Nữ điệp viên sát thủ thầm lặng thời Thế chiến thứ hai

Chủ nhật, ngày 12/01/2020 10:34 AM (GMT+7)
Krystyna Skarbek, còn gọi là Christine Granville, là người phụ nữ đầu tiên làm điệp viên đặc biệt cho Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bà cũng là nữ điệp viên phục vụ lâu nhất cho Anh.
Bình luận 0

Theo trang military-history.org, đóng góp phi thường cho quân Đồng minh trên ba chiến trường đã mang về cho bà Huân chương George và Huân chương Đế quốc Anh do Anh trao tặng, Chiến công Bội tinh do Pháp trao tặng và rất nhiều phần thưởng khiến bất kỳ vị tướng nào cũng phải tự hào.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến kết thúc 7 năm thì bà đã qua đời vì bị sát hại trong một khách sạn ở Nam London bằng một con dao rất giống con dao bà từng mang theo trong suốt cuộc chiến tranh.

Con đường thành điệp viên

img

Ảnh: military-history.org

Skarbek sinh năm 1908 ở Warsaw, là con thứ hai của một nhà quý tộc Ba Lan và một người thừa kế ngân hàng Do Thái. Gia đình Skarbek rất giàu có. Bà là một người đẹp Ba Lan thời trước chiến tranh, có nét giống cha và thích cưỡi ngựa giống ông. Thay vì ngồi nghiêng khi cưỡi ngựa giống phụ nữ thời đó, Skarbek ngồi trên lưng ngựa như đàn ông. Skarbek trở thành người trượt tuyết thành thạo trong các chuyến đi tới Zakopane ở núi Tatra, miền Nam Ba Lan.

Tuy nhiên, Skarbek không phải là người có triển vọng để làm việc trong Cục Tình báo Mật của Anh (SIS). Phần lớn sĩ quan và đặc vụ của SIS đều được tuyển dụng thông qua mạng lưới nam giới. Skarbek không phải là nam giới, cũng phải là người Anh.

Dù vậy, vào cuối năm 1939, Skarbek đã chủ động yêu cầu được xem xét tuyển dụng. Với kiến thức và kỹ năng xuất sắc, Skarbek khiến người Anh không thể từ chối.

Khi đó, Anh nóng lòng muốn biết Đức quốc xã đang tổ chức thế nào bên trong Ba Lan bị chiếm đóng. Skarbek biết nói tiếng Ba Lan, Pháp và Anh, đồng thời có mối liên lạc tuyệt vời ở Warsaw và khắp Ba Lan.

Tuy nhiên, điều khiến Skarbek trở thành ngoại lệ là trước chiến tranh, thay vì ngồi yên và sống cuộc sống buồn tẻ của một nữ bá tước, Skarbek từng thích công việc tuồn lậu thuốc lá vào Ba Lan qua dãy núi Tatra cao ngất. Do đó, bà cũng biết các tuyến đường bí mật ra và vào Ba Lan.

Sứ mệnh nguy hiểm

img

Ảnh: backtonormandy.org

Năm sau đó, Skarbek đảm nhận các sứ mệnh nguy hiểm và bà đi lại chủ yếu bằng cách trượt tuyết từ đất nước Hungary khi đó trung lập vào Ba Lan bị chiếm đóng. Bà mang thông tin, tiền bạc cho phong trào kháng chiến Ba Lan đang non nớt, đảm nhận nhiệm vụ tìm kiếm thông tin, chuyển thông tin, mã vô tuyến, sách mật mã và vi phim (được giấu trong găng tay) ra ngoài.

Nhiều lần, nhờ sự nhanh trí mà Skarbek đã không chỉ cứu mạng sống của chính mình mà còn cả mạng sống của các đồng nghiệp nam. Một báo cáo từ tài liệu chính thức của Anh nói rằng Skarbek thể hiện trí tuệ tuyệt vời và giúp cả mình và một sĩ quan Ba Lan được thả sau khi bị kẻ địch bắt.

“Trí tuệ tuyệt vời” mà báo cáo nhắc tới được Skarbek thể hiện trong một lần thẩm vấn. Bà cố tình ho khan để trông mình ốm yếu. Bà liên tục cắn lưỡi để làm ra vẻ là ho ra máu, một triệu chứng điển hình của bệnh lao. Rất kinh hãi bệnh này nên Đức quốc xã đã tống cả bà và sĩ quan Ba Lan ra ngoài đường vì cho rằng cả bà và viên sĩ quan đều nhiễm bệnh.

Trong số những thông tin mà Skarbek tuồn ra ngoài biên giới, có bằng chứng bằng phim đầu tiên về sự chuẩn bị của Đức quốc xã cho Chiến dịch Barbarossa - cuộc xâm chiếm đồng minh của Anh khi đó là Liên Xô.

Theo lời Sarah Oliver, con gái Thủ tướng Anh Winston Churchill khi đó, khi phim này được đặt lên bàn Thủ tướng, ông đã nhận xét rằng Skarbek là điệp viên ông yêu thích.

Phần lớn điệp viên thời đó thường làm người đưa thư hoặc điều hành vô tuyến ở nước Pháp bị chiếm đóng – nơi mà phụ nữ khỏe mạnh đi khắp nơi sẽ ít bị lực lượng chiếm đóng nghi ngờ hơn là nam giới.

Khi đó, Skarbek đang làm việc ở Ai Cập và Trung Đông, đều làm nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo và tiếp nhận huấn luyện. Bà học về mật mã, kể cả mã Morse, truyền phát không dây, nhảy dù, vũ khí và chất nổ và chủ đề mà bà giỏi nhất: giết người thầm lặng.

Mùa hè năm 1944, Skarbek chuẩn bị được thả xuống bằng dù đằng sau chiến tuyến ở Pháp. Tại đây, bà đảm nhiệm công việc sẽ khiến bà trở thành huyền thoại trong lực lượng đặc biệt.

Tổ chức kháng chiến

img

Ảnh: military-history.org

Skarbek được cử tới Pháp để làm người đưa thư cho đặc vụ Francis Cammaerts của Đội Tác chiến Đặc biệt (SOE), điều phối quân nhu và huấn luyện, phụ trách liên lạc trong và ngoài nước cho quân kháng chiến Pháp để chuẩn bị cho ngày D-Day ở miền Nam nước Pháp.

Trong số nhiều thành tựu khác, bà đã thiết lập được liên lạc đầu tiên giữa các đơn vị kháng chiến Pháp và dân quân kháng chiến Italy ở hai phía dãy núi Alps. Khi xác định được một chỉ huy Italy trong một cuộc đấu súng, Skarbek nhanh chóng liên lạc và gửi yêu cầu của người này về cung cấp súng, đồng phục và thịt đóng hộp.

Sau đó, Skarbek nhanh chóng trở về núi một mình nhằm bảo đảm an toàn trên con đèo chiến lược cho toàn bộ binh lính chiến đấu cho Đức quốc xã trong một đơn vị đồn trú muốn đào tẩu. Khi có tín hiệu, lính nghĩa vụ Ba Lan tại đơn vị đồn trú này đào tẩu. Trước tiên, họ vô hiệu hóa vũ khí hạng nặng bằng cách tháo các chốt khai hỏa tấm thép đóng khóa nòng súng. Sau đó, họ cố gắng mang theo súng máy và súng cối càng nhiều càng tốt.

Francis Cammaerts về sau bị bắt tại rào chắn cùng với hai đồng đội và bị kết án tử hình. Khi lực lượng kháng chiến địa phương thẳng thừng từ chối huy động người và nguồn lực để giải cứu họ, Skarbek đã đạp xe tới nhà tù – nơi họ bị giam và giải cứu cả ba người bằng mưu mẹo thông minh trước khi họ bị hành quyết vài tiếng.

Khi đó, Skarbek đã gặp chỉ huy cảnh sát mật Đức ở Digne-les-Baines (Pháp), nói với anh ta rằng mình là điệp viên Anh và thuyết phục anh ta vừa bằng đe dọa, nói dối lẫn bằng khoản hối lộ 2 triệu franc để thả các đặc vụ SOE. Dường như lòng dũng cảm và năng lực của Skarbek không có giới hạn.

Tình yêu và tự do

img

Ảnh: lifedaily.com

Skarbek là một phụ nữ rất sôi nổi. Bà thích hành động và mạo hiểm. Bà có hai người chồng và rất nhiều người tình trong những năm tháng chiến tranh dữ dội.

Ngày 21/4/1930, Skarbek kết hôn với người chồng đầu tiên là một doanh nhân trẻ tên Gustaw Gettlich ở Warsaw. Họ không hợp nhau và cuộc hôn nhân nhanh chóng kết thúc. Sau đó bà có một mối tình nhưng không đi đến đâu khi mẹ của người tình không đồng ý cho con trai lấy một phụ nữ ly hôn không xu dính túi.

Một ngày nọ, khi đang trượt tuyết, Skarbek mất kiểm soát và được một người đàn ông cứu. Người đó là Jerzy Gizycki, xuất thân từ một gia đình giàu có ở Kamieniec Podolski. Họ kết hôn ngày 2/11/1938.

Không lâu sau đó, Gizycki nhận nhiệm vụ ngoại giao ở Ethiopia cho tới khi Ba Lan bị Đức chiếm đóng. Về sau Skarbek nói về Gizycki: “Anh ta kiểm soát tôi trong quá nhiều năm tới mức anh ta sẽ không bao giờ tin rằng tôi có thể bỏ anh ta mãi mãi”.

Trên hết, Skarbek yêu tự do và độc lập vì bản thân, vì Ba Lan và vì mọi nước Đồng minh đối mặt với Đức quốc xã. Bi kịch thay, cuộc đời bà lại ngắn ngủi. Sau chiến tranh không lâu, bà bị một người mà bà từ chối tình yêu sát hại. Skarbek bị đâm tới chết ở khách sạn Shelbourne tại London ngày 15/6/1952.

Thùy Dương (Báo tin tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem