Nữ nông dân thành doanh nhân thành đạt toàn cầu nhờ chổi chít

Thứ sáu, ngày 08/02/2013 07:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chị Nguyễn Thị Thư nhớ rất rõ chuyến chổi chít đầu tiên xuất sang Nga chỉ 70 triệu đồng tiền hàng, nhưng nó đã giúp chị có niềm tin mở rộng mặt hàng này.
Bình luận 0

Chị Nguyễn Thị Thư - một phụ nữ nông dân ở xã Trung Minh, TP. Hoà Bình (Hoà Bình) đã lọt vào top 10 cá nhân được giải thưởng Nữ doanh nhân thành đạt toàn cầu 2012 của Diễn đàn Phát triển và Thương mại Liên Hợp Quốc (UNCTAD) 2012.

Vinh dự cho nông dân nghèo

Đến giờ chị Thư vẫn nhớ như in những ngày trên đất Qatar đầy nắng nóng, cảm giác sung sướng, tự hào khi được nhận giải do đích thân ông Tổng thư ký của UNCTAD trao tặng dường như vẫn ngập tràn. “Mình cảm nhận đó là một giải thưởng lớn, đó không chỉ vinh dự cho mình mà còn cho những nông dân nghèo nơi vùng cao Hòa Bình này” - chị Thư hồi tưởng.

img
Chị Nguyễn Thị Thư với một mẫu sản phẩm của công ty SANDA.

Sang nhận giải ở Doha, chị Thư mang theo một món quà nhỏ để tặng cho những người bạn mới, đó là những chiếc chổi chít xinh xắn, xoè rộng như chiếc quạt của các cô gái Mường Hoà Bình do chính tay chị làm. Chị Thư cho biết, đây không phải lần đầu chị xuất ngoại, trước đó đã hai lần chị được vinh dự đại diện cho các doanh nghiệp của tỉnh Hoà Bình theo đoàn tháp tùng Thủ tướng.

Cơ may đến với chị khi được tham gia lớp học do Chương trình Empretec của UNCTAD tại Việt Nam tổ chức ở Nghệ An. Sau khi được truyền thụ kiến thức, mỗi học viên khoá học phải viết một ý tưởng kinh doanh của mình sao cho sát với thực tế và thực hành đem về lợi nhuận ngay ở tại lớp học, dưới sự giám sát của cán bộ chương trình.

Bản kế hoạch dự trù kinh doanh và bán sản phẩm của chị Thư đã thu được lợi nhuận cao, thuyết phục được các giảng viên của Empretec. Chị cũng đạt thành tích học tập cao nhất khoá nên được chọn viết tiếp bài gửi đi tham dự Chương trình Empretec ở Thụy Sĩ. Kết quả là chị đã trở thành một trong 10 gương mặt Nữ doanh nhân thành đạt toàn cầu năm 2012.

“Phù thuỷ” của cây chổi chít

Đến thăm văn phòng Công ty TNHH SANDA Hoà Bình tại căn nhà sàn bằng gỗ giản dị ở cuối đường Tôn Thất Thuyết - đúng ra là một trang trại vườn rừng nằm ngay cửa ngõ TP. Hoà Bình, chị Thư giới thiệu với chúng tôi các mẫu sản phẩm mây, tre đan, cùng những cây chổi chít với đủ kích cỡ, hình dạng bắt mắt. Chị say sưa kể về chúng.

Sống ở vùng núi nghèo có nghề làm chổi truyền thống, từ nhỏ chị đã biết túm từng nắm chít bó thành chổi để đem bán ở những buổi chợ phiên. Những chiếc chổi đó đã giúp bố mẹ nuôi 6 chị em chị khôn lớn. Chị luôn mơ ước sẽ làm giàu từ những cây chổi chít, mơ cùng cây chổi chít bay xa hơn khu chợ làng để bán những sản phẩm của mình ra thế giới. Dịp may đã đến, khi có một vị khách người Malaysia mến mộ sự nhiệt thành và bàn tay khéo léo của chị, đã đặt làm những chiếc chổi chít để mang về nước.

Kể từ đó chị dốc hết tâm huyết, vốn liếng để làm chổi chít, hối hả ngược xuôi để tìm mối mua bán hàng khắp trong và ngoài nước. Chị nhớ rất rõ chuyến chổi chít đầu tiên xuất sang Nga chỉ 70 triệu đồng tiền hàng, nhưng nó đã giúp chị có niềm tin mở rộng mặt hàng này. Năm 2000, chị Thư mạnh dạn lập Công ty SANDA Hoà Bình, mở nhiều lớp dạy làm chổi chít để có những chiếc chổi đẹp, chất lượng. Tiếng lành đồn xa, đã có rất nhiều khách hàng từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Pháp... đặt mua sản phẩm.

Giải thưởng Nữ doanh nhân thành đạt được Chương trình Empretec toàn cầu (thuộc UNCTAD) tôn vinh các nữ doanh nhân thành đạt (thuộc các nước đang phát triển)trong việc phát triển các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng.

Nguyễn Thị Thư đã trở thành một Nữ doanh nhân thành đạt như vậy. Nhưng với người dân vùng Kỳ Sơn (TP. Hoà Bình) thì chị Thư là một nữ giám đốc chất phác, cởi mở, một Chi hội trưởng Hội Nông dân tổ 1 (xã Trung Minh) nhiệt tình, hết lòng vì công tác hội, là tấm gương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm nay.

Chị đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho hàng trăm hội viên nông dân trong vùng những khi nông nhàn, từ người già đến em nhỏ, những người có hoàn cảnh không may mắn, cả những người nghiện hút... đều làm được chổi và có thu nhập ổn định. Nếu cần cù, chăm chỉ mỗi ngày họ cũng có thu nhập 80.000-100.000 đồng.

Chị Thư chia sẻ: “Khi nhận họ vào làm việc, phải tin tưởng, truyền cảm hứng cho họ thì mọi người mới tận tâm”. Đến nay, doanh nghiệp của chị thường xuyên có 10 lao động lâu dài và khoảng 700 lao động thời vụ, trong đó có tới 80% lao động là phụ nữ người dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem