“Nữ tướng” 30 năm gắn bó và dành tình yêu kỳ lạ với những con "đầu cơ nghiệp"

Gia Tưởng Thứ sáu, ngày 12/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ngay giữa thủ đô Hà Nội, có một đàn trâu “khủng” lên đến 200 con, được duy trì hàng chục năm qua. Ít ai biết, người cai quản đàn trâu này lại là một người phụ nữ gầy gò, bé nhỏ. Đó là bà Lê Thị Hải (51 tuổi) ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Bình luận 0

Bà Hải chia sẻ, để có đàn trâu này, bà đã phải đánh đổi 30 năm qua thức khuya dậy sớm và có một tình yêu đến kỳ lạ với những con "đầu cơ nghiệp" này.

Khởi nghiệp từ một con trâu cái…

Dẫn chúng tôi ra thăm đàn trâu đang đủng đỉnh gặm cỏ dưới chân cầu Vĩnh Tuy, bà Hải tâm sự về đàn trâu và cuộc đời mình: "Vợ chồng tôi lấy nhau cũng đã vất vả rồi. Anh Tiến chồng tôi lúc đó đi tù về, chả ai thích được, bố thì hắt hủi, nhà thì không có đất để làm ruộng. Nhưng tôi nghĩ khác, mình phải thương anh ấy thì người ta mới có niềm tin trong cuộc sống mà chăm chỉ lao động thành người có ích. Cũng trộm vía, tôi làm vợ ông ấy 30 năm rồi mà không bị ăn câu chửi câu mắng hay cái bạt tai nào đâu. Tính ông ấy thương người, vui vẻ, nên nhà cửa lúc nào cũng nhiều khách tới thăm và quý nhau lắm…".

(xuan) “Nữ tướng” quản 200 con trâu giữa Thủ đô - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Hải đã có 30 năm gắn bó với nghề nuôi trâu. Ảnh: G.T

"Nhờ con trâu, có duyên với trâu mà tôi được ăn lộc. Sau bao nhiêu năm vất vả, gia đình tôi cũng thoát nghèo, nuôi được con ăn học, xây được cái nhà cái cửa, thế cũng mừng lắm rồi".

Bà Lê Thị Hải

Đứng trước đàn trâu 200 con đang phởn phơ trong buổi chiều đông, bà Hải tâm sự: "Tôi khởi nghiệp từ một con trâu nái. Lúc đó vợ chồng tôi ra bãi giữa sông Hồng này khai hoang, cỏ cây tốt lắm nhưng mà mình nghèo quá, đến con ốm đưa lên Bệnh viện Đức Giang còn phải đi vay 3 nhà hàng xóm mới được 150.000 đồng. Tôi không bao giờ quên được những ngày khốn khó đó. Và chỉ ước đời mình trong túi lúc nào cũng có 500.000 đồng, đề phòng con ốm con đau".

Năm 1991, vợ chồng bà vay được 1,8 triệu đồng và mua 1 con trâu cái, với ý định để đi cày thuê cho bà con trồng trọt trên bãi giữa. Nhưng không ngờ con trâu cái đó lại mắn đẻ, cứ đẻ sòn sòn. Rồi có vốn, bà mua thêm được 6 con trâu cái nữa. Bà bảo, kinh nghiệm nuôi trâu của bà là phải chọn giống trâu quê, tuy con không to nhưng rất mắn đẻ, thịt thơm ngon, và có sức chịu đựng dẻo dai, rất ít bị mắc bệnh.

"Tôi ngoài chịu khó, và giời thương cho sức khỏe, thì phải nói rằng tôi có lộc chăn nuôi, các cụ gọi là mát tay. Tôi biết ơn đàn trâu và luôn coi đó là những thứ quý giá nhất của đời mình. Hồi trước, con trâu cái đầu tiên ấy, cái con giúp tôi gây dựng đàn trâu, bị bệnh, vợ chồng tôi đã mời cả tiến sĩ thú y về chữa. Sau này nó già yếu và chết, tôi nhớ nó mãi tới tận bây giờ chưa thể quên được" - bà Hải kể.

(xuan) “Nữ tướng” quản 200 con trâu giữa Thủ đô - Ảnh 3.

Cả gia đình không có nghỉ tết

Đếm từng con trâu trên bãi, bà Hải cho hay, mỗi ngày, nếu trời rét thì bắt đầu từ 9 giờ sáng mới mở chuồng cho trâu đi ăn, khoảng 5 giờ chiều lùa trâu về lại chuồng, kiểm đếm, xong thả chó ra bảo vệ. Đêm còn phải thức để đi tuần mấy chập không sợ trộm vào bắt mất trâu. Từ ngày chăn trâu, nhà bà không bao giờ có nghỉ tết. Ngày thường, nhà bà có 3 thợ chăn trâu quê ở Hòa Bình, trả lương tháng 6 triệu đồng/người, cơm nuôi. Tết đến họ về quê, nên dù là mồng 1, mồng 2 tết thì bà vẫn phải lùa trâu ra bãi cho chúng ăn cỏ. "Đàn trâu lúc nào cũng khoảng trên dưới 200 con, nhất là lũ trâu nái có con nhỏ đang cho bú thì không thể nhốt chúng lại để mình chơi tết được chú ạ" – bà Hải nói vậy.

Nói về "sự nghiệp" chăn trâu, bà Hải bảo, nếu chỉ nhìn đàn trâu ung dung ăn cỏ kia thì ai cũng nghĩ là chăn trâu không khó, nhưng thực sự thì không hề dễ chút nào. Mỗi buổi sáng đưa trâu ra bãi đều vất vả mất hơn 1 giờ đồng hồ, lúc nào trâu ăn ổn định, êm đàn rồi thì bà mới nhàn nhã được. Chiều đến thì lại phải lo thu đàn về, ngoài bãi sông nhiều bụi cây, nếu một vài con nghé lạc đàn mà không kịp tìm về thì dễ bị bắt trộm. Năm 2016, kẻ trộm đã dùng ôtô vào bắt mất 4 con trâu đực to nhất đàn trâu của bà, trị giá hơn 300 triệu đồng.

Với đàn trâu 200 con, mỗi năm gia đình bà Hải xuất bán được từ 50-70 con trâu thương phẩm, có khoản thu đáng kể và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động.

Lúc tôi chào ra về, bà Hải tâm sự thêm: "Bước sang năm 2021 là đúng 30 năm tôi khởi nghiệp nghề chăn trâu. Năm nay tôi sẽ làm 1 tượng con trâu cái đầu tiên để thờ, và luôn nhắc nhở mình cùng gia đình phải chịu thương, chịu khó, dù nắng mưa thế nào cũng phải chăm sóc đàn trâu cẩn thận". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem