sáng đến tối, từ tương đồng cho đến tương phản, đấy chính là nghệ thuật và vững bền theo thời gian.

Tôi đưa cả Toán học vào thời trang vì tôi hiểu thế nào là sự hiện đại trong một bộ trang phục. Tôi luôn tâm niệm: "Y phục xứng kỳ đức" (ăn mặc xứng với địa vị xã hội). Bạn không thể mặc một cái áo mà nó lòi chỉ ra được, hay mặc một cái áo mà kẻ chỉ nó lệch nhau được, điều đó nói lên sự cẩu thả của bạn trong ăn mặc. Nếu cẩu thả trong ăn mặc sẽ còn cẩu thả trong nhiều cái khác. Hoặc là bạn dễ dãi trong ăn mặc, hoặc bạn không hiểu gì về nó, không muốn đưa mình trở thành người có vị thế.

img
img
img

Đưa Toán học vào thời trang, đưa gốm hoa nâu vào áo dài hay ứng dụng nghệ thuật sơn mài truyền thống, có lúc nào chị cảm thấy mình có những ý tưởng "điên rồ" hơn người khác không?

- Tôi từng thực hiện nhiều BST khác nhau nhưng chưa khi nào mà bị "đau đầu" đến thế khi sử dụng sơn mài trong các sản phẩm. Tôi mong muốn ứng dụng nghệ thuật sơn mài truyền thống với những bước thực hiện đúng cách của các cụ ngày xưa để tạo nên những họa tiết sơn mài độc đáo nhưng khi thực hiện, tôi không nghĩ lại khó khăn và gian truân như thế. Nhưng tôi là người không dễ thỏa hiệp. Nếu tôi thiếu sót về kỹ thuật, công nghệ... tôi phải tìm bằng được giải pháp nào đấy. Và rõ ràng nó đã rất thành công.

Tôi cho rằng mình là người sáng tạo, thông minh. Tôi luôn chọn con đường ngắn nhất và nỗ lực không ngừng bởi nếu không nỗ lực mỗi ngày, bạn sẽ dễ dàng bị lãng quên.

Chất liệu chị sử dụng trong các sản phẩm của mình chủ yếu là lụa, một chất liệu gần gũi với thiên nhiên, nhưng cũng kén người mặc. Chị muốn gửi gắm thông điệp gì trong các thiết kế của mình?

- Trang phục không chỉ để mặc mà còn mang nhiều giá trị văn hóa, văn minh. Bên cạnh đó trang phục là sự ứng xử của con người với khí hậu, với môi trường sống xung quanh, nhiệm vụ của trang phục là giúp con người bảo vệ sức khỏe. Tôi luôn quan tâm đến việc trang phục phải ứng dụng được với thời tiết. Cách đây cả nghìn năm, tại sao lại có con đường xuyên Á từ Tây sang Đông để buôn tơ tằm? Vì nhu cầu mặc tơ lụa rất lớn. Lụa có công dụng tốt đối với con người, giống như da thịt, là lớp da thứ 2 để bảo vệ cho mình. Đó là lý do mùa đông khi mặc lụa tơ tằm sẽ ấm, mùa hè lại rất mát.

NTK áo dài Xuân Thu: "Tôi không có sản phẩm thời trang nào nhạt nhẽo" - Ảnh 5.

Các thiết kế của chị rất tỉ mỉ, các họa tiết riêng có, không lẫn với bất kỳ nhà thiết kế nào. Điều gì trong con người chị tạo ra điều khác biệt đó?

- Tôi nghĩ bản thân có cá tính mới tạo ra được những sản phẩm có cá tính. Chủ yếu trong các thiết kế của tôi là họa tiết gốm hoa nâu, rất riêng biệt. Để làm được như vậy là cả một quá trình cộng hưởng của một thời nhiệt huyết. Trong một mùa chúng tôi có thể làm ra hàng trăm bộ sản phẩm, mỗi bộ là một sự sáng tạo khác nhau. Ví dụ màu xanh đặt cạnh màu đỏ, nhưng nó cũng phải ẩn hiện lên gam nâu vàng... Những chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng là những kiến thức phải học từ mỹ thuật, kỹ thuật được gói vào bên trong từng sản phẩm.

Vì vậy nếu sở hữu chiếc áo của tôi, bạn sẽ thấy nó khá thông minh. Một cái áo nhưng hai sắc thái, có thể mặc trong một buổi tiệc rất tưng bừng nhưng lật mặt trái nó có thể là một chiếc áo dự đám tang. Khách hàng của tôi phát hiện ra sự dí dỏm, thông minh của Xuân Thu trong đó, họ sẵn sàng trả tiền cho tôi, sẵn sàng cổ súy cho tôi phát triển. Với tôi khi nhìn vào bất kỳ sản phẩm nào thì nhà thiết kế phải đưa đến thông điệp gì đó chứ không phải sự tẻ nhạt. Tôi không có sản phẩm thời trang nào nhạt nhẽo cả.


NTK áo dài Xuân Thu: "Tôi không có sản phẩm thời trang nào nhạt nhẽo" - Ảnh 6.

Đặc biệt, khác lạ nhưng sản phẩm của chị có giá cao ngất ngưởng, nhiều người cho rằng "giá trị bị thổi phồng lên rất nhiều", chị nói sao về điều đó?

- Tôi luôn có khẩu hiệu với những sản phẩm của mình. Tôi muốn mỗi một người phụ nữ mặc lên thì phải được đón nhận những ánh mắt trầm trồ, nể phục, khiến người khác nhìn vào phải cảm nhận được có gì đó khác lạ về vẻ đẹp. Vì thế để làm được một sản phẩm như thế đó là cả quá trình tích lũy kiến thức, tích lũy về kinh nghiệm làm việc. Tôi nghĩ với một nhà thiết kế thì mức thu nhập như thế này là vừa phải, một vài nghìn đô đủ để trang trải chi phí cho các cộng sự của mình.

Không phải ai cũng thích sản phẩm của tôi, hay ai cũng mặc được sản phẩm của tôi. Tôi phải là người lựa chọn khách hàng của mình. Khách của tôi phải là người giống tầm của tôi, suy nghĩ giống tôi, trình độ giống tôi. Những người phụ nữ khi đủ tài chính thì người ta mới muốn mặc đẹp, mang tính khác biệt. Người nào rất tôn trọng "cái tôi" của họ thì mới là khách hàng của tôi được. Vì vậy, con đường này rất chông gai bởi mỗi sản phẩm của tôi đều đòi hỏi về kỹ thuật tỉ mỉ, đạt tới giá trị thẩm mỹ cao.

Điều gì khiến chị tự tin vào sản phẩm của mình như vậy?

- Tôi muốn một sản phẩm thời trang của mình phải hoàn chỉnh, có thể hôm nay mình chưa nhìn ra lỗi nên phải ngắm, nhìn, suy nghĩ, tìm tòi. Tôi cho rằng mỗi một sản phẩm thời trang của tôi là một tác phẩm. Khi là tác phẩm thì nó phải được tĩnh tâm để người thiết kế thổi hồn vào. Những sản phẩm thời trang của tôi không hoàn toàn do tôi làm ra, nhưng cộng sự của tôi cũng phải được truyền cảm hứng, để họ làm ra những sản phẩm tốt nhất như mong muốn của tôi.

Tôi muốn trong mỗi sản phẩm của mình phải gửi gắm một thông điệp, là sự trải nghiệm đối với nền văn hoá. Tôi mong rằng những sản phẩm áo dài, gốm hoa nâu, áo dài Kinh bắc, những tấm áo đã giúp hoa hậu Việt Nam đoạt giải ở trên thế giới được lan tỏa rộng rãi, được công nhận một cách thuyết phục chứ không phải chỉ là xã giao.

img
img
img


NTK áo dài Xuân Thu: "Tôi không có sản phẩm thời trang nào nhạt nhẽo" - Ảnh 8.

Tự tin, kiêu hãnh nên Xuân Thu cũng gặp không ít trở ngại trên con đường khai phá những điều mới mẻ trong thời trang. Có lúc nào chị cảm thấy cô đơn? Và bài học nào với chị là đáng giá?

- Tôi đã từng làm một mình với thương hiệu của mình, thực sự điều đó khiến tôi trăn trở lắm. Để ngày hôm nay tôi được như thế này, nghĩa là tôi đã phải trải qua vô vàn khó khăn, có lúc tôi vừa cắt, may, vừa làm thợ khâu, làm người tuyên truyền văn hoá, sản phẩm của mình cho khách hàng... Nhưng tôi nghĩ sự cô đơn của con người đi trên con đường gập ghềnh là chuyện bình thường. Tôi bình thản đối diện với những điều đó vì tôi nghĩ rằng đó là thách thức mà tôi cần phải vượt qua nếu muốn đi xa hơn.

Thực sự những tâm huyết của tôi đã có những khách hàng cảm nhận được. Đặc biệt có những khách hàng đã từ lâu ủng hộ cho tôi, vì thế tôi không cô đơn.

Có những cái Tết tôi ngồi may, khâu áo dài và cảm thấy thực sự hài lòng với những sản phẩm mình làm ra, điều đó làm tôi cảm thấy mình giỏi hơn. Vượt qua chính mình, điều đó vô cùng đáng giá.

NTK áo dài Xuân Thu: "Tôi không có sản phẩm thời trang nào nhạt nhẽo" - Ảnh 9.

Dưới góc nhìn của một nhà thiết kế, theo chị thế nào là một chiếc áo dài đẹp, một người phụ nữ mặc đẹp?

- Là chiếc áo được chăm chút tỉ mỉ, bởi áo dài rất khó ở đường vai ráp lăng, hoặc đường kẻ 2 tà áo dài phải xuôi xuống dứt khoát, không thể xiên xẹo được. Nếu người thợ may không giỏi sẽ dễ làm hỏng bộ áo dài. Áo dài đẹp cũng bởi cái kết cấu phù hợp với vóc dáng của người phụ nữ Việt, vì phụ nữ Việt vóc dáng nhỏ nên cái gì lớn quá sẽ không tôn được vóc dáng. Sự kết hợp giữa 2 tà áo và quần lụa đem tới sự uyển chuyển, dù người phụ nữ béo hay gầy khi mặc áo lụa đều cho cảm giác mềm mại. Người phụ nữ thông minh sẽ tự nhận ra được vẻ đẹp của áo dài, bởi cái áo họ mặc phù hợp với làn da của họ, hợp với thời tiết, khí hậu.

Tôi cho rằng một người phụ nữ khi mặc một bộ trang phục tự nhiên, phù hợp thì bản thân họ chính là những tác phẩm nghệ thuật. Thời trang có những sản phẩm khác nhau, giống như món ăn, vị này hợp với người này nhưng người khác thì không. Vì vậy mỗi người phụ nữ đều có vẻ đẹp riêng, thể hiện cái tôi của họ. Và khi cái bản sắc của họ hòa với rất nhiều phụ nữ bản sắc, nó tạo nên một dàn đồng ca, tạo nên một vẻ đẹp Việt, và điều đấy chính là niềm tự hào về trang phục Việt nói riêng đối với phụ nữ, tôi mong muốn cả nam giới cũng vậy.

NTK áo dài Xuân Thu: "Tôi không có sản phẩm thời trang nào nhạt nhẽo" - Ảnh 10.

Clip: Nhà Thiết Kế áo dài Xuân Thu có cuộc trò chuyện với Báo Dân Việt.

Một câu hỏi cuối, chị thấy mình đứng đâu trong làng thời trang Việt Nam?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi ở đâu trong làng thời trang, nhưng tôi luôn có một câu là "tự mình phục mình", bởi vì tôi tự biết rằng khi tự bước đi, gặp khó khăn chông gai, vượt qua nó và chạm tới cái đích mình muốn, đó là một sự hoàn thiện mình. Tôi rất muốn làm ra những bộ trang phục vừa phù hợp với thần thái của những người phụ nữ xuất sắc, vừa phù hợp với không gian sống của họ, phù hợp với màu thời tiết. Vì vậy, suốt nhiều năm miệt mài, tôi đã được chắt lọc, mài dũa, cuối cùng con đường của tôi đã được định hình. Thời điểm hiện tại tôi đang làm những thứ khó, đòi hỏi sự tâm huyết lớn, tình yêu nghề, trăn trở với nghề và tự hoàn thiện mình mỗi ngày. Tôi sẽ cố gắng con đường này cho dù có chông gai như thế nào.

CAO ANH
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem